Tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mô hình quản lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn ven đô ở huyện hòa vang, đà nẵng (Trang 33 - 34)

Chất thải là vấn đề đang rất được nhiều người quan tâm, đặc biệt là lãnh đạo các cấp chính quyền, các nhà quản lý môi trường. chất thải không chỉ là vấn đề của các khu đô thị mà nó còn vươn tới cả vùng quê xa xôi trên đất nước. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra số liệu hàng năm có khoảng 5 triệu người (trong đó có khoảng 4 triệu trẻ em) chết vì các bệnh liên quan tới rác trên hành tinh chúng ta. Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra còn nguy hại hơn nhiều quốc gia khác, gần 100% số người sống bằng nghề nhặt rác đều mắc các bệnh ngoài da, bệnh viêm đường hô hấp, trong đó 50% là trẻ em. Trong khi đó lâu nay tồn tại tâm lý thờ ơ với những nguy hại từ rác. Lượng chất thải phát sinh không ngừng tăng lên, song việc thu gom vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn, khối lượng xử lý hầu như không đáng kể. Theo số liệu ngân hàng thế giới, chỉ có gần ¾ lượng rác ở đô thị được thu gom và 1/5 ở nông thôn. Trong số 91 điểm tiêu hủy rác của cả nước chỉ có 17 bãi rác là hợp vệ sinh, số còn lại thường là lộ thiên, gây ô nhiễm nghiêm trọng đất, nước mặt và nước ngầm. Các hũ đốt rác thải y tế có công suất đủ để tiêu hủy khoảng một nửa số chất thải y tế nguy hại trên cả nước, song do thiếu kinh phí vận hành và bảo dưỡng, các hũ đốt này được hoạt động không đúng quy trình, làm tăng nguy cơ phát thải các khí dioxin và furan độc hại.

Tốc độ phát sinh chất thải ở nước ta cũng tùy thuộc vào từng loại đô thị và dao động từ 0,35 kg/người/ngày đến 0,8 kg/người/ngày [18].

Lượng chất thải tạo thành hay còn gọi là tiêu chuẩn tạo rác được định nghĩa là lượng rác thải phát sinh từ hoạt động của một người trong một ngày đêm (kg/người/ngày đêm).

Một số công trình nghiên cứu về quản lý chất thải ở Việt Nam

+ Rác thải sinh hoạt một phần của cuộc sống, Bài dự thi Đại Sứ Môi Trường BAYER 2006 của Vũ Thị Hoài An, đại học bách khoa thành phố Hồ Chí Minh.

Trong công trình nghiên cứu này tác giả nhấn mạnh việc chất thải sinh hoạt là một phần của cuộc sống. Rác không phải là một thứ bỏ đi nếu con người biết đặt nó vào đúng vị trí. Xuất phát từ ý tưởng rác cũng là hàng hóa nên rác có thể được buôn bán và sinh lợi nhuận. Rác là một nguồn nguyên liệu, có thể chế tạo làm bê tông lót đường, đê chắn sóng. Có thể giảm hao phí tài nguyên khá lớn. Đồng thời tác giả đề cập đến khái niệm năng suất xanh trong cộng đồng, khái niệm năng suất xanh được đưa ra bởi tổ chức năng suất Châu Á vào năm 1994, hướng từ sự tổng hợp của hai chiến lược quan trọng là nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường. Năng suất xanh kết hợp việc ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm phòng tránh phát thải và chất thải, bảo toàn năng lượng, kiểm soát ô nhiễm và hệ thống quản lý ô nhiễm môi trường. Đây là một phương pháp kết hợp giữa các biện pháp tăng năng suất với các kỹ thuật quản lý môi trường nhằm tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ hài hòa với môi trường để tăng năng suất mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Năng suất xanh có thể được áp dụng trong nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Nhưng thật ra phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường là giảm phát sinh chất thải, năng suất xanh là một trong những biện pháp đó [1].

+ Giáo trình công nghệ vi sinh vật trong xử lý ô nhiễm môi trường, PGS.TS.Nguyễn Xuân Thành, NXB Nông nghiệp 2004.

Trong công trình nghiên cứu này tác giả đề cập tới việc xử lý chất thải sinh hoạt, rác thải đô thị bằng công nghệ vi sinh vật. Tác giả nêu lên những phương pháp sử dụng vi sinh vật để xử lý chất thải. Đồng thời tác giả nêu lên việc sản xuất phân hữu cơ sinh học, một loại sản phẩm được tạo thành thông qua quá trình lên men vi sinh vật các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau như phế thải nông nghiệp, phế thải công nghiệp, phế thải sinh hoạt, trong đó các hợp chất hữu cơ phức tạp dưới tác động của vi sinh vật được chuyển hóa thành mùn. Các chế phẩm vi sinh vật không làm hại đến môi trường và con người, chuyển hóa các phế thải làm sạch môi trường. Việc áp dụng công nghệ vi sinh vật trong xử lý ô nhiễm môi trường đã và đang được nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam quan tâm, nghiên cứu. Mặc dù các biện pháp công nghệ vi sinh ở nước ta còn hạn chế nhưng cũng đem lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng/năm. Việc áp dụng công nghệ vi sinh vật trong xử lý rác thải nên được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi vì tính thiết thực của nó [19].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mô hình quản lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn ven đô ở huyện hòa vang, đà nẵng (Trang 33 - 34)