3. Ý nghĩa của đề tài
1.3. Tổng quan về tình hình nghiên cứu trên thế giới
Bệnh sài sốt ở chó đã được phát hiện đầu tiên ở Peru, sau đó lây lan sang Tây Ban Nha trong thế kỷ 17. Theo như mô tả của Antonio de Ulloa vào năm 1746: vào khoảng giữa thế kỷ 18, căn bệnh lần đầu tiên được báo cáo ở Tây Ban Nha, tiếp theo là Anh, Ý (1764) và Nga (1770) (Blancou, 2004). Còn theo Appel và Gillespie (1972), bệnh Care ở chó được báo cáo lần đầu tiên ở châu Âu vào năm 1760. Các triệu chứng lâm sàng và tiến triển của bệnh đã được mô tả từ năm 1809 bởi Edward Jenner.
Năm 1905, bác sĩ thú y người Pháp Henri Carré đã phân lập được mầm bệnh từ nước mũi của chó bị bệnh, ông đã lọc mẫu bệnh phẩm qua màng lọc vi khuẩn và đem gây bệnh thực nghiệm cho chó khỏe mạnh khác thì thấy vẫn gây được bệnh. Vì thế, ông kết luận nguyên nhân của bệnh là do virus. Sau này, người ta lấy tên ông để đặt tên cho mầm bệnh và tên bệnh (David và Martin, 1979). Gần đây, bệnh còn được ghi nhận ở các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam (Kubo và cs., 2007; An và cs., 2008; Swati và cs., 2015; Dung và cs.,2016; Đoàn Thị Thanh Hương và cs.,2018).
Vào năm 1923, Putoni lần đầu tiên tạo ra được vaccine nhược độc, tuy nhiên vaccine này độc lực vẫn còn cao. Từ năm 1948 về sau, với sự phát triển mạnh mẽ của virus học, nhiều vaccine phòng bệnh Care có hiệu quả đã được tìm ra. Trong nhiều thập kỷ, bệnh Care đã được khống chế bằng vắc xin. Tuy nhiên thời gian gần đây các ổ dịch lại liên tiếp nổ ra ở nhiều nước khác nhau, kể cả ở những chó chưa được tiêm vaccine cũng như những chó đã được tiêm vaccine (Demeter và cs., 2010).
Hiện nay, bệnh có ở khắp nơi trên thế giới, không những xảy ra ở chó nuôi mà còn ở nhiều quần thể động vật hoang dã. Tại Brazil, tỷ lệ nhiễm CDV
ở chó hoang rất cao do chó không được tiêm chủng. Do đó, đòi hỏi những nghiên cứu mới về dịch tễ học phân tử. Kết quả phân tích sinh thái học vào những năm 1980 cho thấy, các chủng có nguồn gốc từ Brazil chủ yếu tập trung tại Nam Mỹ (SAI) clade 1. Người ta cho rằng những chó mắc bệnh Care nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ ràng đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho công tác bảo tồn nhiều loài thú ăn thịt và thú có túi. Con người là tác nhân làm gia tăng sự tiếp xúc của chó nuôi với động vật hoang dã, kéo theo sự lan truyền bệnh vào các quần thể mới và các vùng địa lý mới. Do dân số của con người trên trái đất tiếp tục phát triển và xâm phạm môi trường sống của các loài động vật hoang dã, khiến bệnh này có thể sẽ tiếp tục lây lan vào quần thể động vật mới. Các thống kê cho thấy, bệnh Care là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của chồn chân đen, hổ Tasmania và là nguyên nhân gây tử vong của chó hoang dã châu Phi (Assessment, 2005).
Năm 1991, bệnh xảy ra trên quần thể sư tử Serengeti ở Tanzania làm giảm 20% số lượng toàn đàn (Timothy và cs., 2009). Còn vào năm 2014, virus gây bệnh Care đã được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân, ít nhất là một phần của sự suy giảm số lượng hổ ở loài hổ Amulet ở Nga Sikhote - Alin Biosphere Zapovednik (SABZ). Năm 2018, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of Wildlife Diseases mô tả trường hợp đầu tiên của bệnh CDV được phát hiện trong một con báo cái 2 tuổi thuộc bộ báo Viễn Đông hoang dã.
Li W. và cs. (2018) đã phân lập thành công 9 mẫu CDV từ bệnh phẩm trong phân và dịch mắt của 20 chó nghi mắc bệnh. Kết quả cho thấy, ba mẫu CDV (ANHAO, 11HAO và 2HAO) thu được từ những chó đã được tiêm phòng vaccine và sáu CDV (56hao, xiaosi, 54hao, 55hao, 14hao và 17hao) thu được từ những chó không được tiêm phòng.
Các gen H của những virus này được nhân bản với các cặp mồi: CDV- WH1 (5′-AACAATGCTCTCCTACCAAGA-3′) và CDV-WH2 (5′- AATGCTAGAGATGGGTTTATT-3′) và giải trình tự. Trình tự gen H của ba CDV phân lập từ chó đã tiêm phòng được nộp vào cơ sở dữ liệu NCBI với số gia nhập: MG922460, MG922458 và MG922459.
Chutchai Piewbang và cs. (2019), trình tự bộ gen hoàn chỉnh của 8 chủng CDV được phân lập từ chó nhà ở Thái Lan là (CDV1-3, -5, -8 TH/2014) được nhóm lại như một dòng Asia-4 mới, trong khi CDV4, -6, -7 TH/2014 thuộc dòng Asia-1.
Cho đến nay đã có tổng số 82 hệ gen của CDV của thế giới được giả mã toàn bộ hệ gen và đăng kí trên Ngân hàng Gen, bao gồm các chủng virus phân lập tại Mỹ, Anh, Italia, Thụy Điển, Brazil, Canada, Kazakhstan, Uruguay, Trung Quốc, Nhật Bản và một chủng của Việt Nam.