Tình hình khai thác hàu và nuôi hàu tại tỉnh Bình Định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh sản và sản xuất giống nhân tạo hàu thái bình dương crassostrea gigas (thunberg, 1793) tại bình định (Trang 27 - 30)

3. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài

1.4.4. Tình hình khai thác hàu và nuôi hàu tại tỉnh Bình Định

* Khai thác hàu

Nghề khai thác hàu và thu mua hàu ở đầm Thị Nại không phải là nghề chính và chuyên nghiệp. Thường kết hợp đánh bắt thủy sản với khai thác hàu hoặc nuôi tôm với nuôi hàu nâng cấp, do đó sản lượng hàu khai thác không cao, đồng thời người dân chưa có tập quán nuôi hàu nên thường khai thác hàu cỡ nhỏ thì lại đập vỏ lấy thịt mà không nuôi lại, từ đó hàu bị khai thác tận diệt, sản lượng hàu cỡ lớn giảm sút nhiều qua các năm.

Khai thác hàu gần như quanh năm trừ tháng 9 - 11 là những tháng mưa lụt lớn, sản lượng dao động từ 10 – 50 kg hàu vỏ/ngày/hộ tùy thời kỳ con nước và mùa vụ. Sản lượng khai thác nhiều nhất từ tháng 2 - tháng 5 (chiếm khoảng 70%), đây cũng là thời kỳ hàu có tuyến sinh dục phát triển nhất, sản lượng khai thác thấp nhất từ tháng 7 - tháng 9. Dụng cụ khai thác chủ yếu là khung cào có lưới, dao, đục, búa... vì thế hàu khai thác gần như không nguyên vẹn vỏ (trừ trường hợp khai thác bằng lưới cào). Sản lượng khai thác trung bình năm khoảng 150 tấn, giá bán dao động từ 5.000 - 6.000 đ/kg loại 25 con/kg. Hàu có kích thước chiều dài trên 80mm/con thì giá bán khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg.

* Nuôi hàu

Hiện nay, có 6 loài hàu thuộc 3 giống phân bố tự nhiên ở đầm Thị Nại. Trong đó, 3 loài có giá trị kinh tế là Hàu muỗng (Crassostrea sp.), Hàu đá (Saccostrea mordax) và Hàu răng cưa (Alectryonella plicatula). Hàu muỗng có giá trị cao hơn cả và là loài duy nhất đã và đang thử nghiệm nuôi thương phẩm trong đầm. Vào năm 2003 và 2004, nuôi thử nghiệm Hàu muỗng Crassostreasp. diễn ra ở 3 khu vực: Nhơn Bình, Nhơn Hội và Cồn Chim, các vị trí nuôi đặc trưng cho từng vùng nước: Nuôi ở lạch cấp và thoát nước; nuôi trong ao tôm quảng canh; nuôi trực tiếp ngoài đầm lớn. Kết quả nuôi cho thấy hàu chết nhiều và chậm lớn vào những tháng mùa mưa (tháng 10,11,12) do nước ngọt từ sông đổ ra làm cho độ mặn giảm rất thấp và cua là địch hại nghiêm trọng đối với nuôi hàu tại đầm Thị Nại. Ngoài ra, theo số liệu khảo sát con

giống hàu xuất hiện tại đầm và theo thông tin của các cán bộ quản lý địa phương thì nghề nuôi hàu tại đầm Thị Nại còn đối mặt với hiện trạng thiếu con giống.

Trong những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi hệ sinh thái của đầm Thị Nại. Năm 2004, Sở Thủy sản tỉnh đã triển khai dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại”. Mục tiêu trước mắt của dự án là thiết lập khu phục hồi sinh thái, bảo tồn nguồn lợi ở khu vực Cồn Chim và bảo đảm việc khai thác hợp lý để duy trì nguồn lợi thủy sản (NLTS) trong đầm cho sử dụng lâu bền. Mục tiêu dài hạn là phục hồi đa dạng sinh học, tái tạo NLTS, xử lý ô nhiễm và tái tạo cảnh quan môi trường cho toàn khu vực đầm Thị Nại.

Năm 2005-2006, Ban Quản lý khu sinh thái Cồn Chim – đầm Thị Nại cũng đã hỗ trợ con giống cho 9 hộ dân ở khu vực quanh đầm nuôi khảo nghiệm 0,7 ha hàu thương phẩm với hình thức nuôi đáy tại khu vực nuôi động vật thân mềm. Trong quá trình khảo nghiệm cho thấy, môi trường nước ở khu vực này phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của hàu. Tuy nhiên sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ thì mô hình không được duy trì và nhân rộng do một số nguyên nhân:

+ Không chủ động nguồn con giống mà phải thu mua nguồn giống tự nhiên từ đầm Thị Nại và Đề Gi.

+ Không chủ động thời vụ nuôi (Con giống tự nhiên tập trung nhiều trong tháng 3-4 hàng năm).

+ Tỷ lệ sống thấp, sản lượng thấp. + Hiệu quả kinh tế không cao.

Đầm Đề Gi nằm ở phía Đông 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ có nguồn lợi thủy sản khá phong phú, là nguồn sống của hàng nghìn hộ dân ven đầm từ trước tới nay. Song do quá trình khai thác qua mức nên nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt. Để giàu nhanh, nhiều ngư dân đã sử dụng ghe máy trang bị gọng xiếc, bộ kích điện để hoạt động khai thác thủy sản trái phép ở vùng nước sâu; còn vùng nước cạn và bãi bồi thì dùng xung điện hai người kéo. Hai loại phương tiện này liên tục cày ủi theo con nước triều, “tận thu” tất cả các loài thủy sản lớn nhỏ, tàn phá môi sinh, môi trường trong đầm. Ngoài ra, việc bắt cá chua con, cá mú giống, cua giống... diễn ra thường xuyên một cách tự phát cũng là nguy cơ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản đầm Đề Gi. Ngoài việc khai thác qua mức các loài thủy sản trong đầm, nghề đào trùng biển xuất hiện vài năm nay, với giá trùng biển phơi khô lên đến 120.000đồng/kg cũng đã thu hút nhiều người đổ xô đào bắt; hậu quả là rừng ngập mặn ven bờ bị phá xơ xác, tan hoang...

Chính vì khai thác theo kiểu tận diệt khiến cho nguồn lợi thủy sản suy giảm trầm trọng, hàng trăm hộ ngư dân sống bằng các nghề đánh bắt truyền thống lâm vào cảnh khó khăn.

Để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn đánh bắt dùng phương tiện hủy diệt nhằm bảo vệ và tái tạo NLTS trong đầm, chính quyền, các ngành chức năng và các hội đoàn thể ở các xã quanh đầm đã vận động, tuyên truyền để người dân địa phương tích cực tham gia phong trào bảo vệ NLTS, triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản…

Cách đây 5 năm, mô hình nuôi nghêu, sò ven đầm Đề Gi đã được thực hiện với 6 ha, được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống. Mô hình này đã cho kết quả khả quan, nhưng đáng tiếc là không nhân rộng được. Theo ông Lê Đình Phong, ở xã Cát Khánh, người thực hiện mô hình, do giống sò huyết ngày càng cạn kiệt nên không đủ nguồn giống thả nuôi. Hơn nữa, khi nuôi thì xung điện xiếc máy cày xới liên tục làm ảnh hưởng đến môi trường và đối tượng nuôi. Thực tế trên cho thấy, để nghề nuôi hàu tại tỉnh Bình Định phát triển ổn định và bền vững thì việc sản xuất giống nhân tạo đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết hiện nay. Qua nhiều đối tượng hàu nuôi đã thử nghiệm thì loài Hàu thái bình dương Crassostrea gigas là đối tượng rất được quan tâm hiện nay tại tỉnh Bình Định bởi những nguyên nhân như: Hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh, cho sản phẩm thương phẩm kích cỡ lớn, nhu cầu thị trường cần rất nhiều…

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm sinh sản và sản xuất giống nhân tạo hàu thái bình dương crassostrea gigas (thunberg, 1793) tại bình định (Trang 27 - 30)