Bột lá Trà hoa vàng có màu xanh rêu, có mùi thơm đặc trưng. Hoạt chất CA3 trong cắn dịch chiết lá Trà hoa vàng có hoạt tính gây độc cho một số dòng tế bào ung thư như ung thư gan, ung thư vú và ung thư trực tràng. Kết quả IC50 trên các dòng thế bào này cho tương ứng 29,95; 25,23; 36,81 µg/ml, nhưng hiệu quả đối với các dòng tế bào ung thư da và ung thư phổi là không cao với giá trị IC50 tương ứng là 64,46 và 53,13 µg/ml. Khả năng đánh bắt gốc tự do DPPH của cắn dịch chiết Trà hoa vàng đạt tỉ lệ thấp 9,31% ở nồng độ mẫu 10 µg/ml với giá trị SC50 là 43,43. Kết quả này thấp hơn hoa Camellia sinensis do Zi-Ying Yang đánh giá dựa trên cùng phương pháp, giá trị SC50 là 11,6-19,7; khả năng dọn gốc tự do DPPH đạt 40% (Vie-Camellia 15) (Hoa et al., 2016). Tuy nhiên, nghiên cứu của Hoa và cộng sự chỉ đánh gia dịch chiết lá, trong khi hoa là bộ phận quan trọng và có giá trị cao hơn.
Nghiên cứu của Mai Tuyên và cộng sự cho thấy tác dụng chống oxy hóa vượt trội của polyphenol có trong lá trà xanh Việt Nam so với vitamin C và vitamin E (Vie_BC 4). Bột chiết polyphenol và EGCG trà xanh có tác dung ức chế sự phát triển của dòng tế bào ung thư phổi LU-1 và dòng tế bào ung thư gan Hep-G2, thí nghiệm tiến hành trên tế bào ung thư nuôi cấy in vitro. Bước đầu nghiên cứu phát hiện được sự tăng hoạt độ của enzyme caspase-3 trên dòng tế bào LU-1 khi được bổ sung EGCG và môi trường (Vie-BC 1).