Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

Một phần của tài liệu Tính thống nhất và đa dạng của văn minh Đông Nam Á (Trang 28 - 32)

a. Nghệ thuật kiến trúc

Trong kho tàng văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng cực kỳ to lớn và sâu sắc, đặc biệt là đối với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Đông Nam Á. Đúng như Ngô Văn Doanh từng nói: có một công trình nào mà lại không làm theo thánh thức Ấn Độ, có công trình nào mà lại không dùng để thờ một vị thần Ấn Độ nào đó. Hàng loạt những công trình kiến trúc với những trang trí hoa văn mang đậm phong cách Ấn Độ đã ra đời ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, như trên đã nói, nghệ thuật kiến trúc Đông Nam Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Ấn Độ (kiến trúc Ấn Độ giáo và Phật giáo), song không phải là một sự “rập khuôn”. Trên nền chung của kiến trúc Ấn Độ, mỗi dân tộc, mỗi vùng, thậm chí là mỗi di tích kiến trúc lại có những nét riêng, độc đáo của mình. Khi nói đến những di tích kiến trúc nổi tiếng ở Đông Nam Á giai đoạn trước thế kỷ X, không thể không nói tới khu di tích Mỹ Sơn của người Chăm ở Quảng Nam và tổng thể kiến trúc Bôrôbuđua, Lôrô Giông Grang ở Inđônêxia.

Nghệ thuật kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Khu thánh địa có một tháp chính và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, khối chân vuông ở giữa, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hinđu. Cổng tháp thường quay về phía đông để tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình những vị thần được trang trí với nhiều loại hoa văn. Bên ngoài tháp chính, ở phía trước,

cùng một hướng, thường có một gian nhà dài dựng bằng những bức tường mỏng hoặc bằng những cột đỡ.

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, di tích kiến trúc cổ, độc đáo và nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á là quần thể Ăngco mà dân tộc Khơ Me đã đạt được trong thời kỳ lịch sử huy hoàng ở Cămpuchia. Nghệ thuật kiến trúc Khơ Me thời kỳ Ăngco mang một sắc thái vô cùng độc đáo, có một không hai ở Đông Nam Á. Theo nhà nghiên cứu Đông Nam Á, Ngô Văn Doanh: “Tuy chịu ảnh hưởng Ấn Độ, nhưng các kiến trúc Khơ Me thời kỳ này không những không giống với bất kỳ kiến trúc nào của Ấn Độ và của các dân tộc khác cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, mà còn đạt được những thành tựu kỳ diệu mà các nền kiến trúc kia không hề có”. Trong quần thể Ăngco, các công trình còn lại đến ngày nay là khu Ăngco Vát và Ăngco Thom - trung tâm là đền Bayon là đặc sắc, tiêu biểu cho kiến trúc của Campuchia ở Đông Nam Á. Ăngco Vát được xây dựng vào đầu thế kỷ XII, cả khu đền rất rộng, vượt qua hồ phía tây là đến một con đường rộng với hai dãy lan can rắn thần Naga bằng đá dẫn đến cổng chính. Qua cổng chính là con đường lát đá thứ hai dẫn thẳng tới đền, và Ăngco Vát là đền núi duy nhất ở Cămpuchia có lối vào chính ở hướng tây, hướng mặt trời lặn. Khu đền chính là một hình tháp ba bậc, mỗi bậc lại được bao bọc bằng một hình lang kín, có các tháp nhô lên ở góc và chính giữa. Tháp trung tâm ở trên đỉnh nối liền với các cổng bằng những đường hiên tương tự các hồi lang kín.

Mỗi dân tộc đều có những trang sử vẻ vang, huy hoàng của dân tộc mình, đối với dân tộc Khơ Me, thời kỳ Ăngco là thời kỳ rực rỡ nhất. Trong quá trình tổng hợp của các thành tựu của các dân tộc ở Đông Nam Á đã đạt được, phát huy được những truyền thống độc đáo vốn có của dân tộc mình, dần dần, hình thành nên một kiểu kiến trúc độc đáo có một không hai - phong cách Ăngco, đầy sức sáng tạo. Nền nghệ thuật kiến trúc độc đáo thời kỳ Ăngco của người Khơ Me, không những

là niềm tự hào của dân tộc Campuchia mà còn là một thành tựu quý báu, một đóng góp vĩ đại cho nền văn minh nhân loại.

Khác với các công trình kiến trúc trên, đến đất nước Thái Lan, cung điện lớn ở Băng Cốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng phức hợp công trình kiến trúc pha trộn của kiến trúc Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng vượt trội hơn vẫn là phong cách kiến trúc Thái. Ngoài ra, công trình này còn là sự hài hòa, pha trộn kiến trúc Á - Âu nhưng vẫn hài hòa, tạo nên một phong cách Băng Cốc và kiến trúc hiện đại.

Kiến trúc trung tâm của ngôi chùa Thạt Luổng, Lào là một công trình tháp Phật lớn nhất ở Lào và là một trong những công trình tháp Phật lớn ở Đông Nam Á. Trung tâm tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhã vươn lên cao như một mũi tên, đế vuông, được kết cấu là một đài sen nở tung những cánh vàng ra bốn phía. Trên bệ tháp, hình đồ thu nhỏ lại là hình đài sen, càng lên cao càng nhỏ và nở to ra ở phía trên thành gờ nổi lớn, đỡ lấy một khối bốn mặt làm bệ đỡ cho hình quả bầu thon thả phía trên, trên miệng quả bầu đỡ một hình tháp nhỏ có đỉnh cao nhọn, khối tháp trung tâm của chùa Thạt Luổng, được tô màu vàng rực rỡ, trong khi đó, bên dưới là khối hình đồ vuông có bốn mặt cũng nhỏ dần, và được quét vôi trắng,… Cấu trúc của tháp Thạt Luổng khá độc đáo, vừa mang phong cách tháp Sanchi ở Ấn Độ, vừa có phong cách của tháp Xiêm thời Ayuthia cũng như một vài yếu tố phảng phất phong cách tháp Mianma.

Trong các công trình kiến trúc kể trên ở Đông Nam Á thì thường thấy là những công trình mang tính tôn giáo, hoặc là ảnh hưởng của Ấn Độ giáo hoặc là ảnh hưởng của Phật giáo trong văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc kỳ vĩ và tráng lệ này đều phản ánh đậm nét tính pha trộn với ý thức bản địa hoặc các nền văn hóa khác, làm cho các công trình này hoàn toàn không giống nhau, mỗi công trình đều mang một nghệ thuật đặc sắc riêng biệt, tạo nên một thế giới đa sắc, muôn màu trong kho tàng văn hóa đồ sộ Đông Nam Á.

Cũng như các yếu tố văn hóa khác, trước khi ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc của Ấn Độ và Trung Quốc, ở Đông Nam Á có một nền nghệ thuật điêu khắc bản địa đặc sắc. Những hình khắc chạm đơn sơ trên đá, được tìm thấy khắp nơi ở Đông Nam Á hải đảo cũng như lục địa. Tiếp sau là sự xuất hiện những tượng người và tượng động vật bằng đá: pho tượng người cổ nhất ở Việt Nam là tượng người Văn Điển; ở Inđônêxia, vào hậu kỳ đá mới, cư dân vùng Pasemak đã tạc một bức tượng người cưỡi trâu khá lớn. Sang thời kỳ kim khí, người ta tìm thấy những tác phẩm chạm khắc tinh tế trên những dụng cụ bằng đồng (rìu, dao găm, trống đồng) được phát hiện ở Cămpuchia, Lào, Thái Lan, Mianma, Inđônêxia, Malaixia, Việt Nam.

Những công trình điêu khắc khác còn phải kể đến thời kỳ này là Bôrôbuđua ở Giava (Inđônêxia), Ăngco Vát và Ăngco Thom (Cămpuchia), Sukhôthay (Thái Lan), Thạt Luổng (Lào), Pagan (Mianma)… và nhiều đền đài, chùa chiền khác.

Dù có tiếp thu những thành tựu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Ấn Độ, Trung Quốc và của cả phương Tây, nhưng dân tộc Đông Nam Á vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống và tạo ra được một bản sắc riêng, một phong cách tinh túy đặc biệt của mình. Nhìn chung, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở Đông Nam Á những năm sau CN đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các nền kiến trúc và điêu khắc bên ngoài, đặc biệt là Ấn Độ, với hai tôn giáo: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tựu chung lại, ở Chăm Pa và Cămpuchia là hai nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo, còn những nơi khác, dấu tích của Ấn Độ giáo hết sức mờ nhạt. Nhưng ngược lại, ở Thái Lan, Miến Điện, Inđônêxia, Lào… chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Điều này, cho thấy, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Đông Nam Á vừa tiếp thu một cách có chọn lọc nền văn hóa bên ngoài, vừa kế thừa nền văn hóa bản địa, tạo cho những công trình nghệ thuật ở Đông Nam Á vừa có tính riêng, vừa có tính chung của toàn khu vực cũng như trên mỗi nước.

Đông Nam Á đã sáng tạo ra một nền văn hóa bản địa với những sản phẩm độc đáo. Với khu vực trồng lúa nước là chính, nên thức ăn chủ yếu là cơm, các loại rau quanh nhà, cá hoặc thịt. Người ta thường nói đến “một thế giới nhà sàn” với quy mô khác nhau là một biểu tượng văn hóa, thích ứng với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ở các địa hình khác nhau của các dân tộc nơi đây. Ngoài ra, còn có các loại nhà hình thuyền, nhà đất và nhà hiện đại. Về cách ăn mặc của cư dân Đông Nam Á, đàn ông thường đóng khố, đàn bà mặc váy quấn cởi trần; về sau đàn bà mặc yếm, áo chui đầu. Và chiếc khố, váy được thay bằng chiếc quần, trong đó váy được cách điệu theo phong cách hiện đại cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, cư dân Đông Nam Á dựa trên nền tảng văn hóa bản địa với việc tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa bên ngoài đã tạo nên những những công trình kỳ vĩ, độc đáo, tự hào với nền văn minh thế giới, như khu đền Ăngco, tháp của người Chăm, chùa Bôrôbuđua, khu đền chùa Pagan…

CHƯƠNG 3. TÍNH THỐNG NHẤT VÀ ĐA DẠNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN MINH TINH THẦN CỦA CƯ DÂN ĐÔNG NAM Á

Một phần của tài liệu Tính thống nhất và đa dạng của văn minh Đông Nam Á (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(47 trang)
w