Nghệ thuật biểu diễn

Một phần của tài liệu Tính thống nhất và đa dạng của văn minh Đông Nam Á (Trang 43 - 47)

Một mặt là do vị trí địa lý - lịch sử mà các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có những nét chung về phương diện nghệ thuật vì có cùng cơ tầng văn hóa; mặt khác lại chứa đựng những đặc điểm riêng, gắn liền với các điều kiện xã hội, lịch sử đặc thù của mỗi nước. Chính vì vậy, nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống ở các nước Đông Nam Á có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định, tạo nên tính “thống nhất và đa dạng”, một trong những yếu tố cấu thành nên văn hóa truyền thống Đông Nam Á.

Nhìn chung, các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu: rối bóng, rối nước; kịch múa; kịch hát là loại hình nghệ thuật truyền thống Đông Nam Á, được hình thành từ rất sớm và qua thời gian có sự thay đổi đáng kể để nhằm đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức. Đây là hình thức sân khấu tổng hợp, múa kết hợp với xướng đọc, ca hát và âm nhạc, tất cả cùng kết hợp với nhau, tạo nên bức tranh kỳ thú thu hút người xem, mục đích là để người xem giải trí, hướng thiện và làm nhiều điều nhân nghĩa cho xã hội. Rõ ràng, sân khấu truyền thống Đông Nam Á không có kịch múa đơn thuần như kiểu ballet, hoặc kịch hát đơn thuần kiểu opera, và cũng không có kịch nói trước khi tiếp xúc với phương Tây. Vì vậy, ngôn ngữ sân khấu kịch truyền thống Đông Nam Á là một thứ ngôn ngữ kết hợp cả múa - hát - nói, và tất nhiên, bao giờ cũng có âm nhạc làm nền.

Bên cạnh những nét giống nhau về nguồn gốc, tính chất và nội dung phản ánh, nghệ thuật biểu diễn Đông Nam Á còn có nhiều điểm tương đồng trong phương pháp nghệ thuật, đó là diễn xướng tổng thể, tính cách điệu, ước lệ,…

Đồng thời với những nét tương đồng, gần gũi, nghệ thuật truyền thống của các nước trong khu vực vẫn có những sắc thái riêng, đặc sắc của mỗi nước. Thí dụ, nghệ thuật sân khấu Inđônêxia gắn liền với điều kiện địa lý của hàng ngàn hòn đảo, nên nghệ thuật ở đây đa dạng, nhiều sắc thái, còn sân khấu Malaixia, cùng tồn tại ba loại hình sân khấu vì đất nước này có ba dân tộc: Ấn, Hoa, Malaysia.

Về mặt văn hóa, trên thế giới, hầu như không có một dân tộc nào giữ cái “nguyên thủy” riêng của dân tộc mình, mà phải có sự giao lưu và ảnh hưởng qua lại với nhau, đó là một quy luật tự nhiên. Xét về mặt văn hóa tinh thần, do sớm chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, cho nên, ban đầu dựa vào chữ viết của hai quốc gia này mà mỗi dân tộc đều sáng tạo ra chữ viết riêng cho mình. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á dù hết sức đa dạng nhưng vẫn thuộc về một trong ba loại hình tín ngưỡng: sùng bái tự nhiên, phồn thực và thờ cúng tổ tiên. Một nét chung khác nữa trong tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á là thuyết vạn vật hữu linh, tục thờ thần, đặc biệt là những vị thần liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Nước, thần Mặt trời… Bên cạnh đó, các tôn giáo từ bên ngoài đưa đến đã được cư dân Đông Nam Á đón nhận và tạo một vị trí khá vững chắc trong các tôn giáo lớn trên thế giới: Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo. Lễ hội, lễ Tết ở Đông Nam Á với sự phong phú, đa dạng của các sắc màu dân tộc đều quy tụ về một thể thống nhất: lễ hội nông nghiệp. Đến với các phong tục tập quán ở các nước Đông Nam Á, người ta còn thấy, tục cưới hỏi được tổ chức linh đình; bên cạnh tục chôn người chết người ta còn biết đến hỏa thiêu; tục nhai trầu rồi đến các trò vui chơi giải trí như thả diều, chọi gà, bơi thuyền… Nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống Đông Nam Á, ban đầu, nội dung đều nghiêng về các hình thức tín ngưỡng - tôn giáo, càng về sau, nội dung của các loại hình sân khấu mang đậm tính nhân văn và tính tập thể. Ngày nay, các hình thức này chủ yếu là giải trí, xen lẫn với việc giáo dục nhân cách con người.

KẾT LUẬN

Qua toàn bộ quá trình đã trình bày trên đây, rõ ràng Đông Nam Á là một khu vực địa lý - văn hóa - lịch sử thống nhất trong một khu vực đa dân tộc, cho nên, Đông Nam Á đã trở thành một khu vực không chỉ thống nhất mà còn đa dạng, phong phú trên nhiều mặt, đặc biệt là về văn hóa truyền thống. Tính thống nhất được xây dựng trên cơ tầng văn hóa bản địa đặc sắc của một chỉnh thể văn hóa

Đông Nam Á thời tiền sử, tính đa dạng cũng thuộc về bản chất của nền văn hóa đặc sắc ấy khi nó không ngừng tiếp biến với các nền văn hóa khác để thâu nhận, cải biến và phát triển trong suốt hàng ngàn năm qua.

Sự “thống nhất và đa dạng” của văn hóa truyền thống Đông Nam Á thể hiện rất rõ qua các thành tố cấu thành nên nền văn hóa vật chất lẫn tinh thần, mà càng nhìn về quá khứ thì càng thấy rõ tính thống nhất đó. Ở mỗi quốc gia, tộc người khác nhau, những yếu tố văn hóa đó cũng sẽ mang những nét riêng rất khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa chung đó. Trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa, sức mạnh văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng từ việc phát triển đất nước cho đến quá trình liên kết khu vực và hội nhập quốc tế. Văn hóa, vì vậy, có khả năng liên kết rất mạnh mẽ nhất là đối với Đông Nam Á, một khu vực lịch sử văn hóa có chung một cội nguồn và những quan hệ tiếp xúc lâu đời.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Xuân Phổ - “Văn hóa biển Đông Nam Á”

2. Cao Xuân Phổ (chủ biên), Ngô Văn Doanh, Trần Thị Lý và Trần Văn Khê -

Nghệ thuật Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Viện Đông Nam Á.

3. Đặng Đức An (chủ biên), Lại Bích Ngọc và Lương Kim Thoa - Những mẫu chuyện lịch sử văn minh thế giới. Hà Nội: NXB Giáo dục.

4. Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay - NXB Khoa học Xã hội. 5. Đinh Trung Kiên - Tìm hiểu nền văn minh Đông Nam Á, NXB Giáo dục.

6. Đức Ninh (chủ biên), Đỗ Thu Hà, Trần Thúc Việt và Võ Đình Hường - Văn học khu vực Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Ngô Văn Doanh và Vũ Quang Thiện - Phong tục các dân tộc Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc.

8. Vũ Dương Ninh và Nguyễn Văn Kim (chủ biên) - Một số chuyên đề lịch sử thế giới - Tập II. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một phần của tài liệu Tính thống nhất và đa dạng của văn minh Đông Nam Á (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(47 trang)
w