a. Tín ngưỡng bản địa
Tín ngưỡng bản địa ở Đông Nam Á hình thành từ rất sớm, mặc dù trong mỗi cộng đồng dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại của những tín ngưỡng khác nhau. Tuy nhiên, do cùng sinh ra và lớn lên trong khu vực có chung một cơ tầng văn hóa nông nghiệp lúa nước, cho nên, cư dân Đông Nam Á đều có chung một yếu tố tín ngưỡng bản địa như nhau, chẳng hạn, tín ngưỡng sùng bái tự nhiện, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên… Cái chung nhất của tất cả các tín ngưỡng này, theo như nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, là xuất phát từ học thuyết vạn vật hữu linh, nghĩa là mọi vật đều có linh hồn. Cuộc sống hàng ngày của cư dân Đông Nam Á nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng là phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên, do đó, sùng bái tự nhiên là điều tất yếu đối với tất cả cư dân ở khu vực này.
- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
Từ xa xưa, người Đông Nam Á đã có niềm tin vào sức mạnh của thế giới tự nhiên, do vậy, đối tượng sùng bái của con người là những sự vật, hiện tượng tự nhiên gắn với cuộc sống lao động sản xuất. Không phải đến bây giờ, con người mới phát hiện ra tầm quan trọng của năng lượng mặt trời đối với cuộc sống nhân loại, mà ngay từ thời xa xưa, cư dân Đông Nam Á đã cảm nhận được điều đó, vì vậy, ở tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều có tục thờ thần Mặt trời. Dấu tích của việc thờ
thần Mặt trời là thể hiện trên rất nhiều đồ vật: đồ trang sức, đồ thờ cúng, đặc biệt là khắc hình mặt trời lên các trống đồng, thạp đồng cũng như trên các công trình điêu khắc cổ xưa ở Đông Nam Á.
Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, cư dân Đông Nam Á đặc biệt quan tâm đến cây lúa vì đây là tất cả cuộc sống của họ, chính vì thế, họ có một niềm tin mãnh liệt vào thần Lúa - coi thần Lúa là vị thần thiêng liêng nhất. Họ còn quan điểm rằng, đây là vị thần mang lại no ấm, đầy đủ và rất gần gũi với con người, được thể hiện trong những truyền thuyết dân gian về cây lúa, hay việc thờ cúng thần Lúa trong các nghi lễ. Người ta luôn luôn cầu khấn để hồn lúa ở lại với cây lúa, ở lại với xóm làng của họ để cho mùa màng được bội thu, tươi tốt. Các lễ rước thần Lúa, cúng cơm mới, lễ hội xuống đồng mừng trồng lúa (sẽ đề cập trong phần lễ hội) được các thế hệ cư dân Đông Nam Á tổ chức rất long trọng, có thể nói, không có một quốc gia nào ở Đông Nam Á không có tục thờ thần Lúa. Với người Malaixia, cây lúa được đối xử tử tế vì nó nuôi sống con người, hồn lúa được gọi một cách âu yếm là “chú bé chín tháng” hoặc “công chúa pha lê”, “công chúa mặt trời”. Còn ở Giava (Inđônêxia) thì cây lúa được coi là hiện thân của nữ thần Devi Sri, nên có nhiều điều cấm kỵ đối với đàn ông khi tiếp xúc cây lúa, không được gần nữ thần Lúa, ngoại trừ làm công việc cày bừa, chuẩn bị đất. Ở Thái Lan, thần Lúa được rước vào các nhà kho và giữ “ngài” ở đó đến tận mùa sau. Ở Việt Nam, khi nói về tín ngưỡng hồn lúa của người Ê Đê thì họ quan điểm: cột trụ của cuộc sống ở Đắc Lắc là một thứ lúa tuyệt vời… Lúa là thức ăn chủ yếu. Lúa do thần linh ban cho, lúa là thần linh.
Ngoài ra, còn có một số quốc gia như Inđônêxia, Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Mianma còn có tục thờ một số con vật gắn liền với cuộc sống của cư dân Đông Nam Á. Ở các đền, chùa Việt Nam, Cămpuchia, Lào, Mianma, người ta còn thờ cả hạc, rùa, rắn, voi… những con vật này có sức mạnh hay được tôn xưng là biểu tượng của sự tinh khôn, cần cù. Trong đó, có thể nói, con rồng là con vật tiêu biểu,
đã trở thành biểu tượng đặc sắc của vùng văn hóa Đông Nam Á. Những con vật thiêng này thường được chạm khắc trên đá, trên đồ đồng, trên gỗ và được thờ cúng trong các đền, miếu ở rất nhiều nơi.
Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, coi những sự vật hiện tượng trong thiên nhiên có sức mạnh linh thiêng ở cư dân Đông Nam Á, gắn liền với khát vọng biến sức mạnh của tự nhiên thành những điều tốt đẹp, may mắn, hạnh phúc… Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ở Đông Nam Á còn góp phần tạo nên lòng khoan dung, ôn hòa, chia sẻ và gắn kết cộng đồng dân tộc, và sẵn sàng tiếp thu các giá trị văn hóa, văn minh từ bên ngoài, bản địa hóa hoặc để tạo nên các giá trị văn minh đa thanh, đa diện rất riêng ở Đông Nam Á.
- Tín ngưỡng phồn thực
Trong đời sống xã hội, xuất phát từ cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, cho nên tín ngưỡng phồn thực là khát vọng, ước mơ về sự sinh sôi nảy nở của con người, về thế giới động, thực vật thêm phong phú, sung túc. Chính những yêu cầu khách quan trên, là tiền đề quan trọng để tín ngưỡng phồn thực ra đời và phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Tín ngưỡng phồn thực vốn rất đa dạng, thể hiện trong nhiều hình thức và có thể thấy ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, từ Mianma, Thái Lan, Việt Nam cho tới Inđônêxia, Philippin… Ngay trong một quốc gia, tín ngưỡng này cũng biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Thật ra, tục cầu mưa, lễ cầu mẹ nước, tục té nước, tục lấy nước thờ… của người Thái, người Lào và của một số dân tộc Cămpuchia, Việt Nam, Mianma, Philippin… cũng là tín ngưỡng phồn thực, vì mục đích là cầu xin nước cho mùa màng, cây cối phát triển tươi tốt.
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (sùng bái người đã mất)
Bắt nguồn từ thuyết vạn vật hữu linh, mọi vật sinh ra đều có linh hồn, cho nên, cư dân Đông Nam Á quan niệm rằng khi con người đã chết đi vẫn còn có linh hồn (hồn ma) ở lại dưới mặt đất. Linh hồn người đã mất có thể trở về nhà, ở cùng
với con cháu và theo dõi cuộc sống của con cháu và phù hộ độ trì cho con cháu. Chính vì quan niệm như thế, họ coi việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng quan trọng trong đời sống cư dân Đông Nam Á và là thuần phong mỹ tục được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng biết ơn, kính trọng của các thế hệ sau đối với thế hệ đi trước.
Tùy vào quan niệm của từng dân tộc, số lượng linh hồn của một con người là khác nhau: theo người Thái quan niệm, mỗi người có 120 hồn và sau khi con người qua đời, các hồn đó đều biến thành ma hay còn gọi là Khuẩn; người Mường nghĩ rằng họ có 90 hồn, còn ở người Khơ Me thì chỉ có 9 hồn chính. Người Thái ở bắc Lào quan niệm có 32 hoặc 34 hồn. Người Việt cho rằng mỗi con người có 3 hồn và đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía,…
Theo người dân Đông Nam Á thì hồn có quan hệ mật thiết với cuộc đời của mỗi người, khi con người chết đi thì lúc đó hồn đã lìa khỏi xác, nhưng chết thì không có nghĩa là hết mà là người chết sẽ về với tổ tiên, ông bà nơi chín suối. Họ quan niệm rằng, cuộc sống không chấm hết sau khi chết - đó chỉ là sự chia tay tạm thời của người chết với người đang sống. Quan điểm này là cơ sở cho sự ra đời tín ngưỡng thờ cúng người đã mất, mà trước hết là tổ tiên của gia đình và dòng họ, việc làm này vừa có ý nghĩa nhớ và biết ơn nguồn cội, vừa cầu mong cho linh hồn người đã khuất sớm được siêu thoát. Chính vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa đặc trưng trong tín ngưỡng nhiều dân tộc Đông Nam Á. Trong các gia đình ở Đông Nam Á, bàn thờ tổ tiên thường được đặt ở gian nhà giữa, nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất. Những ngày cúng, ngày giỗ được coi là ngày rất thiêng liêng, sum họp gia đình và gia tộc để tưởng nhớ đến người đã chết.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn được ăn sâu trong tiềm thức của người dân Đông Nam Á, cho dù sau đó, các tôn giáo ngoại lai có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của đông đảo cư dân nơi đây như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và
cả Thiên Chúa giáo đi nữa thì nhiều dân tộc vẫn duy trì việc thờ cúng tổ tiên, ông bà.
Ngoài ra, người dân Đông Nam Á còn có tục thờ các Thần, các vị anh hùng dân tộc đã được thần thánh hóa theo trí tưởng tượng của thần thoại, cổ tích; hay những con người thật bình thường khi sinh ra lại khoác lên mình sự linh thiêng. Trong tín ngưỡng thờ Thần của các dân tộc Đông Nam Á, phổ biến nhất là thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, thường được tôn xưng là thần thánh và được lập đền thờ. Tục này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Mianma, Inđônêxia, Cămpuchia, Lào, Philippin…
b. Tôn giáo
Những tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo đều có mặt ở khắp các nơi trên khu vực Đông Nam Á, và thường hòa lẫn vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Dù cho bất cứ tôn giáo nào đi nữa khi đã thâm nhập vào Đông Nam Á thì cũng không còn giữ nguyên vẹn hình thức về mặt thần học mà lại bị ảnh hưởng của truyền thống bản địa cũng như những tôn giáo khác, đây chính là đặc trưng trong đời sống tôn giáo ở Đông Nam Á. Bức tranh tôn giáo ở Đông Nam Á cực kỳ đa dạng, bởi vì trong quá trình phát triển lịch sử, nơi đây đã hội tụ đủ các hệ ý thức tư tưởng cả phương Đông lẫn phương Tây.
Nhìn chung, các tôn giáo như Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo là những tôn giáo phát triển khá mạnh và có mặt ở khắp các nước Đông Nam Á. Trong đó, Hồi giáo phát triển mạnh ở các quốc gia hải đảo như Inđônêxia, Brunây, Malaixia, còn Phật giáo phát huy ảnh hưởng ở các quốc gia lục địa như Mianma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Việt Nam; còn Thiên Chúa giáo phát triển cực thịnh ở Philippin.
Tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều xuất phát từ nền nông nghiệp sơ khai lúa nước, cho nên, tín ngưỡng bản địa của họ cũng khá tương đồng nhau như sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, thờ cúng tổ tiên… Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia
khác nhau thì hình thức tín ngưỡng này cũng hoàn toàn khác nhau, thậm chí là khác nhau trong cùng một nước, vì vậy, tạo nên bức tranh tín ngưỡng bản địa với những sắc thái đa dạng. Các quốc gia Đông Nam Á lục địa như Mianma, Cămpuchia, Lào, Thái Lan chịu ảnh hưởng Phật giáo, còn Hồi giáo thì chủ yếu là các nước như Malaixia, Inđônêxia, Brunây, trong đó, Philippin là quốc gia duy nhất trong khu vực có tín đồ Kitô giáo chiếm đa số trong dân cư.