Quy trình đặt Catheter tĩnh mạch ngoại vi

Một phần của tài liệu (luận án tiến sĩ) thực trạng tuân thủ một số quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và hiệu quả can thiệp tại bệnh viện thanh nhàn năm 2018 2020 (Trang 26 - 28)

1.2.4.1. Tầm quan trọng của quy trình tiêm đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi

Nhiễm khuẩn huyết là một trong những NKBV phổ biến nhất. Đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi, cùng với đặt catheter trung tâm, là các thao tác có nguy cơ cao nhất gây NKH. Đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi là một thao tác thường gặp trong chăm sóc, chẩn đoán, theo dõi và điều trị. Đây là một kỹ thuật xâm nhập vào cơ thể người bệnh, do vậy trong quá trình thực hiện quy trình từ chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, kỹ thuật đặt, che phủ và chăm sóc sau đặt đều phải tuyệt đối vô khuẩn.

Khác với đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, phần lớn người bệnh khi nhập viện đều có ít nhất một lần đặt cathether tĩnh mạch ngoại vi để truyền dịch và thuốc qua đường tĩnh mạch hoặc lấy mẫu máu. Mặc dù việc đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi rất phổ biến trong chăm sóc và điều trị, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ biến chứng liên quan đến đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi là tương đối cao. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết do đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi tương đối thấp so với khi đặt catheter trung tâm (<0,01% đến 0,18% 67-69), số lượng catheter tĩnh mạch ngoại vi được sử dụng nhiều hơn rất nhiều lần so với catheter trung tâm, dẫn đến số lượng bệnh nhân bị NKH do đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi cao hơn đáng kể so với đặt catheter trung tâm. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu tình rạng tuân thủ quy trình đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi để giảm bớt sự khó chịu của bệnh nhân liên quan, sự chậm trễ trong các phương pháp điều trị y tế quan trọng và lãng phí nguồn lực chăm sóc sức khỏe.

1.2.4.2. Thực trạng tuân thủ quy trình đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi

Các nghiên cứu trước đây cho thấy ở các nước, việc tuân thủ quy trình đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi còn hạn chế.

Nghiên cứu của Daniella Hasselberg và cộng sự (2010) tại Thụy Điển quan sát 413 trường hợp cho thấy tỷ lệ tuân thủ chỉ đạt 30,2% 70.

Mohamad G Fakih và cộng sự (2013) đánh giá trước khi can thiệp, tỷ lệ tuân thủ tất cả các bước của việc đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi ở mức rất thấp (4,8%) và đã có sự cải thiện đáng kể sau can thiệp giáo dục và cung cấp phản hồi (tăng lên 31,7%) 71.

Một nghiên cứu mới đây nhất do Sarah Berger và cộng sự thực hiện (2021) tại New Zealand quan sát 212 trường hợp đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi. Kết quả cho thấy chỉ có 19% trường hợp được ghi vào bệnh án và có tới 44% bệnh nhân không rõ tại sao lại cần đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi 72.

Tại Việt Nam, nghiên cứu về việc tuân thủ quy trình đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi còn hạn chế. Trần Ngọc Thảo Vi và cộng sự (2019) tại bệnh viện quận Bình Thạnh khi nghiên cứu trên 345 mũi tiêm đặt catheter ngoại vi, tác giả cho thấy tỷ lệ đạt chưa cao khi chỉ có 69,9% đối với tuân thủ vệ sinh tay sau và 76,2% chỉ đạt về kỹ thuật sát trùng da đối với các điều dưỡng đã được tham gia tập huấn 73.

Như vậy có thể thấy việc tuân thủ các quy trình KSNK của NVYT trên thế giới và tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần thiết phải có các chương trình can thiệp nhằm nâng cao sự tuân thủ của các hoạt động KSNK cốt lõi bao gồm vệ sinh tay, thay băng vết thương, hay đặt catheter tĩnh mạch ngoại vi (bao gồm tiêm an toàn). Cải thiện tuân thủ các quy trình này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng do NKBV gây ra và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Một phần của tài liệu (luận án tiến sĩ) thực trạng tuân thủ một số quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và hiệu quả can thiệp tại bệnh viện thanh nhàn năm 2018 2020 (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)