8. Nội dung chi tiết
1.3.2. Vai trò vận động nguồn lực
Vận động nguồn lực là việc nhân viên xã hội trợ giúp đối tượng tìm kiếm nguồn lực (nội lực, ngoại lực) để giải quyết vấn đề. Nguồn lực có thể bao gồm con người, về cơ sở vật chất, về tài chính, kỹ thuật, thông tin, sự ủng hộ về chính sách, chính trị và quan điểm, v.v…
Xã hội hóa công tác giảm nghèo đã và đang là phương hướng thực hiện của các chính sách giảm nghèo. Để tăng cường ảnh hưởng sâu rộng cho việc giảm nghèo, cần có sự chung tay góp sức nhiều hơn của cộng đồng, xã hội và cả năng lực của chính người nghèo. Nhân viên xã hội cần có khả năng đánh giá các nhu cầu của người nghèo, trên cơ sở đó phát hiện và tìm kiếm các nguồn lực cần thiết, cung cấp, kết nối các nguồn lực đó tới người nghèo để họ bù đắp được những thiếu hụt của mình.
Các nguồn lực mà nhân viên xã hội hướng đến có thể là nguồn ngoại lực hoặc nội lực. Một số ví dụ cụ thể thường thấy về vai trò vận động các
nguồn ngoại lực mà nhân viên xã hội áp dụng cho thân chủ là người nghèo như:
Chính sách vay vốn: nhân viên xã hội tham gia vào việc thẩm định, đánh giá nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, các biện pháp sinh kế mới, hoặc thậm chí tham gia vào gây quỹ tài chính vi mô và giới thiệu lại với người nghèo, hỗ trợ họ thực hiện các thủ tục cần thiết để tiếp cận được với nguồn vốn vay.
Chính sách đào tạo nghề và giới thiệu việc làm: Tương tự, trong trường hợp chưa thể tìm kiếm được khóa đào tạo phù hợp cho thân chủ, nhân viên xã hội có thể trực tiếp liên hệ và mời những tập thể, cá nhân có khả năng truyền dạy, chia sẻ kiến thức, tập huấn đào tạo cho người nghèo về kĩ năng hay nghề nghiệp nào đó.
Chính sách về giáo dục, hỗ trợ giá điện: Chính sách giáo dục hỗ trợ con của gia đình nghèo có thể nhận miễn giảm học phí, hoặc vay vốn trong quá trình học nghề và khởi nghiệp sau khi được đào tạo. Vì vậy, việc vận động nguồn lực ở đây có thể hiểu là vận động tài chính như vận động người dân đóng góp, xây dựng quỹ học bổng hoặc tặng đồ dụng học tập cho các em tới trường. Điều này cũng đã có nhiều ví dụ trong các công trình dân sinh khác hỗ trợ người nghèo như xây cầu, lắp máy nước, hay xây trường, trạm y tế. Nguồn lực được huy động ở đây không chỉ dừng ởtài chính đóng góp, ở các vật phẩm mà còn được quy về ngày công lao động được đóng góp – một nguồn lực quý giá nhất và không thể thay thế bằng các nguồn lực khác.
Bên cạnh việc vận động những nguồn lực bên ngoài, nhân viên xã hội còn vận động nguồn lực nội tại. Nguồn lực nội tại có thể hiểu là những nguồn lực có sẵn ngay tại địa phương (VD: tài nguyên đất đai chưa được khai phá, một loại giống tốt có sẵn ở địa phương) hay từ chính bên trong của người
nghèo bằng việc tìm hiểu, phân tích những khả năng tiềm tàng của đối tượng, khơi gợi và khuyến khích họ bộc lộ, phát huy tối đa vốn tự có của bản thân, thuyết phục và vận động họ sử dụng chính những nguồn lực đó. Việc vận dụng được các nguồn lực nội tại luôn được đánh giá cao, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí, tăng thêm tính hiệu quả của việc tự trợ giúp. Việc thể hiện được năng lực bản thân cộng thêm sự trợ giúp từ cộng đồng, xã hội sẽ giúp người nghèo tự tin hơn, nỗ lực hơn trong cuộc sống, giúp họ có một cuộc sống no đủ hơn và vươn lên mức sống mới.