Thú vui chơi tao nhã

Một phần của tài liệu Trung tâm Thông tin – Thư viện Library and Information Center42710 (Trang 40 - 43)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.3.2. Thú vui chơi tao nhã

Khoảng những năm 1940- 1945, trên văn đàn Việt Nam truyện ngắn rất phát

triển, một loạt cây bút trẻ và tài năng xuất hiện và có xu hướng viết nghiêng về phong tục và chủ đề hoài cổ, một trong số đó là Nguyễn Tuân. Khác với Tô Hoài, Bùi Hiển, Tam Kính… thường viết về những phong tục trong quan hệ xã hội, Kim Lân hay viết về những thú chơi dân dã của người nhà quê miền Bắc, Nguyễn Tuân lại viết về những thú vui đài các, tài tử phong lưu của những ông nghè, ông cử thời phong kiến. Nếu Kim Lân viết về những thú chơi của những người nông dân tài hoa, những tâm hồn đam mê nghệ thuật, dồn hết tâm trí vào việc chăm sóc một chú gà chọi, một đôi bồ câu, sống hết mình với một vùng trời đất, núi sông, cây cỏ, thu lại trong một hòn non bộ và thực sự là những nghệ sĩ của đồng quê thì Nguyễn Tuân viết về những nho sĩ tài hoa, tài tử sống hết mình với những “sở thích cao quý” như chơi hoa, chơi chữ, chơi cờ, chơi thả thơ, đánh thơ, chơi đèn kéo quân…

Thực ra uống trà, thưởng hoa, chơi chữ, uống rượu, ngâm thơ… là những thú vui chơi tao nhã, đầy thanh khí của các nhà nho thuở trước. Trong tập Vũ trung tùy

bút, Phạm Đình Hổ cũng đã nói đến. Đó là một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống

của dân tộc gắn với tâm tư của người tài tử. Quan án Trần, chủ nhân của “Túy lan trang”, trong Vƣờn xuân lan tạ chủ, thường sai con gái yêu là cô chiêu Tần đi mua thứ rượu khê ở làng Vĩnh Trị, vùng cất rượu ngon có tiếng về “bón hoa”, rồi cậu ấm Hai “giữa buổi loạn ly mà chỉ biết có ngón đàn có hồn hoa”. Cụ Hồ Viễn, vốn là một viên tướng Cờ Đen oai phong lẫm liệt một thời, nay thất thế lui về hành nghề địa lí nhưng có lối sống sinh hoạt khá kỳ lạ. Hai móng tay út lá lan của cụ uốn vòm như râu rồng luôn luôn phải rửa bằng chanh, mỗi ngày hai bữa rượu và mỗi phiên chợ lại một bữa thuốc phiện trong Ngôi mả cũ. Cách cụ chơi cờ cũng khác người và cũng rất thú vị: không phải ngồi một chỗ đánh với quân và bàn cờ mà vừa nằm cáng đi đường vừa chơi cờ bằng miệng. “Khi mỗi người đi một nước thêm cho ván cờ tưởng, họ lại vén cái rèm cáng, nghển cổ ra ngoài nói chõ sang cái cáng đồng hành đi ngang hàng” [37, tr. 82]. Không chỉ giỏi chơi cờ bàn mà cụ còn biết chơi cờ đất. Cờ đất khó hơn cờ bàn, phải tinh lắm mới đánh nổi. Cụ Thượng Nam Ninh về trí sĩ ở Hà Nội, cùng người con thứ là ông Cử Hai say mê với việc làm đèn kéo quân cho

trẻ chơi trăng ngày rằm Trung thu trong Một cảnh thu muộn. Họ đã mất hơn mười hôm để hoàn tất cho một cái đèn xẻ rãnh lấy tên “Ngô vương cự gián nạp Tây Thi”.

Họ đã để cả tài năng, tâm huyết của mình vào một thú chơi vừa dân dã vừa cầu kì đang dần mai một. Viết về thú chơi tao nhã, cầu kì, Nguyễn Tuân như đang làm người đọc được sống lại với một phong tục đẹp của người Tràng An. Còn cụ Kép làng Mọc trong truyện Hƣơng cuội lại có sở nguyện “đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý. Gọi là kiếm một công việc nhàn nhã cho quãng chót một kiếp dư sinh”. Mỗi khi ra thăm vườn lan quý, cụ không quên mặc chiếc áo lông cừu xứ Bắc. Đó không phải là cách phô phang cuộc sống phong lưu mà là một thói quen, thể hiện thái độ trân trọng của cụ với lũ hoa cỏ.

“Thế rồi trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ xây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ, và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc, râu bạc, mặc áo lông trắng, lom khom tỉa những lá vàng trong đám lá xanh”. Hình ảnh cụ Kép hòa lẫn trong đám cỏ cây làm nên cái hài hòa của cảnh sắc thiên nhiên và con người. Phạm Đình Hổ cho rằng: “người xưa cũng thường cho thần du vật ngoại, trong cách chơi mà vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân” [17, tr. 30]. Vậy nên, người xưa mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác vào đó hoài bão cao cả của mình. Do đó, được vui với thiên nhiên, cây cỏ, cụ Kép như được trải lòng mình với gấm vóc non sông. Điều đó cũng giúp con người xa lánh với những bon chen danh lợi, trở về với tính bản thiện của mình.

Cặp đôi tài tử- giai nhân Phó Sứ và Mộng Liên trong truyện Đánh thơ lại có

sở thích đàn hát, thơ ca. Họ làm nghề đánh thơ, mang túi thơ của mình đi khắp thế gian. Niềm vui của họ không phải là sự được hơn trong canh bạc mà được cùng nhau đi khắp thế gian với hành trang là nghệ thuật. Nhân vật quản ngục trong truyện

Chữ ngƣời tử tù lại có sở thích chơi chữ. Ước nguyện của ông là xin được chữ ông

Huấn Cao. Vì sở thích cao quý này mà quản ngục bỏ qua sự an nguy tính mạng của bản thân để biệt đãi một tử tù. Huấn Cao là một nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp. Nhưng chính quản ngục mới là người làm cho cái đẹp ấy trở nên vô giá bởi nó khiến con người bước qua bóng tối để vươn tới ánh sáng của thiên lương.

Viết về những thú vui tao nhã của người xưa, Nguyễn Tuân thể hiện tình cảm đặc biệt của mình với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông đã tìm hiểu nghiêm túc và yêu mến thật sự những giá trị văn hóa đó. Ông say đắm, hòa nhập cả linh hồn mình vào từng thú vui tao nhã, điệu hát, câu thơ để rồi qua trang văn mà lan tỏa tình yêu mến đó đến người đọc. Đó là biệt tài của Nguyễn Tuân và cũng là tấm lòng của ông với đất nước.

Một phần của tài liệu Trung tâm Thông tin – Thư viện Library and Information Center42710 (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)