6. Cấu trúc luận văn
2.1.3.4. Nét tài hoa nghề nghiệp
Nguyễn Tuân là nhà văn có một phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo. Với quan điểm nghệ thuật thiên về cái đẹp, ông luôn tiếp cận thiên nhiên và con người chủ yếu ở phương diện văn hóa nghệ thuật, góc độ tài hoa nghệ sĩ. Nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Tuân thường là những con người tài hoa, thực sự là nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Trong thế giới nhân vật ở đề tài quá khứ, ta bắt gặp không ít những nghệ sĩ như thế. Những người thợ mộc làng Tràng Thôn trong truyện Trên đỉnh non Tản của tập Vang bóng một thời với cái tràng, cái đục của mình đã trở nên nức tiếng khắp vùng. Tài hoa trong nghề mộc của họ “không những được người trần biết đến mà thỉnh thoảng cứ vài năm năm một, lại có người tiên trên núi hạ sơn cầu đến, sau những vụ lụt tháng tám rất to, đánh đắm hết những làng ở rải rác dưới chân núi Tản Viên”. Bởi sự tài hoa, điêu luyện trong nghề mà hai lần đích thân Thần Non Tản đến tận nhà mời hiệp thợ của cụ phó Sần lên đỉnh non Tản để sửa chữa lại đền Thượng do những lần vua Thủy dâng nước lên chọc phá để trả mối hận tình. Khi hiệp thợ mộc theo Thần Non Tản vào đền, họ đã nhanh chóng phát hiện ra mấy hàng cột con, cột hàng ba, cột quyết không đủ sức chống cái mái đền lợp ngói vai bò tráng men ngũ sắc; còn ở đất nền mất nhiều chân cột mẹ được làm từ gỗ chò vẩy và thiếu nhiều miếng đá hoa lát nền. Họ tâu với Chúa Ngàn Cao Cả cách thức sửa đền mỗi khi không đủ gỗ cột mẹ: “bắt mấy cái quá giang rồi xoay ra kiểu thượng thực hạ hư”. Cách sửa này vừa đảm bảo nét thẩm mỹ vừa tiết kiệm nguyên liệu quý cho gia chủ. Qua việc đề xuất cách sửa đền, ta có thể thấy sự tinh thông nghề nghiệp và kĩ thuật cao siêu của những người thợ mộc tài hoa làng Tràng Thôn. Qua bàn tay của họ, đền Thượng đã được tái sinh như mới: “Những đầu kèo vai và câu đầu, đều chạm tứ quý tứ linh. Bức trần gỗ thì chạm bát bửu cổ
đồ. Nét chạm tỉ mỉ công phu gấp mấy lần công thợ điêu khắc ở các đền đài ở dưới núi. Họ chia nhau ra mà chạm, người thì tỉa hình thư kiếm, quạt và phất trần, kẻ thì gọt dáng tù và với túi roi hoặc là túi thơ cùng bầu rượu, cái nọ ghép vào với cái kia thành một bộ đôi bằng những sợi cẩm đới nét dẻo như tung bay được” [37, tr. 205]. Miêu tả sự tài hoa nghề nghiệp của những người thợ mộc, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm trân trọng của mình với người lao động cần lao. Bằng tài hoa và sự khéo léo của đôi bàn tay, họ đã góp phần tô điểm cho cõi trần và cõi tiên thêm đẹp đẽ. Hơn thế, bằng cách phủ cho câu chuyện một màu sắc huyền ảo, thần tiên, Nguyễn Tuân thể hiện sự công nhận và đánh giá cao tài năng nghề nghiệp sánh ngang thần thánh của người thợ nước Việt.
Gần như đối lập với việc ca ngợi tài hoa của người thợ mộc trong truyện
Trên đỉnh non Tản, ở truyện ngắn có cái tên rờn rợn Chém treo ngành (sau đổi là Bữa rƣợu máu), Nguyễn Tuân đã viết về tài chém treo ngành của một kẻ làm nghề
đao phủ tên là Bát Lê. Cái nghề của Bát Lê khiến ai cũng phải kinh sợ nhưng quả thật tài chém đầu tử tù của hắn độc đáo, có nguy cơ thất truyền. Nguyễn Tuân miêu tả trước khi vào cuộc chém mười hai tử tù- những nghĩa quân Bãi Sậy, Bát Lê đã luyện lại tay đao trong vườn chuối để khi vào cuộc sẽ trình diễn thật hoàn hảo trước mặt tên quan Công sứ người Tây và làm hài lòng quan Đổng lý Quân vụ. Nguyễn Tuân đã miêu tả rất chi tiết lối chém treo ngành của Bát Lê: “Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù và múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quỳ kia chẻ gục đến đấy (…). Trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống”, nó vẫn còn dính với thân người bởi làn da cổ và trên quần áo trắng của Bát Lê không có một giọt máu phun tới. Vào những lúc nhộn nhạo quá đông tử tù, việc chém đầu người sẽ được tiến hành theo một cách còn “tài tình” hơn và tất nhiên cũng rùng rợn hơn. Người ta sẽ “Chẻ đôi cây tre đực dài ra, cặp vào cổ từ tù xếp hàng và nối đuôi quỳ hướng về một chiều. Đại để cũng giống như là cái lối cắp gắp chả chim mà nướng ấy”. Rồi đao phủ sẽ cầm gươm mà róc ngang như người ta “róc mắt mía”. Đọc những trang văn này, người đọc không khỏi cảm thấy rùng rợn trước lối viết quá lạnh của Nguyễn Tuân. Nhiều người đã phê phán Nguyễn Tuân là thiếu cái tâm.
Tuy nhiên, xét theo quan niệm thẩm mỹ của nhà văn, ta vẫn thấy ông nhất quán trong cách tiếp cận con người ở phương diện tài hoa. Bát Lê làm cái nghề đáng bị lên án, nhưng cái tài của y trong công việc cho thấy y chính là nghệ sĩ trong nghề đao phủ của mình.
Có thể thấy, Nguyễn Tuân là nhà văn tuy có phần cực đoan trong quan niệm thẩm mỹ nhưng hơn hết, ta vẫn thấy ông là một người nhất quán với lối viết của mình. Luôn kiếm tìm cái đẹp, cái tài hoa ở mọi bình diện của cuộc sống. Có lẽ, không phải ai cũng được trời phú cho cái tài hoa hơn, vì thế dù trong bất cứ nghề nghiệp nào, cái tài cũng đáng được trân trọng. Phải là một nghệ sĩ yêu cái đẹp thực thụ, Nguyễn Tuân mới có thể bỏ ngoài tai mọi tiếng chê bai để trung thành với phong cách của mình như thế.