Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời là bước ngoặt lịch sử trọng đại, mở ra một thời đại mới ở Việt Nam thời đại nhân dân làm chủ vận mệnh đất nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản của một đất nước độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ đã đứng trước nhiều khó khăn, thử thách hiểm nghèo, đó là “một nền kinh tế
thiếu thốn, tài chính trống rỗng, hơn 90% dân số mù chữ và có nhiều kẻ thù đang lăm le xâm chiếm”[50, tr.39].
Trong bối cảnh đầy phức tạp, một trong những quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam là khắc phục hậu quả do chế độ cũ để lại trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nhanh chóng xoá mù chữ, nâng cao dân trí, xây dựng một nền văn hoá và một nền giáo dục của chế độ mới.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh về chống mù chữ: “Sắc lệnh số 17/SL quy định việc học trên toàn cõi Việt Nam, lập Nha Bình dân học vụ, chuyên lo việc học cho nhân dân; Sắc lệnh số 19/SL quy định trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, mỗi lớp ít nhất có 30 người theo học; Sắc lệnh số 20/SL quy định việc học chữ quốc ngữ bắt buộc, không mất tiền, hạn trong một năm, mọi người Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết. Cùng ngày, Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 16/SL đặt ra ngạch “Thanh tra học vụ” để kiểm soát việc học theo đúng chương trình giáo dục của Chính phủ.”[50, tr.39].
Ngày 9/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 119/SL, chính thức thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục. Quán triệt phương châm xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ, góp phần xây dựng và củng cố nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhiều văn bản, chỉ thị, sắc lệnh đã từng bước cụ thể hoá nội dung và hình thức thực hiện. Ngày 10/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 146/SL và Sắc lệnh số 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới: “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”. Ngay trong thời kì Chính phủ lâm thời, Bộ Quốc gia Giáo dục đã nhanh chóng triển khai hoạt động. “Nền giáo dục mới theo quy định của sắc lệnh nói trên gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ năm 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học
đại học. Chính phủ cũng định ra một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa”[50, tr.40].
Các sắc lệnh trên của Chính phủ chứng tỏ, chống nạn thất học trở thành một chính sách của Nhà nước, do Nhà nước đảm nhiệm, có những thể chế bảo đảm thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ra lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học và đề ra nghĩa vụ học tập
Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ…Người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ,…vợ chưa biết thì chồng bảo; em chưa biết thì anh bảo; cha mẹ chưa biết thì con bảo; người ăn, người làm chưa biết chữ thì chủ nhà bảo. Các người giàu có tự mở lớp dạy cho những người không biết chữ…Phụ nữ lại càng phải học. Đã lâu chị em bị kìm hãm; đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp với nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước có quyền bầu cử và ứng cử [75, tr.16].
Quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước về tổ chức và bộ máy giáo dục nêu trên cho thấy tầm quan trọng của giáo dục trong bối cảnh thực tế lúc bấy giờ.
Ở Đồng Tháp, ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp: vấn đề kinh tế xã hội đặt ra bức bách, đời sống các tầng lớp nhân dân cực kì khó khăn, nạn mù chữ, phong tục tập quán cũ lạc hậu còn nặng nề,…. Nhiệm vụ cần kíp lúc này là phải nhanh chống ổn định tình hình chính trị xã hội, giải quyết khẩn trương những vấn đề trước mắt.
Song song với việc thành lập chính quyền cách mạng các cấp, Ủy ban hành chính và Mặt trận Việt Minh cho thực thi nhiều chính sách mới như xoá bỏ các thứ thuế bất công do Pháp - Nhật đặt ra; chống giặc đói, diệt giặc dốt; bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan, chuẩn bị thực hiện tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu; tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết,... Ở nông thôn, việc giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân được thực hiện như tạm cấp ruộng vắng chủ, chia lại công điền công thổ một cách hợp lí cho nông dân, thực hiện giảm địa tô 25%.
Mặc dù phải tập trung mọi cố gắng thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn bị mọi mặt chống quân Pháp tái chiếm và chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân theo đường lối chung của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách 10 điểm của Việt Minh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của chính phủ và sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xác định giáo dục là một trong các lĩnh vực có vị trí quan trọng của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, vì vậy, sau khi công bố quyết định của Chính phủ, bãi bỏ bộ máy và các chính sách giáo dục phản động của chế độ cũ, Đảng bộ và Ủy ban Hành chính kháng chiến Tỉnh đã khẩn trương tập hợp cán bộ có khả năng công tác trong ngành giáo dục thành lập Ty Bình dân học vụ, cơ quan có chức năng lãnh đạo và quản lý ngành giáo dục cách mạng trong tỉnh. Nhiệm vụ cấp thiết của Ty lúc này là phải thực hiện công tác Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ trong nhân dân.
Ty Bình dân học vụ đã hình thành, nhưng thiếu cán bộ, Ty chỉ có vài cán bộ phụ trách lo phong trào. Ủy ban hành chính lâm thời Tỉnh chọn và bổ nhiệm số trí thức tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám làm cán bộ quản lý của ngành. Tiếp đó, các quận, huyện và hầu hết các xã trong tỉnh, chính quyền cũng chỉ định mỗi cấp vài cán bộ lo công tác giáo dục ở địa phương mình. Ở huyện, có Trưởng ban Bình dân học vụ, những nhà
giáo có tư tưởng tiến bộ, hăng hái tham gia phong trào Bình dân học vụ thì được mời tham gia vào Ban Bình dân học vụ các cấp. Ở các xã cũng có Ban Bình dân học vụ. Nơi không có người chuyên trách thì do cán bộ của chính quyền, đoàn thể kiêm nhiệm.
Các lớp bình dân học vụ được tổ chức ở hầu hết các xã trong vùng giải phóng, nhiều người đã thoát nạn mù chữ. Cán bộ, chiến sĩ vào cơ quan, bộ đội được đơn vị tổ chức dạy và học tốt, nên chỉ một thời gian là biết chữ. Về giáo dục phổ thông đến năm 1948 tỉnh Sa Đéc mở được 34 lớp bốn với 44 giáo viên, 1.098 học sinh. Một số trường thiếu sinh quân, tiểu học, trung học kháng chiến được Sở giáo dục Nam Bộ mở và tổ chức trên đất Đồng Tháp như Trung học Thái Văn Lung. Theo báo cáo của Sở giáo dục Nam Bộ thì Sa Đéc là một trong 13 tỉnh ở Nam Bộ có số người thoát nạn mù chữ cao (64%). Để quản lý tốt công tác giáo dục, Ty giáo dục tỉnh Sa Đéc cũng được thành lập. Cùng thời gian này Ty giáo dục tỉnh Long Châu Tiền cũng được thành lập có 91 giáo viên, 67 lớp tiểu học (6 lớp ba, 61 lớp bốn) 2.199 học sinh, 67 lớp bình dân học vụ với 1.623 học viên [12, tr.225].
Trong hoàn cảnh sớm bước vào chiến tranh và khó khăn về mọi mặt, Đồng Tháp đã quan tâm đến tổ chức ngành giáo dục. Bộ máy lãnh đạo ngành luôn đảm đương công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Thực tế, lúc bấy giờ rất thiếu về nhân lực nên điều kiện thành lập nhiều cơ quan lãnh đạo không dễ dàng. Hơn nữa, ở thời kì đầu sau Cách mạng tháng Tám, các trường Tiểu học phổ thông ở Đồng Tháp không nhiều, chủ yếu là số trường đã có trước Cách mạng tháng Tám của chính quyền cũ được hoạt động trở lại. Khi chiến tranh bùng nổ, toàn tỉnh tập trung cho kháng chiến, mũi nhọn của giáo dục lúc bấy giờ là Bình dân học vụ. Ty Bình dân học vụ Đồng Tháp ngay từ đầu đã chỉ
đạo thông suốt các ngành học từ Bình dân học vụ đến giáo dục phổ thông và Bổ túc văn hoá. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế địa phương của ngành giáo dục Đồng Tháp lúc bấy giờ.