2.3.1.1. Xây dựng và phát triển căn cứ địa trong vùng kháng chiến
Thực hiện đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Tỉnh ủy Sa Đéc (Đồng Tháp) chỉ đạo xây dựng các khu căn cứ cách mạng của tỉnh và huyện.
Vùng sâu Đồng Tháp Mười và hậu các xã ven sông Tiền, sông Hậu thuộc Châu Thành, Lai Vung, kinh Thầy Lâm là điểm căn cứ đầu tiên của Tỉnh ủy Sa Đéc (Đồng Tháp). Quá trình kháng chiến, căn cứ của tỉnh chuyển về vùng Kiểm Điền Ngân ở Mỹ Thọ (Cao Lãnh). Căn cứ của Huyện ủy Hồng Ngự và Tỉnh ủy Châu Đốc ở vùng Bình Thạnh, Tân Hộ Cơ, Tân Thành, Thông Bình. Căn cứ của Huyện ủy Chợ Mới và Tỉnh ủy Long Xuyên ở hậu các xã của tổng Phong Thạnh Thượng. Các Huyện ủy Mộc Hóa (Tân An), Cái
Bè (Mỹ Tho) đóng tại vùng Kinh Ba, Gò Tháp, Đốc Binh Kiều (nay thuộc huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp).
Các địa bàn căn cứ trong tỉnh đều là vùng đồng bằng, đất rộng, người thưa, nhiều kinh rạch hiểm trở, có nơi còn là vùng hoang vu cỏ dại. Vùng ven căn cứ Đồng Tháp Mười có nhiều tuyến kinh đông dân. Ở xã, ấp nhất là trong vùng tự do và dọc theo sông, rạch công an phối hợp với dân quân tổ chức canh phòng, báo động bằng mõ, kẻng khi có giặc. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể tổ chức học tập, giáo dục mọi người cảnh giác, phòng gian bảo mật, thực hành “ba không” (không biết, không nghe, không thấy) để đối phó với bọn mật thám dò la tin tức và bọn trộm cắp, giữ gìn an ninh trật tự trong vùng giải phóng.
Chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” thực hiện “vườn không nhà trống”, được nhân dân triệt để thi hành. Các địa phương lãnh đạo việc huy động sức dân đào phá cầu đường, dỡ bỏ nhà lớn, rào làng, đắp mô, đắp cản trên lộ, trên sông, rạch để chặn giặc. Các cản lớn mọc lên trên kinh Nguyễn Văn Tiếp A (đoạn các xã Phong Mỹ, Ba Sao); cản Săm Sai trên sông Sở Hạ; cản An Nhơn trên sông Cái Tàu Hạ .v.v.. Đây là những địa danh trở nên nổi tiếng, gắn liền với những thắng lợi trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Để tăng cường tiềm lực, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, ở các căn cứ, đặc biệt là căn cứ Đồng Tháp Mười
Để có lương thực, vật dụng phục vụ cho đời sống và kháng chiến ta chỉ đạo vận động khai hoang, phục hóa, tổ chức thành lập các tổ vần đổi công, các hợp tác xã nông nghiệp như ở Bình Thạnh (Hồng Ngự), thành lập cơ sở dệt vải ở Láng Chim Dài, lập chợ ở Cả Gốc (Tân Thạnh), Cả Tre, Láng Tượng (Tân Phú-Thanh Bình), lập một số lò rèn, trại đóng xuồng, tổ chức trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải ở Hồng Ngự….một số nông dân tự nguyện nộp 40% thu
nhập cho cách mạng. Sau vụ lúa đầu tiên năm 1947, ở huyện Hồng Ngự, đồng bào đã quyên góp cho cách mạng 8.000 giạ thóc cùng với 600.000 đồng tiền Đông Dương, đến cuối năm 1947 lại thu nhận thêm hơn một triệu đồng.v.v.. [9, tr.50].
Bên cạnh đó, các cơ quan và lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã cũng đều có gắng tăng gia sản xuất tự túc bằng cách khai đất hoang làm lúa, trồng tràm gây rừng, đào ao nuôi cá, làm lợp lờ, câu lưới, đóng đáy để bắt tôm cá.v.v..Nhờ các biện pháp tích cực trên mà trong vùng tự do, vùng kháng chiến của tỉnh khắc phục được nhiều khó khăn, tạo cho chiến sĩ tinh thần hăng hái “ăn no đánh thắng”, nhân dân thì phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất và tích cực tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Căn cứ kháng chiến không chỉ là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến và lực lượng vũ trang, mà còn là nơi xây dựng và bồi dưỡng tiềm lực kháng chiến, đồng thời là bàn đạp để xuất phát tiến công địch, mở rộng vùng ta đã làm chủ. Tiềm lực kháng chiến ở đây gồm nhiều mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, giáo dục theo mô hình của một chế độ xã hội mới. Nhiệm vụ của ngành giáo dục là nhanh chóng tổ chức các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh mới, bắt đầu từ phong trào Bình dân học vụ. Đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc.
2.3.1.2. Phát triển phong trào Bình dân học vụ
Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện giảng dạy học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng công tác giáo dục luôn được địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là phong trào Bình dân học vụ
Chương trình Bình dân học vụ trong giai đoạn này có hai trình độ giáo dục: Sơ cấp Bình dân (lớp xoá mù chữ): thời gian học là ba tháng, yêu cầu biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ (tương đương lớp ấu học cũ); Dự bị bình dân
(liền kề với sơ cấp bình dân): thời gian học năm tháng, xoá mù chữ xong thì được học và trình độ ngang với lớp 3 (tương đương lớp sơ học cũ).
Năm 1947, sau Hội nghị Cán bộ Trung ương, Nha Bình dân học vụ có một số điều chinh: bổ sung nội dung kháng chiến và nội dung thi đua ái quốc. Năm 1948 - 1949, Nha Bình dân học vụ đã xây dựng chương trình học Sơ cấp (xoá mù chữ), Dự bị bình dân (lớp chuẩn bị vào Tiểu học bình dân) và Bổ túc bình dân (cấp 1, cấp 2). Chương trình và hướng dẫn, cùng các tài liệu giảng dạy được in kẽm chuyển về các địa phương.
Theo đó, chương trình lớp Sơ cấp bình dân được quy định thành 4 phần: phần học, phần viết, phần đọc và phần giải trí và thường thức.
- Phần học: cứ hai ngày học bài mới thì một ngày ôn lại bài cũ. - Phần đọc: tập đọc sách từng chữ, từng vần và dần dần đọc nhanh
Ví dụ sự thay đổi của phần tập đọc: Cách đánh vần cũ: biên=bê-i-bi-bê-en-biên c (xê) + a = ca d (dê) + a = da g (rê) + a = ga Cách mới đọc thành tiếng: biên=bờ-iên-biên c (cờ) + a = ca d (dờ) + a = da g (gờ) + a = ga
- Phần viết: gồm viết tập và viết chính tả.
- Phần giải trí và thường thức: gồm các bài hát kháng chiến, ca dao kháng chiến, tìm hiểu về kháng chiến (cách tránh máy bay, cứu thương, đào hầm trú ẩn), về tản cư , về lịch sử (những trận đánh, những chiến công,...) và vệ sinh (giữ gìn sức khoẻ, cách phòng đau mắt,...).
Chương trình lớp Dự bị bình dân (4 tháng) gồm các nội dung: về địa lí, vệ sinh, đời sống hiện thời, lịch sử và công dân giáo dục; được phân phối trong các môn học: “Tập đọc (những bài soạn cho học viên đọc, đồng thời
cho học viên hiểu biết sơ qua về lịch sử, địa lí, khoa học,. . .), Tập viết (chép bài và chính tả), Tập làm văn (chú trọng cách viết thư, làm đơn từ, làm văn tự, làm báo cáo), Tập tính (bốn phép tính, tính về buôn bán, ruộng vườn, nhà cửa,…)” [50, tr.54-55]. So với trước, chương trình học được thu hẹp lại, nhằm vào mục đích chính và thiết thực nhất, luyện cho học viên đọc thông, viết thạo, đồng thời cung cấp cho học viên những kiến thức ban đầu về thường thức đời sống. Giáo dục lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của dân tộc cho học viên.
Chương trình Dự bị Bình dân ra đời đã có đổi mới về cách dạy và học gắn với thực tế đất nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Ngày 2/9 1948, Người đã gửi thư cho các chiến sĩ Bình dân học vụ và giải thích ý nghĩa các môn học nhằm xác định tính chất quan trọng của chương trình này:
1. Học thường thức vệ sinh để dân bớt đau ốm. 2. Học thường thức khoa học để bớt mê tín nhằm. 3. Học 4 phép tính để làm ăn có ngăn nắp.
4. Học lịch sử và địa dư nước ta để nâng cao lòng yêu nước. 5. Học đạo đức của công dân để trở thành người công dân đứng đắn. Chương trình lớp Bổ túc bình dân được ban hành năm 1949, dành cho cấp 1 và cấp 2, gồm các môn học:
- Kiến thức phổ thông (Sử, Địa, Khoa học, Vệ sinh, Công dân, Thường thức (chính trị, kinh tế, văn hoá));
- Viết văn (Tập đọc, Chính tả, Tập làm văn); - Toán (Tính đố);
- Vẽ (Tập vẽ).
Tháng 7/1950, Hội đồng Chính phủ thông qua Đề án Cải cách giáo dục. Theo đề án, nền giáo dục của nước Việt Nam được chính thức tuyên bố là nền giáo dục của nhân dân, do dân, vì dân. Nó được xây dựng theo nguyên
tắc: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Chương trình giáo dục phổ thông chủ yếu áp dụng cho vùng tự do. Theo đó, “hệ thống giáo dục bình dân (cho người lớn) có 4 cấp: Sơ cấp (học 4 tháng để xoá mù chữ), Dự bị bình dân (học 4 tháng để đạt trình độ lớp 2, 3 phổ thông), Bổ túc bình dân (học 8 tháng để đạt trình độ lớp 5 phổ thông) và Trung cấp bình dân hay Trung học bình dân (học 18 tháng để đạt trình độ lớp 8 phổ thông)”[50, tr.56].
Để thực hiện đề án cải cách, Sở Giáo dục Nam Bộ được thành lập vào tháng 8/1947 với nhiệm vụ “quét sạch tàn tích văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam mà trước mắt là thanh toán nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, phát triển giáo dục phổ thông bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, phục vụ đất nước” [75, tr.67], mở nhiều lớp bổ túc văn hoá cho đồng bào, cán bộ các ngành và cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ. Lớp bổ túc cho giáo viên có nhiều mức thời gian: 2 tháng (đối với giáo viên), 4 tháng (đối với cán bộ xã và nữ giáo viên), 6 tháng (đối với nhân viên huyện, ty, sở).
“Tháng 8/1947, Ty Giáo dục Sa Đéc (Đồng Tháp) thành lập” [9,tr.63] do Nguyễn Văn Hằng lãnh đạo. Ngay khi bước vào thời kì chiến tranh, cũng như các tỉnh thành trong cả nước, ngành giáo dục Đồng Tháp đã tiếp thu và triển khai chương trình giáo dục mới. Tuy vậy, khi phong trào được phát động thì tài liệu giảng dạy chưa kịp phát hành, chủ yếu “người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp chủ trương sử dụng “vần quốc ngữ” của lớp đồng ấu và sách của Hội Truyền bá chữ quốc ngữ trước đây. Sau đó, Sở Giáo dục Nam Bộ đã gửi tài liệu (loại in litô) nhưng số lượng rất hạn chế, chỉ dành cho giáo viên. Giáo viên được hướng dẫn kết hợp thông tin, thời sự kháng chiến từ báo chí để giảng cho học viên.
Từ năm 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Tháp bước vào giai đoạn khó khăn. Lợi dụng ưu thế về binh lực, hỏa lực và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, thực dân Pháp dùng chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “Dùng người Việt đánh người Việt” với những chính sách hết sức tàn bạo “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch, cướp sạch”, nhằm đối phó với phong trào du kích, thực hiện mưu đồ nắm dân, cách li dân với cách mạng. Pháp đóng đồn bốt dày đặc và tăng nhanh lực lượng quân tay sai.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Sa Đéc (Đồng Tháp) chỉ đạo tìm mọi biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vạch trần âm mưu chia rẽ của tực dân Pháp, các tầng lớp nhân dân lương giáo cùng đoàn kết đánh Pháp; tăng gia sản xuất ổn định kịnh tế khu căn cứ, tăng cường phòng thủ, cảnh giác…Tuy tình hình ở các căn cứ khó khăn, mọi thứ đều thiếu thốn. Nhưng công tác giáo dục cách mạng vẫn luôn được duy trì. Các chương trình Sơ cấp bình dân, Dự bị bình dân, Bổ túc văn hoá vẫn được triển khai thực hiện. Trên thực tế, có một bộ phận cán bộ, bộ đội có trình độ văn hoá thấp, nhiều người chưa biết chữ nên chưa theo kịp với công việc, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công việc, nhận thức, tư tưởng,... Mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng có nhu cầu học tập để nâng cao trình độ nhận thức, phục vụ kháng chiến lâu dài. Vì vậy, phong trào Bình dân học vụ tiếp tục được đẩy mạnh trong. Mặc dù công việc kháng chiến bộn bề nhưng ý thức được sự hạn chế về năng lực và nhận thức do trình độ văn hoá thấp, nên người chưa biết chữ thì mong được học, người có trình độ văn hoá thấp thì mong muốn bổ túc thêm. Do vậy, việc học trở thành nhu cầu thôi thúc trong đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ. “Các lớp Bình dân học vụ, được tổ chức hầu hết các xã trong vùng giải phóng, nhiều người đã thoát nạn mù chữ. Các cơ quan dân, chính đảng, đơn vị bộ đội được tổ chức dạy và học tốt, nên chỉ một thời gian hầu hết cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đều biết chữ” [12, tr.225]. Tiêu biểu tại Cao Lãnh,
phong trào xóa mù chữ, bình dân học vụ được các xã kiên trì thực hiên ở các vùng do ta quản lý, được đông đảo nhân dân hưởng ứng , đến cuối năm 1948 “các ấp do cách mạng quản lý ở các xã Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi…cơ bản thanh toán xong nạn mù chữ” [24, tr.92].
Mặt khác, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến có nhiều khó khăn, không cho phép kéo dài thời gian học tập, mà muốn thực hiện nhanh phải có đủ giáo viên và trường lớp. Những điều đó buộc Ty Giáo dục phải tự đào tạo giáo viên và biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực giáo viên, ngành giáo dục Đồng Tháp xác định, trước hết phải đào tạo tại chỗ. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ đã theo học các trường của chế độ cũ được vận động làm giáo viên đứng lớp. Cán bộ Bình dân học vụ còn được cử đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ do Sở Giáo dục Nam Bộ tổ chức năm 1948 “Lớp sư phạm cấp tốc mở tại Tân Bằng (Bạc Liêu) nhằm đào tạo cấp tốc một số giáo viên trở thành cán bộ giáo dục tối thiểu cho các tỉnh. Lớp học gồm 50 học viên của 3 khu 7, 8 ,9 (Đồng Tháp thuộc Khu 8) có trình độ văn hóa từ lớp nhất trở lên đến tốt nghiệp sư phạm Sài Gòn lúc đó, học trong 3 tháng để về củng cố bộ máy giáo dục ở các Ty, phát triển phong trào xóa nạn mù chữ và phong trào giáo dục phổ thông cấp I” [75, tr.69]. Trong quá trình hoạt động, nhiều hạt nhân tiến bộ được tổ chức tiếp tục bồi dưỡng để trở thành giáo viên đứng lớp ở các cấp học cao hơn.
Việc mở lớp Bình dân học vụ tại các căn cứ, vùng giải phóng được tiến hành liên tục, phát triển rộng khắp. Đến cuối năm 1948, chỉ tính riêng ở các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò (khi đó thuộc tỉnh Long Châu Tiền) đã mở được “67 lớp với hơn 1.623 học viên” [12, tr.225].
Việc thực hiện Bình dân học vụ trên cả nước từ cuối năm 1948 có những chuyển biến nhất định. Nha Bình dân học vụ đã cung cấp tài liệu sơ
cấp bình dân (xoá mù chữ), tài liệu Dự bị bình dân (lớp chuẩn bị vào Tiểu học) về các tỉnh. Tài liệu có nhiều chỉnh sửa, cách đánh vần gọn hơn. Những thay đổi đó có tác động tích cực đối với phong trào.
Bước sang năm 1952, tình hình tuy có nhiều chuyển biến tốt, song vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trận lụt lớn năm 1952 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và các hoạt động kháng chiến của ta. Tuy vậy, phong trào Bình dân học vụ ở vùng kháng chiến vẫn duy trì và phát triển; theo đà thắng lợi của cuộc kháng chiến mà phát triển trên khắp các vùng, miền, “ở đâu có quân, có dân ở đó có Bình dân học vụ”. Những hoạt động giáo dục này góp phần bồi dưỡng sức dân về văn hoá, nâng cao dân trí chuẩn bị cho cuộc “tổng phản công” giành thắng lợi.
Đánh giá thành tích của Bình dân học vụ, không thể không nhắc tới vai trò của đội ngũ giáo viên một khâu quan trọng trong công tác phát triển phong trào này. Cán bộ Bình dân học vụ vừa dạy, vừa học, một cách tự nguyện, có người tuy trình độ chênh lệch với học viên không lớn nhưng vẫn