III. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ 3.1 Kiến nghị về mặt chính sách:
3.2.2. Hỗ trợ hệ thống ngân hàng
Sự đa dạng trong các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng đã buộc Chính phủ các nước phải thành lập và/hoặc chỉ định một cơ quan đầu mối điều phối các chính sách. Tuy nhiên, khi Chính phủ tiến hành các chính sách hỗ trợ hệ thống ngân hàng luôn xảy ra nguy cơ làm tăng rủi ro đạo đức. Chính sách hỗ trợ có thể khuyến khích những hành động chấp nhận rủi ro quá mức của các ngân hàng vì nếu thất bại đã có Chính phủ hỗ trợ. Do vậy, khi thiết kế chính sách hỗ trợ, Chính phủ các nước thường cố gắng đảm bảo các hành vi rủi ro đạo đức phải ở mức thấp nhất.
Với trường hợp khi cả hệ thống ngân hàng gặp khó khăn chung, NHTW có thể áp dụng nhiều chính sách khác nhau như cung cấp các khoản cho vay với các ngân hàng gặp căng thẳng về thanh khoản, khi đó lượng vốn cho vay nên phù hợp với giá trị của tài sản thế chấp của ngân hàng và nên chỉ tiến hành trong một khoảng thời gian cụ thể. Một biện pháp mà NHTW có thể sử dụng là giảm dự trữ bắt buộc hoặc tăng lãi suất trả cho khoản dự trữ bắt buộc, nhờ đó các ngân hàng thương mại có thể tăng thanh khoản, giúp hỗ trợ quá trình tái cơ cấu. Ngoài ra, có thể sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng với mục tiêu giảm lãi suất. Thông qua giảm lãi suất, cầu tín dụng tăng có thể giúp các ngân hàng củng cố hoạt động và lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới lạm phát, do vậy, cần phải cân nhắc rất kỹ khi sử dụng chính sách này.
Một cách trực tiếp để giúp đỡ các ngân hàng gặp khó khăn là bơm vốn. Để thực hiện việc bơm vốn cho ngân hàng, trước tiên phải có sự phân loại ngân hàng. Theo lý thuyết thì có ba loại ngân hàng:
Nhóm thứ nhất, gồm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những ngân hàng trụ cột trong hệ thống NHTM.
Nhóm thứ hai là các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô còn nhỏ, khó có điều kiện để phát triển, mở rộng quy mô hơn nữa. Các TCTD loại này dự kiến sẽ được NHNN quy định lĩnh vực hoạt động để đảm bảo phù hợp với phân khúc của thị trường, nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh và đảm bảo an toàn cho toàn thể hệ thống.
Nhóm thứ ba là nhóm TCTD đang có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu bằng nhiều hình thức. Thông qua các biện pháp khác nhau, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ và tiến hành chỉ đạo sắp xếp để không gây ra những xáo trộn, đổ vỡ, đồng thời bảo đảm tối đa quyền lợi của người gửi tiền.
Như vậy, chỉ có nhóm ngân hàng thứ hai mới được tiếp nhận hỗ trợ vốn của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc phân loại trên không hề dễ dàng và dễ gây ra tranh cãi.
Một điểm đáng lưu ý là một số nước thành lập cơ quan chuyên biệt để bơm vốn cho hệ thống ngân hàng, điều này sẽ giúp tránh sự liên quan trực tiếp giữa hoạt động bơm vốn và ngân sách nhà nước. Danamodal của Malaysia là một ví dụ. Danamodal được tài trợ một phần bởi NHTW nhưng phần lớn là từ khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn từ 5-10 năm. Bên cạnh đó, ở các nước, trong mọi trường hợp, để được bơm vốn các ngân hàng đều phải thỏa mãn những điều kiện đi kèm. Ví dụ Thái Lan buộc các ngân hàng phải tăng dự phòng, tự tăng vốn tương ứng với những tỷ lệ nhất định và vốn của Nhà nước được ưu tiên hơn.