Đánh giá kết quả sau đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực tại ngân hàng TMCP á châu (Trang 37 - 40)

Sau khi thực hiện triển khai đào tạo, doanh nghiệp sẽ thực hiện đánh giá sau đào tạo. Đánh giá sau đào tạo bao gồm đánh giá chất lượng khóa học và đánh giá học viên sau đào tạo.

Hoạt động đào tạo được đánh giá theo những tiêu thức như mục tiêu đào tạo có đạt được hay không? Những điểm yếu, điểm mạnh của chương trình đào tạo và đặc thù hiệu quả kinh tế của việc đào tạo thông qua việc đánh giá chi phí và kết quả của chương trình đào tạo, kết quả nhận thức, sự thỏa mãn của người học đối với chương trình đào tạo, khả năng vận dụng những kiến thức và kỹ năng lĩnh hội được từ chương trình đào tạo, sự thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Sau đây là các câu hỏi mà người tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo và phát triển cần biết:

- Các hoạt động thực hiện có đạt mục tiêu đặt ra hay không?

- Nhân viên học được những gì từ chương trình đào tạo, phát triển?

- Những vấn đề gì trong chương trình đào tạo, phát triển cần được cải thiện, bổ sung hay thay đổi?

- Những thay đổi gì (về nội dung, phương pháp, cũng như về chi phí) cần được thực hiện trong kế hoạch đào tạo và phát triển tương lai ?

- Nhân viên có thay đổi gì trong công việc không?

- Đào tạo có thể giải quyết được những vấn đề về kết quả thực hiện công việc không?

- Chi phí và những nỗ lực bỏ ra cho việc đào tạo nhân lực có xứng đáng và hợp lý không?

- Kết quả cuối cùng mang lại cho doanh nghiệp là gì?

Hiệu quả là một yếu tố chính yếu quyết định sự thành công của một chương trình đào tạo và luôn là mục tiêu hàng đầu của công tác đánh giá các chương trình đào tạo. Hệ thống đánh giá hiệu quả được sử dụng rộng rãi hiện này là hệ thống đánh giá bốn cấp độ của Kirkpatrick. Hệ thống này bao gồm 04 cấp độ:

Cấp độ 1: “Phản ứng” Học viên có hài lòng với khóa học mà họ tham dự không?

Cấp độ 2: “Kết quả học tập” Học viên học được những gì từ khóa học

Cấp độ 3: “Ứng dụng” Học viên có ứng dụng được những kiến thức mà họ được học từ khóa học vào công việc không hay sau khi tham gia khóa học học viên có nâng cao được hiệu quả công việc hay không?

Cấp độ 4: “ Kết quả” Chương trình đào tạo có ảnh hưởng như thế nào đến tổ chức.

Cấp độ 1 - Phản ứng

Cấp độ này chủ yếu tìm hiểu phản ứng của học viên đối với khóa học họ tham dự. Thông qua phiếu thăm dò thường được phát vào cuối khóa học viên sẽ bày tỏ những ý kiến của mình về những khía cạnh khác nhau về khóa học. Cấp độ này được sử dụng nhiều nhất do nó đơn giản, dễ thực hiện và dễ đánh giá nhất. Dựa vào những phản hồi của học viên, nhà quản lý chương trình đào tạo sẽ biết được những khía cạnh của chương trình đào tạo cần được củng cố và phát triển, những khía cạnh cần sửa đổi, bổ sung. Những ý kiến của học viên sẽ được so sánh, đối chiếu với ý kiến của những nhà quản lý để đưa ra những kết quả đánh giá toàn diện và ý nghĩa hơn, góp phần xây dựng chương trình đào tạo ngày càng phát triển. Ngoài ra, thông qua những thông tin định lượng về chất lượng của chương trình đào tạo có được từ học viên, nhà quản lý có thể định ra những tiêu chuẩn cho những chương trình đào tạo tiếp theo.

Cấp độ 2 – Kết quả học tập

Cấp độ này chủ yếu đánh giá chương trình đào tạo thông qua kết quả học tập của học viên. Kết quả học tập của học viên được đánh giá dựa trên lượng kiến thức, kỹ năng, thái độ mà học viên tiếp thu được từ khóa học. Công tác đánh giá ở cấp độ này nhằm xác định mức độ mà học viên có thể cải thiện, nâng cao kỹ năng, thái độ…sau khi tham gia khóa học. Cấp độ này có thể tiến hành trong suốt khóa học và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau bao gồm bảng câu hỏi thăm dò ý kiến, khảo sát, kiểm tra trên giấy, kiểm tra thực tế, đánh giá theo nhóm, tự đánh giá…Tuy

nhiên, cần chú ý việc đánh giá kết quả học tập phải dựa trên mục tiêu của quá trình đào tạo. Đánh giá ở cấp độ này thường khó thực hiện hơn, mất nhiều thời gian và nhiều công sức hơn. Vì vậy, cấp độ này dù phổ biến nhưng vẫn ít được sử dụng hơn cấp độ 1.

Cấp độ 3 - Ứng dụng

Cấp độ 3 nhằm đánh giá khả năng và mức độ ứng dụng những kiến thức, kỹ năng mà học viên học được qua khóa đào tạo vào công việc hiện tại của họ, và mức độ nâng cao kết quả công việc đó. Những phương pháp có thể sử dụng ở cấp độ đánh giá này là câu hỏi thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, quan sát trực tiếp.Những người tham gia trực tiếp vào cấp độ đánh giá này không chỉ có học viên mà còn có những nhà quản lý, nhà lãnh đạo, người quản lý trực tiếp, những người có thể quan sát trực tiếp được những thay đổi của học viên trong công việc. Đánh giá ở cấp độ này tương đối phức tạp và khó thực hiện do cần nhiều thời gian và công sức để thu thập dữ liệu và rất khó dự đoán khi nào những thay đổi trong công việc của học viên sẽ diễn ra. Chưa kể đến việc những thay đổi của học viên có thể không phải do quá trình đào tạo mà có thể do những yếu tố bên ngoài khác. Vì vậy ít nhà quản lý sử dụng cách đánh giá này tuy nhiên kết quả của việc đánh giá ở cấp độ này giúp nhà quản lý có cái nhìn thấu đáo về mức độ ứng dụng vào thực tiễn của chương trình đào tạo.

Cấp độ 4 – Kết quả

Cấp độ này đánh giá hiệu quả đào tạo thông qua ảnh hưởng của nó đến kết quả kinh doanh. Kết quả kinh doanh bao gồm nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực làm việc, giảm chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ bỏ việc, nghỉ việc của nhân viên…Đánh giá ở cấp độ này được thực hiện ở cấp độ tổ chức nói chung. Ở cấp độ này cần phải thu thập những dữ liệu về chi phí, năng suất, thu nhập, thời gian để thực hiện một công việc tại thời điểm trước và sau khi đào tạo, sau đó so sánh kết quả để định lượng kết quả đào tạo. Đánh giá của cấp độ bốn hết sức quan trọng. Nó cung cấp những thông tin có giá trị nhất, có sức thuyết phục nhất, phản ánh được mục tiêu cao nhất của tất cả các chương trình đào tạo là lợi nhuận mà tổ

chức có thể thu được từ kinh phí đầu tư cho đào tạo. Tuy nhiên, cấp độ đánh giá này ít được các tổ chức áp dụng vì nó khó thực hiện nhất, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí nhất.

Như vậy, bốn cấp độ đánh giá có sự khác biệt về độ khó, tần số thực hiện, giá trị của thông tin mà chúng cung cấp. Bốn cấp độ đánh giá đã tạo nên một mô hình đánh giá có tính hệ thống và toàn diện. Tùy vào thời gian và ngân sách mà các tổ chức có thể sử dụng tuần từ các cấp độ đánh giá từ một đến bốn nêu trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực tại ngân hàng TMCP á châu (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)