a. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp
Chiến lược phát triển của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để phát triển thị trường cho sản phẩm của doanh nghiệp đó. Chiến lược phát triển doanh nghiệp sẽ đảm bảo cho hoạt động phát triển thị trường thực hiện theo một định hướng nhất định, tạo thế chủ động cho doanh nghiệp trong cạnh tranh. Tuy nhiên, chiến lược phát triển doanh nghiệp phải căn cứ trên cơ sở dự báo nhu cầu của thị trường mới đạt hiệu quả. Khi có một chiến lược phát triển hợp lý, doanh nghiệp sẽ có khả năng huy động và khai thác tối đa nguồn lực, lợi thế cạnh tranh để đạt được các mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu phát triển thị trường.
b. Qui mô vốn và tình hình tài chính
Vốn là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào, vốn là cơ sở để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Vốn chi phối toàn bộ các chức năng và quyết định quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Vốn là điều kiện cần để đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và là điều kiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi có những rủi ro nhất định có thể xảy ra trong kinh doanh.
Khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiều rủi ro, thì bên cạnh khả năng tổ chức và hoạt động có hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, quy mô vốn tự có của doanh nghiệp là cơ sở niềm tin cho khách hàng. Đồng thời, trong quá trình hội nhập quốc tế, mở cửa thì vốn tự có thực sự là một vấn đề quan trọng trong việc phát triển sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường mục tiêu.
c. Cơ sở vật chất kỹ thuật – công nghệ
Đối với mọi doanh nghiệp, việc đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị là việc làm việc là hết sức quan trọng đảm bảo hoạt động kinh doanh và khả năng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Đối với doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như viễn thông thì điều này cần có ý nghĩa to lớn, vì công nghệ có ảnh hưởng quyết định đối với việc mở rộng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và phương thức phân phối dịch vụ đến khách hàng vì những lý do sau đây:
- Nâng cấp cơ sở vật chất và công nghệ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ (nâng cấp hệ thống máy tính, đường truyền, các phần mềm quản lý dịch vụ, khách hàng…) bởi chất lượng dịch vụ được thể hiện ngay khi trong quá trình giao tiếp giữa nhân viên và khách hàng, thông qua môi trường giao tiếp, tốc độ cung cấp dịch vụ nhanh, ổn định, đảm bảo an toàn, chính xác tuyệt đối.
- Đổi mới công nghệ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho sự ra đời của nhiều dịch vụ mới, tiên tiến, hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp chính là một phần hình ảnh của đơn vị cung cấp dịch vụ. Từ đó có thể thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ.
- Đảm bảo thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ mọi nơi, mọi lúc trên phạm vi thế giới, thông qua hệ thống máy tính, di động…
- Đảm bảo khả năng liên kết giữa các loại hình dịch vụ, giữa các tổ chức kinh tế, cá nhân khác nhau mà không lệ thuộc vào vị trí địa lý.
d. Mô hình tổ chức và cơ chế tổ chức, quản lý
Một mô hình tổ chức đi kèm với một cơ chế tổ chức quản lý tốt là cơ sở tạo nên sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng giữa các cá nhân, các phòng ban, giúp cho hoạt động thông suốt, hiệu quả, phát huy tính sáng tạo của từng cá nhân. Đây không phải là yếu tố trực tiếp tác động tới sự phát triển thị trường dịch vụ nhưng là một yếu tố tác động gián tiếp quan trọng.
e. Hoạt động marketing
Hoạt động của marketing ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển thị trường dịch vụ, vì:
Nghiên cứu thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội hấp dẫn trên thị trường phù hợp với nguồn lực và mục tiêu của doanh nghiệp, nắm bắt được sự thay đổi nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ, tìm ra cách thức đóng gói dịch vụ thích hợp đáp ứng với nhu cầu của khách hàng.
Tổ chức quản lý dịch vụ của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp cần phải xem dịch vụ có khả năng phát triển ở thị trường nào, khu vực nào và dịch vụ đó thích hợp với đối tượng khách hàng nào nhằm xây dựng chính sách thích hợp khai thác và kiểm soát dịch vụ.
g. Chất lượng nguồn nhân lực
Mỗi nhân tố thuộc về doanh nghiệp hay môi trường hoạt động của doanh nghiệp đều có những tác động nhất định tới sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi quan điểm đều đồng ý rằng yếu tố nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Sự phát triển của dịch vụ càng chịu ảnh hưởng to lớn của yếu tố này. Nguồn nhân lực có thể được chia thành bộ phận lãnh đạo, các phòng ban quản lý (bộ phận hỗ trợ), các bộ phận tác nghiệp. Mỗi bộ phận đều có những chức năng, vai trò riêng đối với sự phát triển dịch vụ.
- Đội ngũ nhân viên: hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu dùng một dịch vụ diễn ra đồng thời với quá trình giao tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Thái độ, trình độ của nhân viên là hai biểu hiện của chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định chất lượng dịch vụ, bên cạnh những yếu tố khác như công nghệ, cơ sở vật chất,… Thái độ kém văn minh, thiếu nhiệt tình sẽ khiến khách hàng bỏ đi; còn trình độ của nhân viên sẽ tác động tới sự an toàn, chính xác của các giao dịch.
- Đội ngũ cán bộ quản lý: Đây là những nhân sự chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra các chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược phát triển thị trường nói riêng. Vị trí này đòi hỏi người quản lý phải nhanh nhạy trước sự biến động hàng ngày của môi trường kinh doanh, tìm ra những hướng đi mới, quyết định danh mục các dịch vụ mới, mức độ đầu tư cho các dịch vụ hiện tại để đạt kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn.