Lý Tư, Triệu Cao Mưu Việc Phế Lập

Một phần của tài liệu Nghệ thuật ứng xử của người xưa pdf (Trang 56 - 58)

Tháng 20 năm thứ 37 (211 trước Công Nguyên) Tần Thủy Hoàng, nhà vua đi tuần thú phương Đông, theo vua có Thừa tướng Lý Tư, Trung Thư lệnh Triệu Cao (hoạn quan) và con nhỏ vua là Hồ Hợi cùng một số quan lại thân tín đi theo. Vua dọc Trường Giang ra đến biển, nhìn trời nước mênh mông mà uất ức vì nhớ đến chuyện đi tìm thuốc của Từ Phúc trước đây bặt vô âm tín. Trong lúc đó có nhiều người nói với vua Tần: "Thuyền của Từ Phúc bị cá lớn đón đường". Cá lớn tức là Sa Ngư (cá nhám, cá mập). Vua Tần truyền sắm cung nỏ chuẩn bị bắn Sa Ngư.

Vua Tần cùng đoàn cung thủ xúm bắn Sa Ngư chết. Nhà bếp nấu Sa Ngư vua cùng mọi người ăn khen:

- Ngon!Thịt thơm lắm!

Long xa quay về, dọc đường vua nhuốm bệnh, biết mình không sống được, nghĩ lại lòng thấy thương Thái tử Phù Tô. Phù Tô hiền hiếu, vì can vua đừng giết học sĩ, đừng đốt sách, vua Tần cả tin Lý Tư nên nổi giận đày Phù Tô ra biên giới Tần, Hồ làm đốc công giúp tướng Mông Điềm coi việc xây Trường Thành. Tần Thủy Hoàng viết chiếu truyền ngôi cho Phù Tô, rồi kêu Lý Tư, Triệu Cao lại trăn trối:

- Phù Tô là người hiền hiếu đáng được nối ngôi. Trẫm vì một phút nóng giận mà đối xử với con quá khắc nghiệt. Trẫm có chết, các khanh nên tận tình giúp Thái tử giữ ngôi báu.

Nói rồi trao chiếu thư cho Triệu Cao !

Vua Tần băng hà tại Sa Khâu tháng 7 năm thứ 38 (210 trước Công Nguyên).

Triệu Cao và Lý Tư ém nhẹm việc vua băng hà không cho bá quan biết. Cao nói với Lý Tư:

- Nếu Phù Tô làm vua thì chúng ta chết không có đất chôn. Nay phải giả chiếu để Hồ Hợi làm vua!

Lý Tư không chịu, nói:

- Không được! Không thể phụ lòng ủy thác của Tiên đế!

Triệu Cao đem lời lẽ hơn thiệt lẫn hăm dọa ra thuyết phục, Lý Tư mới nghe theo. Triệu Cao liền giả chiếu chỉ, rồi niêm phong có ấn Hoàng Đế gởi ra biên giới cho Phù Tô và Mông Điềm, buộc hai người phải tự sát, binh quyền giao lại cho Vương Ly.

Mông Điềm nói với Phù Tô:

- Thái tử không nên tự sát vội, phải cho người về triều dò xét hư thực, bọn Lý Tư, Triệu Cao là những tên điêu ngoa man rợ, không chắc đây là chiếu chỉ thật.

Sứ giả là Triệu Thường cháu của Triệu Cao, giục phải chết liền. Phù Tô nói:

- Phụ Vương tính nết như thế nào, hằng ngày ta quá biết. Nay vua cha bảo chết, làm Thần tử sao dám trái lời?

Nói rồi uống thuốc độc tự tử. Còn Mông Điềm bị bắt giam vào ngục. Mông Điềm uất ức tự sát trong ngục!

Xác của vua không liệm (vì sợ lộ), vài ngày sau bốc mùi hôi thối, Triệu Cao cho mua mấy giỏ cá ươn để đánh lộn mùi. Về đến Hàm Dương mới liệm. Lúc đó sứ giả về báo tin, Lý Tư và Triệu Cao cả mừng liền báo tang rồi tôn Hồ Hợi lên làm vua đế hiệu là Tần Nhị Thế (đầu năm 209 trước Công Nguyên).

Lời Bàn:

Qua đoạn này ta biết, quả là "cơ trời dâu biển đa đoan" (Kiều). Tần Thủy Hoàng đi lần này để tế lễ phong thiện, cúng bái các vị Thánh Vương ngày trước như Hạ Vũ, Nghiêu, Thuấn, giết được cá dữ Sa Ngư, nhưng không ngờ vua Tần tạ thế ở Sa Khâu, nghĩa là "Chết không may" (bất đắc kỳ tử, vì chết dọc đường). Đây là triệu chứng của sự sụp đổ. Một ông vua hùng lược như vậy lại tin dùng những tên gian độc, để bọn chúng gây ra những việc tày trời. Trách ai?

Lý Tư chịu không biết bao nhiêu ân sủng với vua Tần, lại đi đồng loã với tên Triệu Cao. Thật đáng khen cho cái chức vụ Thừa tướng của hắn. Nhưng người ta cũng thắc mắc, chiếu thư kia thuộc về triều đình sao vua Tần không đưa cho Lý Tư mà lại đưa cho tên Triệu Cao? Thật là "ma dắt lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi"! Vua Tần thất đức thấy rõ. "Thánh thể" đó đánh lộn sòng với giỏ cá thối. Ôi! Mai mỉa biết bao! Ông và Tề Hoàn Công, một bá một đế kiệt xuất, qua cái chết không ai may mắn hơn ai!

Ghi chú: Tề Hoàn Công mất trong cùng, không trăng trối được lời nào, vì không chịu nghe lời Quảng Trọng và Bảo Thúc Nha, thi thể để sình ươn tới 67 ngày, dòi, bọ rúc rỉa, hôi thối không ai chịu được.

Còn Tần Thủy Hoàng chết dọc đường có trối trăn nhưng không được bọn sủng thần thi hành, trăn trối cũng bằng thừa, "Thánh thể" cũng để sau hai tháng mới chôn! Hai vị ấy giống nhau hay khác nhau? .

Một phần của tài liệu Nghệ thuật ứng xử của người xưa pdf (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w