Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học thầy là Quỷ Cốc Tử. Những khi Bàng Quyên vào núi lấy củi Tôn Tẫn được thầy dạy những gì, khi Bàng Quyên về Tôn Tẫn đều trao hết lại cho bạn. Khi Tẫn đi lấy củi, Bàng Quyên học được những gì, Quyên tìm cách chối quanh không hề cho Tôn Tẫn biết. Thế nhưng sau thời gian học tập, Tôn Tẫn vẫn giỏi hơn Bàng Quyên.
Bữa kia Quyên nghe được nước Ngụy treo bảng cầu hiền, vội vã vào thưa Quỷ Cốc xin về. Trước khi từ giã, Quyên nắm lấy tay Tôn Tẫn nói:
- Đệ cần phải quay về trước coi thử thời cuộc thế nào. Nếu đệ được làm quan, lập tức gửi thư cho huynh biết, huynh nên về nơi đó để huynh đệ ta cùng làm quan trong một triều với nhau.
Tôn Tẫn nhận lời. Quyên đem tài ăn nói của mình thuyết phục Ngụy Vương, kết quả, Quyên được làm Nguyên soái nước Ngụy. Bàng Quyên không gửi thư cho Tôn Tẫn như lời đã hứa vì biết Tôn Tẫn giỏi hơn mình, sợ Ngụy Vương lấy chức phong cho Tôn Tẫn.
Nhưng có ông Mặc Địch là bạn của Quỷ Cốc, thường lui tới chơi nên biết Tôn Tẫn là bậc hiền tài, liền tiến cử cho Ngụy Vương. Ngụy Vương cho người mời Tôn Tẫn về triều. Bàng Quyên vờ vui mừng nói:
- Tâu chúa công! Tôn huynh và hạ thần vốn là huynh đệ đồng môn. Nay hạ thần đứng đầu trăm quan, thì không còn chức nào cao hơn để phong cho Tôn huynh. Vì Tôn huynh là bậc đàn anh, tài đức hơn hạ thần, không lý chức vị nhỏ hơn hạ thần? Nên tạm thời Tôn huynh cứ chờ đó, đợi khi có công trạng gì chúa công phong chức cho Tôn huynh mới xứng.
Ngụy Huệ Vương nghe theo.
Tôn Tẫn ở không, chẳng có việc gì làm, cứ ra vào trông ngóng. Thỉnh thoảng Bàng Quyên ghé thăm an ủi. Một hôm kia có một thương nhân nước Tề đến, vào thăm Tôn Tẫn. Tôn Tẫn hỏi ra mới biết người ấy bà con xa với mình. Và hắn nói:
- Chú của tiên sinh nhờ tôi đi tìm tiên sinh trao cho bức thư này, có ba điều dặn: Bằng mọi cách phải tìm được tiên sinh; Phải biết chắc người mình gặp là tiên sinh mới giao thư; Khi đọc thư xong tiên sinh phải viết thư hồi âm.
Tôn Tẫn xem thư, chỉ thấy nói việc nhà, và bảo Tẫn về Tề vì vua Tề đang trọng dụng hiền tài.
Tôn Tẫn viết thư hồi âm, nội dung nói vua Ngụy sắp phong chức cho mình. Khi nào công thành danh toại mới trở lại quê nhà (ở Tề).
Khách thương lãnh thư ra đi. Mấy hôm sau vua Ngụy cho sứ giả triệu Tôn Tẫn vào triều, vua hô võ sĩ bắt. Tôn Tẫn kêu oan. Ngụy Vương thảy bức thư trước mặt Tôn Tẫn nói: - Ta đối xử với ngươi không bạc, ngươi phản phúc ăn ở hai lòng, tư thông với Tề làm nội ứng để Tề đánh ta!
Tôn Tẫn xem lại quả là thư mình, nhưng đoạn tái bút do ai mạo chữ mình thêm vào, nội dung bàn việc phạm pháp. Tôn Tẫn hết ngõ phân bua. Nhà vua truyền sai Tôn Tẫn ra chém. Bàng Quyên can:
- Tội Tôn Tẫn không đến nỗi chết chém. Chúa công phế cặp chân của hắn là đủ. Vua cho đục bỏ hai xương bánh chè của Tôn Tẫn, rồi giam Tẫn vào biệt lao! Sau này Tôn Tẫn không đi đứng được.
Từ đó thỉnh thoảng Bàng Quyên đến thăm, tỏ ra đãi ngộ, săn sóc, an ủi, nhân đó bảo Tôn Tẫn viết bộ "Tôn Tử binh pháp", đó là tác phẩm của Tôn Vũ, vốn là ông tổ của Tôn Tẫn. Tôn Tẫn toan viết, nhưng kẻ tay chân của Bàng Quyên đang chăm sóc Tôn Tẫn (để theo dõi) thấy Bàng Quyên độc ác liền khuyên:
- Nếu tiên sinh viết xong bộ này rồi, thì Bàng tướng quân sẽ giết tiên sinh liền! Tôn Tẫn hiểu hết mọi việc, chỉ thở dài và sau đó giả điên để tìm cách thoát thân! Lời Bàn:
Xem lời Bàng Quyên tâu với Ngụy Vương từ khi mới gặp Tôn Tẫn, ta biết Quyên là một tên bất hảo. Hắn nói: "Tôn huynh là bậc đàn anh, tài đức hơn hạ thần, không lý chức vị nhỏ hơn hạ thần", đây là xảo ngôn. Nếu Quyên thật lòng đối xử tốt với Tôn Tẫn, thì cứ saÜn sàng nhường chức Nguyên soái cho Tôn Tẫn, còn mình giữ chức vị nhỏ hơn, tại sao không được? Quyên còn nói: "Tạm thời Tôn huynh cứ chờ đó, đợi khi có công trạng gì chúa công phong chức cho Tôn huynh mới"! Đó là sự lường gạt trắng trợn. Không được làm chức gì thì phương tiện đâu mà cho Tôn Tẫõn lập công? Hắn lừa phỉnh như vậy mà Huệ Vương vẫn tin
hắn. Do đó ta biết hai tên lái buôn kia cũng là do Bàng Quyên sắp đặt, bức thư họ cũng do Quyên giả mạo, lời tái bút cũng do Quyên tạo nên, cố dồn Tôn Tẫn vào chỗ chết.
Sỡ dĩ Bàng Quyên không cho Tôn Tẫn chết liền, là vì Quyên muốn Tẫn chép cho Quyên bộ Binh pháp của Tôn Tử.
Quyên đối xử với bạn bè không thật lòng đã đành, lại còn manh tâm muốn hại một bậc anh tài, ngày sau Quyên phải trả giá rất đắt ở Mã Lăng đạo.
Trời đất bao giờ cũng có sự công bằng, ai đi trượt ra ngoài quỷ đạo công bình đó thì cũng giống như chiếc xe bị bay xuống hố: Tự sát.