Nước Tống có người chế được một phương thuốc trị chứng bệnh nước làm da tay bị nứt nẻ. Nhưng nhà y làm nghề dệt vải, nên phương thuốc kia không giúp y được gì. Có người khách biết việc ấy tới gạ mua phương thuốc ấy với giá trăm lượng vàng. Y liền bán phương thuốc thần diệu ấy cho khách.
Người khách được phương thuốc đó sang thuyết phục vua Ngô nhằm vào lúc nước Việt đang đánh nước Ngô vào mùa Đông. Vua Ngô phong cho hắn làm quân y sĩ. Hắn đem thuốc đó ra xoa bóp vào tay chân lính Ngô, nhờ thế mà quân sĩ Ngô cầm vũ khí dễ dàng. Qua một trận thủy chiến, quân Việt đại bại. Vua Ngô cắt đất phong cho viên y sĩ ấy và thưởng cho hắn rất hậu.
Lời Bàn:
Qua câu chuyện này, Trang Tử phê: "Cùng một phương thuốc trị bệnh da tay nứt nẻ, mà một người nhờ đó được đất phong, trở thành địch phú, còn một người không thoát khỏi nghề dệt vải, đó là cách dùng không giống nhau? "
Ta có thể nói thêm, rất nhiều người có tài trong một nghề nhất định, nhưng trên nhiều lĩng vực khác họ bị hạn chế. Chẳng hạn qua việc này, người nước Tống không đủ phương tiện đi qua Ngô, giả sử qua Ngô được chưa chắc có ai tiến cử hắn cho vua Ngô; hoặc có tiến cử, vị
tất vua Ngô đã cho là quan trọng. Đâu phải Tống là nước không chiến tranh, và quân sĩ nước Tống không hẳn không bị nước ăn tay? Ý của bài này chê người nước Tống không có chí lớn, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không lường được những chuyện khác về sau. Ví dụ, nếu nước Ngô dùng phương thuốc ấy đánh với Tống, thì hóa ra mình hại nước mình không?
Câu chuyện trên đây cũng giống như chhuyện Ngụy Huệ Vương cho Huệ Tử một quả bầu. Quả bầu ấy đem khoét ruột để đựng nước người không vác nổi. Huệ Tử không biết dùng nó để làm gì, bèn cưa quả bầu ra toan làm cái bát đựng cơm hay cháo gì đó, nhưng vì lớn quá cũng thành vô dụng. Huệ Tử bèn đập nó đi. Trang Tử hay được việc này kêu Huệ Tử trách: "Ông có cái hồ lô đựng đến 5 thạch (50 gáo), sao không nghĩ đến việc dùng nó làm phao mà vượt sông hồ? Thì ra cái lòng của ông quá nhỏ nhoi vậy".