1.3. Kê minh thập sách và những bài học lịch sử
1.3.3. Bài học lịch sử từ bản Kê minh thập sách
a. Đối với vương triều Trần
Kê minh thập sách ra đời vào thời kỳ cuối của nhà Trần thực sự có ý nghĩa quan trọng. Quý phi Bích Châu lại trực tiếp chứng kiến tình hình triều chính và xã hội lúc đó. Bà là người yêu nước, thương dân, không bằng lòng hưởng vinh hoa cho riêng mình mà hết lòng trăn trở cho vận mệnh đất nước.
Bích Châu sớm nhận thấy nguy cơ đổ nát của triều chính nên đã dâng bản Kê
minh thập sách để cứu vãn tình thế, giúp vua đưa ra kế sách để giải quyết mọi khó khăn trong nước. Tiếc rằng vua Duệ Tông tính cách hiếu chiến, quá tin vào Đỗ Tử Bình nên vẫn quyết định đi đánh Chiêm Thành để rồi bị thua trận,
tử nạn trong cuộc chiến. Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rõ: “Vua ở ngôi bốn
năm, thọ 41 tuổi. Vua ương gàn cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên mang họa vào thân, chứ không phải do bất hạnh” (Ngô Sĩ Liên
và các sử thần triều Lê, 1998).
Tuy nhiên, việc vua Trần Duệ Tông không thực hiện những điều trên
không có nghĩa là bản Kê minh thập sách này không có ý nghĩa đối với triều
Trần. Chính qua bản kế sách này mới thấy được tầm nhìn của một người phụ nữ thời kỳ này và bối cảnh của nhà Trần nửa cuối thế kỷ XIV. Từ đó lý giải được nhiều vấn đề lịch sử đặt ra về giai đoạn cuối nhà Trần.
Bài học lấy dân làm gốc, nhà lãnh đạo phải có tư tưởng thân dân
Bài học này được thể hiện khá rõ nét trong điều 1 và điều 6 của Kê minh
thập sách.
Một trong những biện pháp giữ nước là “lấy dân làm gốc”. Dân chính là những người xây dựng và bảo vệ đất nước. Trần Quốc Tuấn - vị tướng thấm
nhuần tư tưởng này đã từng nói phải “khoan thư sức dân” để giữ thế bền vững. Trần Quốc Tuấn luôn lấy dân làm trọng, ông luôn động viên tinh thần quân sĩ vượt qua mọi khó khăn để giữ lấy độc lập dân tộc.
Tư tưởng thân dân không phải đến thời Trần mới xuất hiện mà từ thời Lý các nhà vua đã luôn quan tâm chăm lo cho nhân dân, giảm nhẹ hình phạt, đưa ra luật bảo vệ dân. Đến thời Trần con người lại càng được đề cao, đặc biệt khi đạo Phật hưng thịnh thì lòng từ bi, yêu thương con người lại càng được lan
tỏa. Trần Hưng Đạo đề xướng “Đạo”, “Khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền
gốc”,… Trần Quốc Tuấn đã có tổng kết quý giá về sức mạnh của nhân dân và
sự cần thiết huy động sức mạnh to lớn ấy trong chiến tranh:" ““Chúng chí thành thành” - ý chí của nhân dân là bức thành kiên cố” (Vũ Như Khôi, 2017).
Trong ba lần nhà Trần tổ chức kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, nếu không có sự đoàn kết một lòng giúp vua cứu nước của toàn dân liệu rằng một đất nước bé nhỏ như Đại Việt khi ấy có đủ sức để chiến thắng được kẻ thù hung hãn mà bất cứ quốc gia nào cũng khiếp sợ. Nhân dân đoàn kết, một lòng trung thành với vua với đất nước, là thứ sức mạnh vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ mà không phải lúc nào cũng có được. Nguyễn Thị Bích Châu đã nhìn về giai đoạn trước và hiểu được rằng thời Lý Trần đất nước phát triển và vượt qua được họa ngoại xâm là do lấy dân làm gốc, quan tâm đến đời
sống của dân. Bà đúc kết những điều đó vào bản Kê minh thập sách để trị
nước và giữ nước. Thông qua điều 1 và điều 6 của bản kế sách, bà muốn nhắc nhở vua Trần Duệ Tông hãy nhìn lại những gì ông cha đã làm để chấn chỉnh lại cách điều hành đất nước. Muốn để dân tin và trung thành thì trước hết phải xem ông vua đó, triều đại đó mang lại gì cho cuộc sống của họ. Ở những triều đại trước lòng dân đoàn kết, tất cả đồng tình một lòng hướng về vua, quyết tâm dùng tất cả tài sản và tính mạng của mình ra để bảo vệ đất nước. Bởi vì lúc ấy thiên hạ thái bình, vua quan chăm lo cho dân và lắng nghe lòng dân nên
cuộc sống của họ được ổn định. Trong lòng mỗi người dân luôn cảm thấy may mắn và biết ơn vì đã cho họ một cuộc sống tốt đẹp. Từ đó niềm tin của họ đặt vào nhà vua và triều đình ngày một lớn hơn. Khi đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để cùng vua bảo vệ đất nước đồng thời cũng là bảo vệ chính lợi ích và cuộc sống của họ. Chính vì vậy, trong bối cảnh nhà Trần đang trên đà suy vong, muốn “lấy dân làm gốc” thì trước hết phải có được lòng dân, để có được lòng dân thì phải biết lắng nghe và thấu hiểu. Người dân chỉ cần một vị vua anh minh, những vị quan vì dân để họ có thể an tâm sinh sống và làm ăn. Khi dân có cuộc sống ổn định thì nước mới có thể vững vàng và đủ sức mạnh để đương đầu với kẻ thù.
Cuối bản Kê minh thập sách, Bích Châu khuyên nhà vua: “Mấy điều vừa
kể, thật là thiết dụng cho ngày nay. Thiếp xin phơi bày tấm lòng trung, mong được bề trên soi xét. Nước được trị, dân được yên, đó là ước nguyện của thiếp vậy”.
Sở dĩ Bích Châu hết sức khuyên răn nhà vua không nên động binh là vì bà nhận thấy điều cần kíp lúc này là nên vực dậy tiềm lực trong nước. Trong bối cảnh đất nước lúc đó không có gì có thể đảm bảo một chiến thắng chắc chắn mà có khi còn làm cho tình hình đất nước rối ren hơn. Cho đến khi bà hiến mình để đoàn quân được tai qua nạn khỏi bà cũng dặn dò nhà vua “Sau khi thiếp đi, mong bệ hạ chăm lo văn trị, bớt việc vũ công, giản kiệm và yêu người, học đạo lý nhân nghĩa của các đế vương, để làm kế lâu dài cho nước nhà. Được như thế thì u hồn thiếp trong cõi u minh có thể được an ủi vậy”. Ta thấy rằng đến cả cái chết ngay trước mắt mà tâm nguyện của vị Quý phi này cũng chỉ mong rằng nhà vua sau khi trở về hãy chăm lo cho đất nước. Khát vọng hòa bình, an dân, mong muốn một đất nước thái bình luôn là tâm nguyện của Quý phi.
Nhìn tổng thể mười kế sách, tư tưởng của tác giả luôn đề cao nhân dân, coi dân là gốc của nước. Về sau tư tưởng “lấy dân làm gốc” vẫn được rất
nhiều vị vua và các vị hiền tài sử dụng vào thực tiễn của đất nước. Ví như trong bài Bình Ngô Đại Cáo mở đầu Nguyễn Trãi đã viết:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.…”
Hay trong Thập điều khải của Quan Thái thường tự khanh Bùi Sĩ Tiêm
dâng lên chúa Trịnh có viết: ““Chăm đời sống của dân để bền mệnh mạch” - Dân là mệnh mạch của nước” (Vũ Như Khôi, 2017).
Như vậy, ta có thể thấy rõ một điều là đối với việc trị nước, việc đề cao nhân dân, lấy nhân dân làm gốc là một tư tưởng vô cùng sáng suốt. Nó được đề cập và áp dụng một cách rộng rãi qua nhiều triều đại khác nhau và đều đưa đến những kết quả tốt đẹp. Tất cả những điều đó đã chứng minh tính đúng đắn và cần thiết của tư tưởng thân dân mà Bích Châu đã đề ra với mong muốn đưa nhà Trần thoát khỏi sự khủng hoảng và bế tắc. Chỉ đáng tiếc một điều là những tư tưởng đúng đắn ấy lại không được nhà vua để tâm và thực hiện.
Sau này những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… cũng đã đề cập đến đã chứng tỏ tính đúng đắn của tư tưởng thân dân mà Bích Châu đã đề ra.
Bài học về đường lối quân sự, cách chọn tướng cầm quân
Ngay từ khi mới thành lập, nước ta đã phải đương đầu với giặc ngoại xâm, dựng nước đi đôi với giữ nước. Kê minh đã mách bảo bốn điều về quân sự là binh, tướng, vũ khí và trận pháp.
Theo điều 7 của Kê minh thập sách, bà Bích Châu cho rằng: “kén quân
trước có dũng lực sau mới kể thân hình”. Bước ra chiến trận, đó chính là sàn đấu sinh tử, là dùng mạng sống của mình ra để đánh cược. Vậy nên, mỗi người lính ra trận trước hết là phải có lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta vượt qua được nỗi sợ hãi, vượt qua được những khó khăn gian khổ mà ta không thể lường trước được. Khi tuyển quân người ta vẫn thường chọn những người trai tráng khỏe mạnh, đó chính là thể lực. Bước ra chiến trường,
anh dũng cảm, anh khôn khéo nhưng anh cũng cần phải có cả thể lực. Xây dựng và luyện tập để có được một đội quân có lòng dũng cảm và thể lực tốt đó chắc chắn sẽ là một đội quân hùng mạnh.
Điều 8 của kế sách viết: “chọn tướng cần người thao lược, chớ nể con ông cháu cha”. Người ta nói quân đông phải có tướng tài. Bên cạnh việc chiêu mộ và luyện tập để có được một đội quân tinh nhuệ, việc tìm được một người tướng tài để chỉ huy là vô cùng quan trọng. Vậy nên, khi tuyển tướng đừng nhìn vào gia thế mà cần phải nhìn vào năng lực, tài thao lược của người đó. Lịch sử cũng chứng kiến có những lúc vua sai lầm trong việc chọn tướng nên thất bại trước quân địch. Vua Trần Duệ Tông đã từng sai lầm trong việc chọn
tướng cầm quân đi đánh Chiêm Thành: “Khi quân Việt đến chân thành Đồ
Bàn, quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Quan quân thua to. Vua Duệ Tông chết trong đám loạn quân. Bọn Đỗ Tử Bình lĩnh hậu quân, hèn nhát không đem quân lên cứu, Hồ Quý Ly cũng bỏ chạy. Thế mà về kinh đô Hồ Quý Ly không hề bị trách cứ, Đỗ Tử Bình chỉ phải giáng xuống làm lính mà thôi”
(Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, 2017). Như vậy trong việc tuyển chọn tướng cầm quân vua cần sáng suốt, cân nhắc kỹ lưỡng để chọn được người thực sự có tài cầm quân.
Điều 9 của Kê minh thập sách cũng chỉ rõ: “khí giới quý hồ bền sắc
chuộng chi vẽ vời”. Đã ra chiến trận, gươm dao là vũ khí của cuộc chiến sống còn. Thế nên, vũ khí chỉ cần tốt, sắc, bền và có tính chiến đấu cao. Không cần mẫu mã cầu kì, vừa tốn công rèn dũa, vừa tốn kém chi phí mà chẳng được gì.
Và điều 10 của kế sách, viết: “trận pháp cốt ở chỉnh tề đâu cần múa
khéo”. Đánh trận, bày bố trận pháp không phải để phô trương quân lực của mình với kẻ thù mà là bố trí trận pháp như thế nào để đánh cho thắng, đánh sao cho ít tổn thất nhất.
Từ bốn điều về binh vận nêu ở trên Bích Châu nhắc nhở vua rằng việc chọn tướng cốt người thao lược chứ không phải vì kiêng nể mà chọn con ông
cháu cha. Qua kế sách của Bích Châu, có thể nói bà là người phụ nữ có tầm nhìn. Nhìn về thời kỳ chống Nguyên - Mông của nhà Trần, các vị vua Trần giữ được đất nước là do chọn được tướng tài mà rất nhiều tướng không phải là người dòng họ Trần.
Nguyễn Thị Bích Châu sáng suốt khi nhìn nhận rằng chọn và dùng người cần coi trọng phẩm chất, năng lực. Chọn người cũng không cần nhìn vào gia thế, xuất thân. Chính cách chọn người công tâm và trọng năng lực của bà sẽ giúp vua chọn được những người thực sự có tài để chỉnh đốn lại đất nước.
Bài học hành chính, tham nhũng
Như đã đề cập ở phần bối cảnh lịch sử thời Trần, sau những võ công oanh liệt thuở “Hào khí Đông A”, nhà Trần bắt đầu rơi vào thời kì khủng hoảng triền miên của một chế độ quý tộc nông nô đã trở nên lạc hậu với sự phát triển của xã hội. Chế độ trang ấp giai đoạn đầu có phát huy tác dụng như mở rộng được diện tích đất đai, tạo nên tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm nhưng càng về sau chính điền trang lại kìm hãm sức sản xuất của xã hội. Trong triều đình nhà Trần lại lục đục, bọn nịnh thần tham nhũng hoành hành. Nhân dân không còn tin tưởng vào triều đình như trước, giặc cướp nổi lên khắp nơi.
Giai đoạn trước đó, tham quan nịnh thần trong triều đình đã trở thành một vấn nạn. Thời vua Trần Dụ Tông Chu Văn An đã bất bình tới mức dâng thất trảm sớ đề nghị chém 7 tên nịnh thần nhưng nhà vua không nghe nên ông từ quan lui về ở ẩn. Suốt từ thời vua Trần Dụ Tông cầm quyền đến thời vua Trần Duệ Tông thì nước ta trượt dài trên con đường khủng hoảng, không có vị vua nào đủ năng lực và sáng suốt để vực dậy triều đại này.
Tiêu biểu là sự kiện năm 1376, chúa Chiêm là Chế Bồng Nga mang quân xâm lấn. Duệ Tông đã sai Đỗ Tử Bình đi đánh Chế Bồng Nga sợ hãi xin dâng mười mâm vàng tạ tội. Thế nhưng Tử Bình lại giấu vàng đi không những thế ông ta còn tâu về triều rằng chúa Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Chính sự
kiện này cũng thể hiện ngay những quân thần nhà vua tin tưởng nhất cũng vì tham những, vì quyền lợi riêng mà gây ra mối hậu họa cho vua. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ngay cả những người thân tín bên vua cũng không thể tin tưởng. Vậy thì thử hỏi nạn tham những này còn gây ra những tai họa tới đâu.
Thấy được thực trạng đó, Nguyễn Thị Bích Châu đã tỏ ý nhắc nhở vua
Trần Duệ Tông. Điều này thể hiện rõ qua điều 3 và điều 4 của bản Kê minh
thập sách: “ngăn chặn lũ lộng quyền để phòng chính sự sâu mọt”; “thải loại bọn tham nhũng để trừ tệ đục khoét của dân”.
Khi nói về nạn tham nhũng, Nguyễn Thị Bích Châu dùng những từ rất đắt như “lộng quyền” và “đục khoét”. Nhìn nhận một cách khách quan ta có thể thấy lúc này vương quyền đã không còn tập trung duy nhất vào tay vua, nội bộ triều đình đã bị chia thành nhiều phe phái khác nhau và tất cả những phe phái này đều lợi dụng việc nhà vua bỏ bê chính sự, ra sức lộng quyền, hạch sách bóc lột nhân dân, làm cho thế lực của mình ngày càng lớn mạnh lên và mục đích cuối cùng đó là lật đổ ngôi vua để chiếm lấy ngai vàng. Chính vì vậy để có thể yên tâm lo chuyện chính sự và cũng cố lại vương quyền vào tay vua thì trước hết phải ngăn chặn cho bằng được lộng quyền.
Trong triều các phe phái nổi lên, ra sức lộng quyền dẫn đến việc hình thành một đội ngũ quan tham. Nếu như vua quan ngày trước luôn hướng về dân, lo cho dân từng bữa cơm giấc ngủ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của muôn dân bách tính, thì giờ này, quan lại nổi lòng tham không đáy, chỉ chăm chăm làm sao vét cho hết của dân để làm đầy túi mình. Người dân khi ấy gặp phải thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, mất mùa. Những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết đã khiến cho người nông dân vốn sống vào nghề nông “trông trời, trông đất, trông mây” lâm vào cảnh đói nghèo. Vua quan đã chẳng thể nhìn thấu, không đưa ra được những biện pháp để giúp dân vượt qua khó khăn. Lại
tăng thêm sưu, thêm thuế, khiến cho đời sống của người dân vốn đã khó khăn nay lại bị đẩy vào ngõ cụt.
Đói nghèo sinh ra hàng loạt những rối ren. Trộn cướp nổi lên khắp nơi, người dân bỏ xứ đi tha hương cầu thực. Cuộc sống bế tắc, người dân sinh lòng oán hận, họ nổi lên đấu tranh, chống lại bọn quan tham, chống lại triều đình. Kinh tế nghèo nàn lạc hậu, đời sống nhân dân khó khăn, trộm cướp khắp nơi, phong trào nông dân phát triển mạnh mẽ. Tất cả đã phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội rối ren của nhà Trần lúc bấy giờ. Để có được một đất nước