Các yếu tố quá trình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí đào tạo giáo viên trung học phổ thông theo tiếp cận quản lí chất lượng tổng thể tại trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh​ (Trang 37 - 39)

a. Quá trình giảng dạy của giảng viên

Trong ĐT GVTHPT, người giảng viên là chủ thể, cùng với người học giữ vai trò chủ đạo trong ĐT GVTHPT. Hoạt động dạy của giảng viên có ý nghĩa quyết định mức độ đạt được mục tiêu đào tạo và CĐR đối với mỗi ngành đào tạo.

Quá trình giảng dạy của giảng viên trong ĐT GVTHPT bao gồm một số hoạt động cụ thể sau đây: (1) Tham gia phát triển đề cương chi tiết các học phần trong CTĐT GV THPT); (2) Lựa chọn giáo trình hoặc soạn giáo trình mới, sưu tầm tài liệu tham khảo cho các học phần mà người giảng viên đảm nhận giảng dạy theo đề cương chi tiết đã có; (3) Thiết lập kế hoạch giảng dạy (giáo án) theo đề cương chi tiết học phần mà giảng viên đã đảm nhận trong quá trình triển khai khóa đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học; (4) Giảng dạy lí thuyết trên lớp, hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tế (đối với các học phần yêu cầu thực hành, thực tế) theo kế hoạch giảng dạy (giáo án) học phần; (5) Tham gia hướng dẫn sinh viên TTSP tại trường THPT theo kế hoạch trong quá trình triển khai khóa đào tạo; (6) Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong quá trình học tập và sau khi kết thúc học phần mà giảng viên đã đảm nhận giảng dạy; (7) Nghiên cứu khoa học giáo dục và ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học giáo dục vào giảng dạy học phần.

b. Quá trình học của sinh viên

Trong ĐT GVTHPT, người học là đối tượng vừa là chủ thể với vai trò chủ động, sáng tạo tiếp thu các tri thức khoa học sư phạm do người giảng viên truyền thụ trong quá trình đào tạo. Hoạt động học của người học có ý nghĩa quyết định mức độ đạt được CĐR đã được xác định đối với mỗi ngành đào tạo. Đối với ĐT GVTHPT, người

học phải chủ động, sáng tạo, tích cực trong cách tiếp cận nội dung, chương trình và định hướng phát triển năng lực của bản thân người học.

Quá trình học của sinh viên trong đào tạo GVTHPT bao gồm một số hoạt động cụ thể sau đây: (1) Thiết lập kế hoạch học tập cá nhân đối với học phần thuộc chương trình đào tạo theo học kì, năm học và khóa học phù hợp với kế hoạch khóa học của trường; (2) Học tập trên lớp (lí thuyết, thực hành), tự học, tự nghiên cứu đối với mỗi học phần trong CTĐT theo đúng các quy định của trường; (3) Tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục, hội thi nghiệp vụ sư phạm của trường; (4) Tham gia vào các hoạt động truyền thống, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội ở trường, địa phương; (5) Tự đánh giá về kết quả học tập, rèn luyện của bản thân theo các tiêu chí đã xác định trong CĐR của ngành đào tạo đã được nhà trường công bố.

c. Quá trình thực tập sư phạm của sinh viên

Thực tập sư phạm được xem là giai đoạn cuối cùng của một quy trình đào tạo GV THPT, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành những niềm tin, kĩ năng, kiến thức cũng như lòng yêu nghề của mỗi sinh viên.

TTSP là hình thức tổ chức đưa sinh viên sư phạm về các trường THPT để SV vận dụng tri thức chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học sư phạm đã được học ở trường sư phạm, tập làm các công việc của một giáo viên, qua đó củng cố, trau dồi thêm về chuyên môn, nghiệp vụ, tình cảm và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. (Mỵ Giang Sơn, 2014).

TTSP là hoạt động đặc thù của đào tạo giáo viên nói chung và của đào tạo GVTHPT nói riêng. Thông qua quá trình TTSP giúp sinh viên: (1) Nắm vững những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người giáo viên, trên cơ sở đó phấn đấu để làm tốt vai trò người giáo viên; (2) Tạo điều kiện cho sinh viên chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức đã học và rèn luyện các kĩ năng giáo dục và dạy học, thực hiện độc lập các nhiệm vụ và các hoạt động của người giáo viên trong thực tế trường thực tập, từ đó hình thành năng lực sư phạm; (3) Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức và lòng yêu nghề cho SV; (4) Giúp các trường sư phạm tự kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo.

Quá trình TTSP bao gồm các công việc sau: (1) Xây dựng chương trình TTSP, trong đó xác định rõ nội dung, hình thức tổ chức, thời gian, phương thức kiểm tra đánh giá quá trình TTSP; (2) Xây dựng quy định, xác định các điều kiện đảm bảo về năng lực của sinh viên tham gia TTSP; (3) Xây dựng mối quan hệ với các trường THPT (nơi sinh viên thực hiện hoạt động TTSP); (4) Sinh viên thực hiện TTSP tại các trường THPT; (5) Giảng viên dự giờ TTSP của sinh viên; (6) Đánh giá kết quả TTSP của sinh viên; (7) Tổng kết, xác định các cải tiến thích hợp cho kì TTSP sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí đào tạo giáo viên trung học phổ thông theo tiếp cận quản lí chất lượng tổng thể tại trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh​ (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)