Đa dạng về dạng sống của thực vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đa dạng hệ thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên bát xát, tỉnh lào cai (Trang 47 - 52)

Một quần xã thực vật được đặc trưng về mặt cấu trúc bởi các dạng sống của các loài cấu thành hệ thực vật đó. Mỗi loài đều có những đặc điểm hình thái nhất định phân biệt với các loài khác, đó chính là kết quả của quá trình tiến hoá, quá trình biến đổi lâu dài thích nghi với điều kiện ngoại cảnh. Vì thế, đối với một khu hệ thực vật thì việc lập phổ dạng sống là rất quan trọng, nó giúp cho việc xác định cấu trúc hình thái của hệ và từ đó đưa ra những biện pháp tối ưu trong công tác bảo tồn và khai thác.

Áp dụng có biến đổi hệ thống phân loại dạng sống của Raunkiear (1934) với sự chỉnh cửa của N. N. Thìn (2007) khi phân tích phổ dạng sống của HTV Khu BTTN Bát Xát, tổng số loài ở Khu BTTN Bát Xát là 972 loài, tác giả đã xác định được kiểu dạng sống của 962 loài, còn 10 loài chưa rõ thông tin, tác giả đã thu được kết quả như sau:

Trong số 962 loài đã xác định được dạng sống, nhóm cây chồi trên (Ph) chiếm ưu thế với tỷ lệ 80,87%, tiếp đến là nhóm cây chồi nửa ẩn (Hm) với tỷ lệ 6,76%, tập trung chủ yếu vào các họ Araceae, Orchidaceae, Musaceae hay các đại diện thuộc ngành Polypodiophyta như họ Adiantaceae, Aspleniaceae, Pteridaceae, Polypodiaceae,...; nhóm cây chồi ẩn (Cr) tỷ lệ 4,99%, tập trung chủ yếu vào các họ Zingiberaceae, Poaceae, Cyperaceae; nhóm cây một năm (Th) tỷ lệ 4,57%, tập trung chủ yếu vào các họ Poaceae, Asteraceae, Brassicaceae, Scrophulariaceae; nhóm cây chồi sát đất (Ch) tỷ lệ 2,81%, tập trung chủ yếu vào các họ thuộc lớp Hành như Convallariaceae, một số đại diện thuộc ngành Dương xỉ (Polypodiophyta),...

Từ kết quả thu được, tác giả lập phổ dạng sống cho hệ thực vật này như sau: SB = 80,87 Ph + 2,81 Ch + 6,76 Hm + 4,99 Cr + 4,57 Th

Như vậy, nhóm chồi trên đất có số lượng loài lớn nhất là 778 loài, chiếm 80,87% tổng số loài của toàn khu HTV giữ vai trò ưu thế nổi trội so với các nhóm cây chồi khác, tiếp theo là nhóm chồi nửa ẩn (Hm) với 6,76%; Các nhóm chồi khác đều chiếm tỷ lệ thấp tương tự, thường dưới 5%, như nhóm chồi sát đất (Ch), chồi ẩn (Cr), cây một năm (Th) (Bảng 3.10 và Hình 3.6).

Bảng 3.10. Thống kê các dạng sống của các loài trong HTV Khu BTTN Bát Xát

Ký hiệu Dạng sống Số lượng Tỷ lệ % Ph Chồi trên 778 80,87 Ch Chồi sát đất 27 2,81 Hm Chồi nửa ẩn 65 6,76 Cr Chồi ẩn 48 4,99 Th Cây một năm 44 4,57 Tổng 962 100

Hình 3.6. Biểu đồ phổ dạng sống cơ bản của HTV Khu BTTN Bát Xát

Phân tích kỹ hơn về nhóm cây chồi trên (Ph), gồm những cây gỗ hay dây leo gỗ kể cả cây bì sinh, ký sinh và bán ký sinh có chồi cách mặt đất từ 25 cm trở lên, đây được coi là "xương sống" của một HTV, tác giả nhận được kết quả thể hiện ở Bảng 3.11 và Hình 3.11.

Bảng 3.11. Thống kê các dạng sống của các loài thuộc nhóm cây chồi trên Dạng

sống

Mg Me Mi Na Ep Suc Lp Hp Pp Tổng số

Số loài 37 80 143 207 66 2 80 155 8 778

Tỷ lệ % 4,76 10,28 18,38 26,61 4,48 0,03 10,28 19,92 1,03 100

Từ kết quả thu được trong Bảng 3.11, tác giả lập phổ dạng sống cho nhóm cây chồi trên (Ph):

Ph = 4,76 Mg + 10,28 Me + 18,38 Mi + 26,61 Na + 4,48 Ep + 0,03 Suc + 10,28 Lp + 19,92 Hp+ 1,03 Pp

Như vậy, trong nhóm cây chồi trên, nhóm cây chồi lùn (Na) chiếm tỷ lệ cao nhất 26,61% số loài trong dạng sống Ph, tương đương 21,52% số loài trong toàn hệ thực vật đã thống kê kiểu dạng sống. Thuộc nhóm này chủ yếu là những loài thuộc các họ Đơn nem (Myrsinaceae), họ Vang (Caesalpiniaceae), họ Mua (Melastomataceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Cà phê (Rubiaceae),…

Hình 3.7. Biểu đồ tỷ lệ % của các nhóm cây chồi trên (Ph)

Tiếp theo là nhóm cây chồi trên thân thảo (Hp) chiếm tỷ lệ 19,92% số loài trong dạng sống Ph (thuộc các họ Asteraceae, Orchidaceae, Urticaceae, Lamiaceae,..); nhóm tiếp theo là nhóm cây chồi trên nhỏ (Mi) chiếm 18,38% Ph, tương đương 14,86% số loài trong toàn hệ (thuộc các họ Aquifoliaceae, Euphorbiaceae, Myrtaceae, Rutaceae, Theaceae, Symplocaceae, Ebenaceae); nhóm cây chồi vừa (Me) chiếm tỷ lệ chiếm 10,28% Ph (thuộc các họ Anacardiaceae, Lauraceae, Elaeocarpaceae, Mimosaceae, Sapotaceae, Magnoliaceae, Styracaceae); nhóm cây leo (Lp) chiếm tỷ lệ 13,12% Ph (thuộc các họ Vitaceae, Asclepiadaceae, Caesalpiniaceae, Menispermaceae, Fagaceae,..); nhóm cây chồi lớn (Mg) chiếm tỷ lệ 4,76% Ph (các đại diện thuộc ngành Thông như các họ Cupressaceae, Pinaceae, Podocarpaceae; các họ Aceraceae, Anacardiaceae, Fagaceae, Hamamelidaceae,...); nhóm cây bì sinh (Ep) chiếm tỷ lệ 4,48% Ph (thuộc các họ Araceae, Orchidaceae, Các đại diện thuộc ngành Dương xỉ như họ Polypodiaceae,...); nhóm cây kí sinh và bán kí sinh (Pp) chiếm tỷ lệ 1,03% Ph (các loài thuộc họ Loranthaceae,...); và thấp nhất là nhóm cây mọng nước (Suc) chiếm tỷ lệ 0,03% Ph.

Qua đây, có thể thấy rằng nhóm cây có chồi lùn (Na) chiếm tỷ lệ cao nhất 26,61% Ph; tiếp đến là các nhóm cây chồi trên thân thảo sống lâu năm (Hp) với 19,92% Ph, chồi trên nhỏ (Mi) 18,38% Ph và tiếp theo là nhóm chồi trên vừa (Me) 10,28% Ph có tỷ lệ thấp hơn. Có thể thấy, tổng số tỷ lệ % của cả 2 nhóm chồi lùn và chồi trên nhỏ (cao từ 8 m trở xuống Na + Mi) đạt tới hơn 40% Ph (26,61% + 18,38%), thể hiện sự ưu thế của 2 nhóm chồi này tại Khu BTTN Bát Xát. Điều này cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu bảo tồn, nơi có độ cao so với mực nước biển tương

đối lớn, địa hình khu vực nghiên cứu tương đối phức tạp, được kiến tạo bởi nhiều dải

núi cao, chia cắt mạnh, độ dốc lớn (trung bình từ 20-250), có hướng thấp dần về phía

Đông Nam. Điểm cao nhất có độ cao 3.059 m thuộc xã Trung Lèng Hồ, trên ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, điểm thấp nhất có độ cao 700 m, độ cao trung bình từ 1.200-1.800 m, do vậy thảm thực vật nơi đây ưu thế bởi các loài có chồi trên nhỏ và chồi lùn. Nhóm cây có chồi lớn và chồi nhỡ (Me+Mg) cao từ 8 m trở lên có tổng số là khoảng 15% Ph (10,28 + 4,76). Đây là nhóm cây được coi là quan trọng, đại diện cho nguồn tài nguyên về trữ lượng gỗ, tỷ lệ này nhỏ hơn so với nhóm cây Mi và Na, cho thấy hiện trạng rừng ở nơi đây bên cạnh địa hình phức tạp thì cũng đã ít nhiều bị tác

động. Điều này được minh chứng trong “ Dự án xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Bát

Xát, tỉnh Lào Cai” trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong những năm gần đây do sự phát triển của đô thị, công nghiệp hóa, sức ép gia tăng dân số... đã có nhiều tác động làm ảnh hưởng đến khu vực; do vậy, chất lượng rừng trong vùng đang có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng. Giá trị bảo tồn sẽ mất đi nếu không xây dựng một cơ sở pháp lý chắc chắn, rõ ràng và cụ thể để bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có này, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh Dền Sáng - Y Tý - Trung Lèng Hồ,...

Nếu đem so sánh cấu trúc phổ dạng sống của HTV Khu BTTN Bát Xát với phổ

dạng sống tiêu chuẩn của Raunkiaer lập cho hơn 1000 loài cây ở các vùng khác nhau trên trái đất (SN = 46 Ph + 9 Ch + 26 Hm + 6 Cr + 13 Th) và phổ dạng sống của một số nơi như HTV VQG Hoàng Liên, HTV Cúc Phương, HTV Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn, chúng tôi thu được kết quả thể hiện ở Bảng 3.12 và Hình 3.8.

Bảng 3.12. So sánh cấu trúc phổ dạng sống của HTV Khu BTTN Bát Xát với HTV VQG. Hoàng Liên, VQG Cúc Phương, Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn,

HTV Việt Nam và phổ tiêu chuẩn của Raunkiaer hiệu HTV Bát Xát HTV Hoàng Liên (1) HTV Cúc Phương(2) HTV Hoàng Liên – Văn Bàn (3) HTV Việt Nam (4) Raunkiaer (5) Ph 80,87 79,26 57,78 73,03 54,68 46 Ch 2,81 7,82 10,46 7,89 10 9 Hm 6,76 1,43 12,38 3,55 21,41 26 Cr 4,99 5,06 8,37 5,60 10,66 6 Th 4,57 6,44 11,01 7,73 5,67 13

Ghi chú: (1),(5): Nguyễn Nghĩa Thìn và cộng sự, 2008; (2): Phùng Ngọc Lan và cộng sự, 1996; (3): Đặng Quốc Vũ, 2011; (4): Lê Trần Chấn và cộng sự, 1999.

Qua Hình 3.8, chúng tôi thấy rõ sự ưu thế nổi trội thuộc về nhóm chồi trên mặt đất (Ph) nhưng ưu thế này cao hơn cả phổ tiêu chuẩn, đặc biệt là ở HTV Khu BTTN Bát Xát, HTV VQG Hoàng Liên, HTV Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn có phần lớn hơn phổ tiêu chuẩn và của Việt Nam khá nhiều. Tỷ lệ Ph ở Khu BTTN Bát Xst gần tương đương với tỷ lệ Ph tại VQG Hoàng Liên (Vườn quốc gia cùng trong tỉnh Lào Cai); còn nhóm chồi trên của HTV VQG Cúc Phương thì có tỷ lệ gần tương đương với của Việt Nam với tỷ lệ tương ứng là 57,78 (Cúc Phương) và 54,68 (Việt Nam). Các nhóm cây còn lại Ch, Hm, Cr, Th của Khu BTTN Bát Xát gần tương đương với HTV Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn.

Hình 3.8. Biểu đồ so sánh cấu trúc phổ dạng sống của HTV Khu BTTN Bát Xát với phổ tiêu chuẩn của Raunkiaer, HTV VQG Hoàng Liên, VQG Cúc Phương, Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đa dạng hệ thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên bát xát, tỉnh lào cai (Trang 47 - 52)