Đặc điểm phân bố theo không gian của lượng mưa trên khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đánh giá một số đặc trưng khí hậu vùng đông bắc (Trang 75 - 79)

4. Bố cục của luận văn

3.2.3. Đặc điểm phân bố theo không gian của lượng mưa trên khu vực

Đặc điểm phân bố theo không gian của lượng mưa năm (Hình 3.27):

Như đã phân tích trên, lượng mưa năm và tháng ở khu vực Đông Bắc có sự khác nhau giữa các trạm. Trong đó, lượng mưa lớn hơn rõ ràng nhất là tại trạm các trung tâm mưa lớn; và thấp hơn đáng kể ở các trung tâm mưa nhỏ. Hình 3.27 cho thấy, điểm nổi bật nhất là các trung tâm mưa lớn: 1) Sa Pa (Lào Cai); 2) Bắc Quang (Hà Giang); 3) Tam Đảo (Vĩnh Phúc); 4) Móng Cái - Quảng Hà (Quảng Ninh). Trong đó, tâm mưa lớn ở Bắc Quang mở rộng ra khắp khu vực Nam Hà Giang, với tổng lượng mưa năm từ 3.200 đến trên 4.400mm. Tâm mưa lớn Sa Pa mở rộng dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn, với lượng mưa năm phổ biến trên 2.400mm. Tâm mưa ở khu vực Quảng Ninh có lượng mưa phổ biến trên 2400mm. Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy trung tâm mưa tại Tam Đảo, với lượng mưa khoảng 2.000 đến 2.400mm. Xen kẽ giữa hai vùng mưa lớn phía Tây (dãy Hoàng Liên Sơn và Bắc Quang) và phía Đông (Quảng Ninh), là khu vực rộng lớn có lượng mưa thấp, phổ biến dao động từ 1.200 đến 1.600mm (bao gồm các địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang) và một vùng nhỏ thuộc Văn Chấn – phía Tây Phú Thọ.

Đặc điểm phân bố theo không gian của lượng lượng mưa mùa mưa:

Trong các tháng mùa mưa, có sự gia tăng lượng mưa rất rõ ràng so với các tháng mùa khô. Tổng lượng mưa các tháng mùa mưa dao động từ 1.007,1 mm (tại trạm Nguyên Bình) đến 4.044,9 mm (tại trạm Bắc Quang). Nhìn chung, sự phân hóa theo không gian của lượng mưa mùa mưa là rõ ràng, tương tự như phân bố của lượng mưa năm. Trong đó, phân bố theo không gian cũng thể hiện rõ sự phân chia thành các vùng lượng mưa lớn (>2.000mm) và lượng mưa nhỏ (dưới 2.000mm) tương tự như phân bố trong lượng mưa năm.

Đặc điểm phân bố theo không gian của lượng mưa mùa ít mưa:

Tổng lượng mưa mùa khô ở khu vực Đông Bắc là rất thấp, dao động từ 229,7mm (tại trạm Cô Tô ) đến 682,0mm (tại trạm Bắc Quang). Phân bố theo không gian của lượng mưa mùa khô là khá đồng đều nhau trên khu vực. Tuy nhiên, điểm nổi bật là khu vực Bắc Quang, khu vực Tây Bắc Lào Cai và Tam Đảo, có lượng mưa vượt trội so với các khu vực lân cận. Trung bình khu vực Đông Bắc, lượng mưa mùa khô khu vực là 314,4mm, chiếm khoảng 17,1% của tổng lượng mưa năm.

Từ kết quả này cho thấy, lượng mưa (năm, mùa khô và mùa mưa) ở khu vực Đông Bắc có sự phân hóa rõ ràng theo không gian. Trong đó, các tâm mưa lớn đáng chú ý là: (1) Bắc Quang, (2) Sa Pa; (3) Tam Đảo; (4) Khu vực ven biển Quảng Ninh. Ngược lại, các khu vực có lượng mưa thấp: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam huyện Văn Chấn (Yên Bái) một phần phía Tây tỉnh Phú Thọ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đánh giá một số đặc trưng khí hậu vùng đông bắc (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)