của địa phương
2.3.3.1. Tác động tích cực
* Chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hoá
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2017, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng 79,9%, không tăng, không giảm so năm 2017, ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 17,6%, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng
2,5% (Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, 2017a).
* Hình thành hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp và phát triển đô thị
Trong thời gian qua, cùng với việc phát triển các KCN, hệ thống hạ tầng kĩ thuật của huyện Bình Chánh có bước phát triển mạnh mẽ.
- Về việc hình thành các đô thị mới, cùng với sự phát triển các KCN thì hiện nay trên địa bàn huyện Bình Chánh đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Nam Phong Eco Park, khu đô thị An Hạ Lotus, khu đô thị Phong Phú, khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Việt Phú Garden, khu đô thị Newlife Bình Chánh, khu đô thị Dương Hồng Garden House, khu đô thị Đại Phúc Green Villas, khu đô thị An Lạc Residence, khu đô thị Investco Green City...Bên cạnh đó còn có các khu chức năng khác của đô thị góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh hơn và hoàn thiện đô thị.
- Hệ thống điện ổn định, đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất. Nguồn cung cấp điện từ đường dây 110 KV từ các trạm Phú Lâm, Lê Minh Xuân; địa bàn gần nguồn điện cao thế từ Phú Lâm, hiện nay huyện đang đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến điện trung thế và phát triển thêm mạng lưới điện hạ thế để cung cấp điện theo nhu cầu.
- Hệ thống cấp nước đã từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của các KCN và của dân cư đô thị. Hiện nay, Bình Chánh có 2 nguồn cấp nước chính là nước từ Thành Phố do công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn quản lý và nước ngầm. Các KCN có các trạm cấp nước đảm bảo cung cấp nước đủ cho các KCN.
- Bưu chính, viễn thông từ chỗ lạc hậu về kĩ thuật, đến nay đã có thay đổi rất đáng kể; huyện đã có hệ thống đường truyền tốc độ cao ADSL, mạng lưới bưu điện phủ khắp huyện; số thuê bao điện thoại ngày càng tăng.
- Hệ thống giao thông phát triển nhanh và ngày càng thông suốt; từ một huyện thuần nông đến nay các tuyến đường trong huyện Bình Chánh đã được
nhựa hóa và có đường ô tô đến các trung tâm hành chính các xã, thị trấn; nhiều KCN đã xây dựng các con đường nhựa lớn trong khu để kêu gọi các nhà đầu tư.
* Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghiệp của địa phương
Dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và các KCN có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút được nguồn vốn đầu tư. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong KCN tiếp thu công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới.
* Tạo việc làm, đào tạo tay nghề, tăng thu nhập cho người lao động
Hàng năm số lao động được giải quyết việc làm khoảng trên 5.000 người. Từ khi thành lập cho đến nay các KCN đã tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 60.000 lao động, tác động tích cực đến việc thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn. Lao động làm việc tại các KCN Bình Chánh phần lớn là lực lượng lao động trẻ độ tuổi trung bình từ 18 - 25 tuổi, chủ yếu là dân từ các nơi khác đến (chiếm 70 % tổng số lao động làm việc tại các KCN) và trước đó hầu như không có nghề (vừa tốt nghiệp phổ thông thậm chí chưa tốt nghiệp nhưng không có điều kiện để theo học các chương trình học vấn cao hơn) hoặc làm các nghề lao động giản đơn, theo vụ mùa. Chính vì thế sự ra đời các KCN Bình Chánh với các nhà máy, xí nghiệp đã tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho người lao động, giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Người lao động còn được đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau: may mặc, điện tử, hàn, tiện...dần dần nâng cao trình độ tay nghề. Có thể coi quá trình đào tạo tại DN là quá trình đào tạo nghề nhanh nhất, hiệu quả nhất vì người lao động được thực hành và ứng dụng ngay các trang thiết bị máy móc bên cạnh việc chỉ dẫn các thao tác và lý thuyết từ chính cán bộ quản lý, chuyên gia tại DN. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN là động lực để người lao động phấn đấu học tập, rèn luyện tay nghề. Đa số người lao động nhập cư đều có xu hướng theo học các lớp ban đêm để nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề nhằm cải thiện thu nhập.
* Góp phần phát triển quan hệ hợp tác trong nước và nước ngoài
Quá trình xây dựng và phát triển các KCN, Bình Chánh có quan hệ gắn kết với các địa phương khác trong thành phố và vùng KTTĐPN, tham dự các chương trình hợp tác bảo vệ nguồn nước ở các kênh rạch, phát triển tổng thể quy hoạch vùng, cũng như dự kiến hình thành các khu đô thị, các công trình dịch vụ phục vụ chung cho toàn vùng…Ngoài ra nhằm đẩy nhanh quá trình thu hút vốn đầu tư và phát triển. Bình Chánh, được sự chấp thuận của Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh, huyện đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với một số tỉnh, thành phố trong khu vực và một số nước trên thế giới. Nội dung quan hệ chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và bảo vệ môi trường.
Các DN trong KCN đã góp phần vào sự hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nước ta thực hiện chính sách mở cửa và đang trong quá trình hội nhập, do vậy Chính phủ nói chung và chính quyền địa phương Bình Chánh nói riêng không ngừng cải thiện môi trường pháp lý để thu hút đầu tư.
Mặt khác, việc phát triển các KCN ở Bình Chánh cũng đã tạo điều kiện phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại phục vụ KCN như nhà ở, ăn uống, chợ, phát triển tiểu thủ công nghiệp….và làm gia tăng giá trị đất của địa phương. Bình Chánh ngày nay đã thành một địa danh nổi tiếng với hàng loạt các KCN và một khu đô thị mới là một trong những địa chỉ được các nhà đầu tư quan tâm.
2.3.3.2. Tác động tiêu cực
Bình Chánh có sự phát triển mạnh về công nghiệp, ngành công nghiệp ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, các khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp đã, đang và sẽ xây dựng làm kinh tế Bình Chánh phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh những hiệu quả kinh tế đem lại của các KCN thì việc phát triển các KCN hiện nay ở Bình Chánh đang có nhiều vấn đề đặt ra, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết vấn đề lao động và việc
làm, vấn đề nhà ở cho các công nhân, việc xử lí nước thải, công tác đền bù, giải tỏa,…
* Ô nhiễm môi trường trong và ngoài KCN
Hiện nay, cùng với việc phát triển các KCN tại huyện Bình Chánh thì Bình Chánh còn nằm ở vị trí hạ nguồn của các con kênh, con mương, ở nơi đây chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Nước thải sinh hoạt và nước thải KCN xả vào các mương, rạch và tự thấm không qua xử lý làm ô nhiễm nước kênh, rạch và nước sông. Hệ thống khu thu gom và xử lý rác thải cho toàn địa bàn chưa hình thành, các KCN chưa có khu xử lý rác, DN tự xử lý bằng cách đốt tại chỗ hoặc bán kèm phế liệu gây tác động không nhỏ đến vệ sinh môi trường.
Thực tế cho thấy việc xử lý nước thải trong các KCN Bình Chánh gặp rất nhiều khó khăn do công trình xử lý nước thải thường xây dựng sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có KCN thu hút được rất nhiều nhà máy hoạt động nhưng vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải. Việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và xử lý môi trường ở các KCN ở Bình Chánh chưa theo kịp tốc độ phát triển, dẫn đến không ít bất cập, trong đó đáng kể là vấn đề thoát nước thải công nghiệp ở các KCN và cho cả huyện Bình Chánh tương lai. Giữa các KCN của Bình Chánh ngay từ đầu không có một quy hoạch chung về hệ thống thoát nước, hầu như mỗi đơn vị kinh doanh hạ tầng khi được giao đất xây dựng KCN đều đi theo hướng thoát nước riêng. Sau thời gian dài các KCN hoạt động, nhiều khu vực dân cư, sông suối bị ô nhiễm và ngập úng cục bộ. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi nhà máy khi đầu tư vào KCN tập trung đều phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ; các công ty kinh doanh hạ tầng KCN trước khi kêu gọi đầu tư phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; khi lấp đầy 30% diện tích thì hệ thống xử lý nước thải tập trung phải đi vào hoạt động. Sau năm 2007, các KCN phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung song hành với các hạng mục
công trình hạ tầng khác (dù là xây dựng cơ bản) mới được phép kêu gọi đầu tư. Quy định là thế, nhưng thực tế, nhiều KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; có KCN lấp đầy đến 70 -80% diện tích vẫn chưa làm hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Hoặc một vài KCN, hệ thống nước thải tuy hoạt động ổn định, nhưng do tính toán và tiên lượng lượng nước thải chưa đúng với thực tế xả thải, dẫn đến hệ thống xử lý quá tải, hiệu quả xử lý không cao như hệ thống xử lý nước thải của KCN Vĩnh Lộc, KCN Lê Minh Xuân.
* Quá tải nhu cầu về lao động, nhà ở và dịch vụ cho người lao động
Hiện nay vấn đề thiếu hụt lao động làm việc trong các KCN nhất là lao động qua đào tạo có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao là vấn đề rất bức xúc của các DN. Khó khăn chung của DN hiện nay khi tuyển dụng lao động qua đào tạo tại các cơ sở là chất lượng và mức độ đáp ứng của người lao động đối với việc làm chưa cao
Dịch vụ nhà trọ cũng phát triển ngày một tăng, nhưng đến nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Trong tình hình hiện nay, nhà trọ do tư nhân xây dựng là một loại hình dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Qua khảo sát có thể thấy, loại nhà trọ này cực kỳ tạm bợ, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động, không có nơi vui chơi giải trí. Các yếu tố thiết yếu cho cuộc sống như diện tích, vệ sinh, môi trường, điện, nước đều thiếu thốn hoặc dưới mức tối thiểu làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công việc, đặc biệt là đảm bảo sức khoẻ để người lao động có thể làm việc lâu dài và tái sản xuất mở rộng sức lao động. Mặt khác, tình hình nhà ở như trên đã trở thành môi trường cho các loại tệ nạn xã hội phát triển như: tình hình trị an không đảm bảo, nạn trộm cướp xảy ra thường xuyên, quan hệ nam nữ thiếu lành mạnh, nạn cờ bạc hút chích diễn ra phổ biến…Ngoài ra do không thuê được nhà ở gần KCN nhiều người lao động buộc phải thuê nhà ở xa, thường xuyên phải đi sớm về muộn bằng các phương tiện tự có, chủ yếu là xe đạp và xe máy
nên phải tiêu tốn thêm khá nhiều chi phí, sức khoẻ và những rủi ro trên đường như tai nạn giao thông, bị trấn lột ..
* Vấn đề việc làm cho người bị thu hồi đất để xây dựng các KCN
Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, cứ trung bình một hộ nơi thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm trong nông nghiệp. Như vậy với việc quy hoạch 2214,97ha các KCN tập trung và 303ha khu tiểu thủ công nghiệp ở Bình Chánh thì sẽ có 36.509 người phải chuyển đổi nghề nghiệp, trong số đó hiện nay nhiều người vẫn chưa có có việc làm và rơi vào tình trạng thất nghiệp toàn phần.
Nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của nông dân bị thu hồi đất ở địa phương một phần là do sự phát triển của các KCN và thương mại - dịch vụ chưa đáp ứng đủ nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động. Sự phát triển của các KCN chưa gắn liền với công tác đào tạo nghề, chưa chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho người dân có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, bản thân của người lao động vốn có nhiều hạn chế về năng lực và trình độ văn hoá cũng như trình độ chuyên môn nghề nghiệp, chưa hình thành được tác phong công nghiệp nên không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Không ít người sau một thời gian được nhận vào làm việc tại các nhà máy, do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên buộc phải thôi việc và lại rơi vào tình trạng không có việc làm. Điều này gây khó khăn cho chính bản thân người lao động đồng thời cũng gây khó khăn cho các DN trong việc thu hút lao động và ổn định sản xuất.
* Việc đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng KCN còn chậm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân
Cho dù Nhà nước đã có chính sách đền bù cho các hộ bị lấy đất, song trong thực tế, khung giá đất nông nghiệp đã được Nhà nước quy định rất thấp,
còn giá các loại đất chuyên dùng lại rất cao, việc thực hiện chính sách giải tỏa, đền bù chưa được giải quyết một cách thỏa đáng nên người dân chưa thực sự sẵn sàng trả lại đất, thậm chí còn phản đối, khiếu kiện rất phức tạp, tập trung nhiều ở các KCN ở Bình Chánh. Bên cạnh đó việc chậm xây dựng các khu tái định cư đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN.
* Các tệ nạn xã hội
Huyện Bình Chánh đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về phát triển KCN. Phần lớn công nhân ở KCN từ khắp mọi miền tập trung về đây và hầu hết lại không đăng ký tạm trú. Các đối tượng phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội thì xem đó là cơ hội để "làm ăn", nổi lên là tình hình trộm cắp tài sản của các công ty và cướp giật tài sản. Bên cạnh đó, trật tự công cộng quanh các công ty, xí nghiệp rất phức tạp, nhất là vào thời điểm tan ca thường gây ra ùn tắc giao thông.
Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh và chỉ huy Công an huyện Bình Chánh rất quan tâm đến tình hình an ninh trật tự ở KCN và chỉ đạo cho Công an KCN phải chủ động phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn không để các hành vi phạm tội xảy ra, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tấn công truy quét liên tục các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội.
Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP HUYỆN BÌNH CHÁNH