VỌNG
Cha của Brooke là một tấm gương mà tôi đã may mắn được thấy nhiều lần ở các cá nhân và các gia đình phải đương đầu với khuyết tật hoặc bệnh tật. Thay vì tức giận hoặc cay đắng về tình trạng khuyết thiếu chân tay và những thách thức về thân thể khác khiến gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Craig Willisson đã đến gần Chúa hơn bao giờ hết.
“Trước kia tôi không chăm đi nhà thờ và cũng không phải là người có đức tin sâu sắc, nhưng chúng tôi đã đặt tên con gái mình là Brooke Diana Grace Willisson theo ân phước của Chúa. Sự ra đời của Brooke rõ ràng đã đưa tôi đến gần Chúa hơn và tôi có cơ hội quen biết nhiều người hơn – gia đình lớn của giáo xứ chúng tôi”, anh nói.
Brooke chào đời không dễ dàng gì. Mẹ của cô bé bị băng huyết. “Nhưng tôi đã thấy Chúa tới và làm cho mọi chuyện ổn cả”, Craig, người đã quyết định chịu lễ rửa tội khi vợ và con gái anh được về nhà khỏe mạnh, nói. “Tôi nghĩ Chúa đã thấy rằng Rachel và tôi là tuýp người có thể đương đầu với những khuyết tật của Brooke. Con gái tôi rõ ràng là một món quà tuyệt vời của Chúa. Từ khi con bé chào đời, Chúa đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Mới đây chúng tôi có hai “thiên thần” bất ngờ xuất hiện trong cộng đồng và đề nghị tài trợ kinh phí cho chúng tôi xây dựng một khu nhà phụ rộng rãi. Tôi cảm thấy Chúa đang đưa mọi người đến gần nhau hơn”.
Tôi giữ liên lạc với Brooke và cha mẹ của cô bé, và điều luôn khiến tôi ngạc nhiên về gia đình đó là họ rất vui vẻ. Tôi không kết luận như vậy một cách thiếu suy nghĩ đâu. Họ có những thách thức, chắc chắn rồi, nhưng phải gặp họ bạn mới hiểu được họ thực sự vui vẻ như thế nào. Brooke giống như một ngọn đèn tỏa sáng thu hút mọi người đến với mình, còn cha mẹ cô bé dường như luôn nâng niu cuộc sống của các con mình.
Vợ chồng Willisson đã biến niềm tin thành hành động trong cách họ đương đầu với những khuyết tật của Brooke. Họ đã chấp nhận rằng Chúa có một kế hoạch dành cho con gái của
họ, mặc dù họ không biết kế hoạch đó là gì. Họ nói việc theo dõi kế hoạch của Chúa dành cho tôi đã giúp ích cho họ rất nhiều. Họ biết kế hoạch của Chúa dành cho Brooke có thể hoàn toàn khác, nhưng mỗi ngày họ đều sống với lòng biết ơn và sự hài hước lành mạnh. Tại sao những người khuyết tật như Brooke hoặc những người mắc bệnh nan y có thể tìm thấy sự bình yên và thanh thản, tận hưởng những gì họ đang có trong cuộc sống, thậm chí vẫn có thể có những đóng góp tích cực cho đời mặc dù họ phải đối mặt với những thách thức của riêng mình? Phải chăng vì những người đó không cho phép các vấn đề về thể chất làm khuyết tật tinh thần của họ? Phải chăng họ đã chọn tập trung vào những gì tốt đẹp trong cuộc sống của họ thay vì những điều tồi tệ? Có lẽ vậy. Có lẽ họ đã quyết định buông bỏ những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, giận dữ, buồn sầu và để những vấn đề cho Chúa giải quyết. Hầu hết những người phải đấu tranh với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc những khuyết tật nặng nề hàng ngày, bằng cách nào đó, đều hành động theo niềm tin. Thường thì đó là niềm tin dành cho các bác sĩ và y tá của họ hoặc vào những loại thuốc mà họ đang dùng, vào các phương pháp điều trị và các thiết bị y tế. Chấp nhận sự chăm sóc y tế có thể được coi là một biểu hiện cho thấy bạn có niềm tin. Chúa đã mang đến cho bạn cơ hội được hưởng sự phục vụ của những con người tài năng, có chuyên môn. Nếu bạn khát nước, hiển nhiên bạn muốn làm dịu cơn khát, nhưng chắc chắn bạn sẽ dễ dàng chấp nhận một cốc nước được đưa cho bạn bởi một bàn tay ân cần, đúng không? Điều đó cũng giống như việc Chúa dẫn dắt bạn đi đến những quyết định khi bạn có niềm tin vậy.
Bạn không nhất thiết phải là một người sùng đạo mới có thể biến niềm tin thành hành động, nhưng là một người theo đạo Cơ Đốc, tôi phải nói rằng biết Chúa mạnh mẽ khi tôi yếu đuối khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản, và vui vẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn ước ao có được sự vui vẻ của Garry Phelps, người bạn mắc bệnh Down của tôi. Cậu ấy năm nay hai mươi lăm tuổi và là một trong những người truyền cảm hứng tuyệt vời nhất mà tôi biết. Một hôm Garry nghe mấy người bạn của gia đình nói về một đứa bé mới sinh được chẩn đoán mắc hội chứng Down. Một người trong số họ không biết rằng Garry đang nghe họ nói, đã buột miệng: “Ôi, như vậy thì buồn quá”. Garry nhảy lên và nói: “Ồ, cháu nghĩ như vậy thật tuyệt!”.
“Tại sao cháu lại nói thế, Garry?”, một người hỏi. “Bệnh Down đối với cháu nghĩa là gì mà cháu lại nói như vậy?”.
“Bệnh Down có nghĩa là chú yêu tất cả mọi người và chú không bao giờ làm tổn thương một ai!”, Garry đáp.
Bạn của tôi đã tìm thấy cái lợi, điểm tích cực trong tai ương nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Người ta nói rằng những người mắc hội chứng Down bị khuyết tật về mặt trí tuệ, tuy nhiên tôi phải nói rằng Garry có lẽ còn thông minh sáng suốt hơn nhiều người trong số chúng ta. Cậu đã chọn tập trung vào điều may trong cái rủi.
Garry sống hết mình và rất năng động, cậu viết văn, hát, thu âm các bài hát và tập thể thao mỗi ngày. Tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy “down”(1). Cậu yêu Chúa bằng cả trái tim mà không gợn chút hoài nghi, và tình yêu đó được bộc lộ một cách dễ dàng và thoải mái trong những lời cầu nguyện chân thành và rất ý nghĩa của cậu.