Nguồn cảm hứng lớn lao thứ hai mà tôi tìm thấy ở Liberia là một người phụ nữ giống như Mẹ Teresa, người lãnh đạo các hoạt động nhân đạo và là một người theo đạo Cơ Đốc có tầm ảnh hưởng lớn.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng người phụ nữ đó là một chính trị gia ở một đất nước nổi tiếng vì những nhà lãnh đạo tham nhũng. Thoạt đầu tôi cảnh giác, nhưng cũng giống như những người khác trên khắp thế giới, tôi nhanh chóng nhận ra rằng Ellen Johnson Sirleaf không giống như những bạo chúa và những thủ lĩnh quân phiệt tiền nhiệm của bà ở Liberia.
Năm 2005, người phụ nữ theo đạo Cơ Đốc từng tốt nghiệp Đại học Harvard được nhiều người gọi bằng cái tên trìu mến “Mẹ Ellen” đó đã trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên của Liberia sau khi đã bị người tiền nhiệm của bà bỏ tù hai lần. Khi đó bà cũng là người phụ nữ duy nhất giữ cương vị tổng thống ở châu Phi. Việc bầu bà vào chức tổng thống được ca ngợi là một bước tiến lớn của quốc gia đã tụt hậu ở mức đáng ngại này. Cựu Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ Laura Bush và cựu bộ trưởng ngoại giao Condoleezza Rice đã dự lễ nhậm chức của bà.
Vị nữ tổng thống mới có những nhiệm vụ khó khăn. Có lẽ bà đã hy vọng kiềm chế được nạn tham nhũng và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho một đất nước có tới 85% dân số thất
nghiệp, nhưng trước tiên bà phải làm cho những ngọn đèn bừng sáng. Sau nhiều năm chiến tranh, ngay cả thủ đô Monrovia cũng không có điện, không có nước máy và hệ thống nước thải.
Là con gái của một người Liberia bản địa đầu tiên được bầu vào cơ quan lập pháp, Tổng thống Sirleaf cũng tiếp nhận sự giáo dục trong hệ thống chính trị đầy biến động của đất nước bà. Bà đã nhận học bổng Quản lý nhà nước của trường Harvard Kennedy, một phần để tránh bị cầm tù vì hành động chống tham nhũng trong giới cầm quyền của Liberia. Trở về nước, bà bị bỏ tù hai lần vì tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng. Có lần bà phải trốn khỏi đất nước trong khoảng thời gian năm năm và làm việc trong hệ thống ngân hàng quốc tế. Sự kết thúc thời kỳ thống trị đẫm máu của nhà độc tài Charles Taylor bắt đầu khi hàng nghìn phụ nữ Liberia mặc đồ màu trắng, do Sirleaf và nhà hoạt động xã hội Leymah
Gbowee dẫn đầu, tập trung tại một sân vận động ở Monrovia đòi hòa bình cho đất nước. Họ ở đó trong nhiều tháng, qua mùa hè nóng như thiêu đốt, qua cả những mùa mưa, thu hút sự chú ý của báo giới và khiến dư luận quốc tế quan tâm đến sự ngược đãi nhân quyền của chính phủ Taylor. Vào thời điểm đó, những người phản kháng tập hợp bên ngoài một
khách sạn có những tướng lĩnh của Taylor đang họp và không cho những người cầm đầu bộ máy quân sự đó rời khỏi khách sạn. Taylor cuối cùng buộc phải trốn ra nước ngoài. Ông ta bị bắt và bị Liên hiệp quốc xét xử như một tội phạm chiến tranh. Năm 2005 Sirleaf được bầu làm tổng thống của Liberia để tái lập hòa bình cho đất nước của bà.
Ba năm trước khi tôi gặp bà, đất nước Liberia vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau nhiều thập kỷ của bạo lực và sự bỏ mặc. Lần đầu tiên trong những năm dài tăm tối, người dân Liberia không còn bị chính phủ của họ đàn áp nữa. Vào thời điểm đó Liên hiệp quốc đang giúp họ duy trì hòa bình với một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm hơn mười lăm nghìn người.
Trong hai mươi lăm phút trò chuyện giữa tôi và bà Sirleaf tại văn phòng của tổng thống, tôi bị ấn tượng bởi sức mạnh và sự quan tâm của bà. Có một lý do khiến bà vừa được coi là “Người mẹ của Liberia” vừa được biết đến như một “Người đàn bà thép”. Tôi rất căng thẳng khi gặp bà bởi vì tôi chưa từng gặp mặt một người lãnh đạo quốc gia nào trước đó.
Tổng thống Sirleaf đón chào tôi chỉ vài ngày trước sinh nhật lần thứ bảy mươi của bà, và sự xuất hiện như một người bà cùng sự ấm áp toát lên từ đôi mắt của bà khiến tôi có cảm giác thoải mái và gần gũi ngay lập tức. Bà cũng nói cho tôi biết rằng bà nằm trong số 60% dân số Liberia theo đạo Công giáo. Bà được nuôi dưỡng để trở thành một người của Hội Giám lý và trong những năm thơ ấu bà đã theo học tại trường học của Hội Giám lý. Chúng tôi nói với nhau về niềm tin, và tôi có thể thấy rằng sức mạnh bên trong con người bà bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo.
Tôi không phải là một tổng thống, nhưng nếu tôi phục vụ quốc gia nào trong vai trò tổng thống thì tôi muốn được trở thành một vị tổng thống giống như bà.
Vì tôi đến đất nước của Tổng thống Sirleaf để diễn thuyết trước một số nhóm người, tổng thống đề nghị tôi khích lệ người dân Liberia tạo điều kiện cho con họ học hành và quay trở lại với đồng ruộng để cấy trồng, đặc biệt là trồng lúa, bởi nội chiến đã phá hoại sản xuất nông nghiệp một cách nghiêm trọng đến mức nước này phải nhập khẩu phần lớn lượng gạo để nuôi sống người dân. Bà gây ấn tượng với tôi bằng ý thức mạnh mẽ của bà trong nhiệm vụ phục vụ 3,5 triệu người và tái thiết một đất nước đã bị tàn phá nặng nề.
Từ khi bà lên làm tổng thống, Liberia đã hoan nghênh sự giúp đỡ từ các nước khác, mở cửa đón 16 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Về tính cách, tôi nhận thấy Sirleaf là một người phụ nữ đầy lòng quan tâm đến người khác. Trong trường hợp của chúng tôi, trước khi đón chúng tôi, bà cho chúng tôi mượn hai chiếc SUV để sử dụng làm phương tiện đi lại trên
những con đường gập ghềnh ở đó.
Tôi không cần phải chứng minh Tổng thống Sirleaf là một ví dụ đầy tính khích lệ về người lãnh đạo tận tụy phục vụ nhân dân. Bà đã được trao một trong những giải thưởng cao quý nhất trên thế giới vì những hạt giống mà bà đã gieo. Chỉ vài năm sau khi tôi gặp bà, bà và Leymah Gbowee đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực xây dựng hòa bình và đấu tranh cho quyền con người. Bốn ngày sau khi nhận giải thưởng danh giá này, Tổng thống Sirleaf tái đắc cử nhiệm kỳ sáu năm của chức tổng thống để bà có thể gieo thêm nhiều hạt giống tốt nữa cho đất nước.
Sirleaf, người cũng được vinh danh là Nhân vật năm 2011 của Hội Giám lý, được cả thế giới, thậm chí cả Charles Taylor, người tiền nhiệm của bà và là người bị kết án vì tội ác chống lại nhân dân, công nhận là một nhà lãnh đạo dân chủ và nhân từ. Cả Sirleaf và Taylor đều ở vị trí lãnh đạo đất nước. Cả hai đều có quyền lực lớn nhờ chức vụ của họ. Tuy nhiên mỗi người đã sử dụng quyền lực theo những cách khác nhau.
Một trong những nhà truyền giáo đầu tiên của đạo Cơ Đốc, thánh Paul, đã bàn về hai kiểu lãnh đạo khác nhau này trong Kinh Thánh, và đoạn Galatians 5:13-15 đã đề cập một cách khá đầy đủ về một đất nước được tạo lập và được điều hành bởi những người từng là nô lệ và những hậu duệ của họ. Ngài nói: “Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, mà hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau. Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời này: Hãy yêu kẻ lân cận như mình. Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ này bị diệt mất bởi kẻ khác!”. Thánh Paul muốn nói với chúng ta rằng chúng ta nên sử dụng sự tự do và sức mạnh của mình
không phải để thỏa mãn nhu cầu vị kỷ và những ham muốn của bản thân – hoặc để làm đầy túi tham của mình như Taylor đã làm – mà để yêu thương và phục vụ người khác như Tổng thống Sirleaf đang làm.
Bạn không nhất thiết phải là tổng thống của một quốc gia mới có thể phục vụ
người khác. Bạn thậm chí không cần phải có đầy đủ chân tay để làm điều đó. Tất cả những gì bạn cần là sử dụng niềm tin, tài năng, sự hiểu biết, trí tuệ và kỹ năng của bạn để mang lại lợi ích cho người khác theo cách giản dị hoặc lớn lao. Thậm
chí những hành động nhỏ nhất của lòng tốt cũng có thể có tác động lan tỏa. Ngay cả những người nghĩ rằng họ không có quyền lực để tạo sự ảnh hưởng đối với thế giới xung quanh cũng có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách hợp sức và làm việc cùng nhau để tạo nên sự thay đổi mà họ mong muốn.
Tổng thống Sirleaf, Leymah Gbowee và lực lượng những phụ nữ hoạt động xã hội của họ đã làm thay đổi cả một quốc gia bằng cách đặt niềm tin của họ vào hành động để phục vụ nhân dân. Họ đã giúp tái thiết hòa bình, và họ đang lãnh đạo đất nước trong quá trình tái thiết đầy khó khăn sau nhiều thập kỷ chiến tranh, loạn lạc. Cách đây không lâu Sirleaf đã huy động hơn hai mươi lăm nghìn thanh niên làm công việc dọn dẹp tại cộng đồng của họ trước dịp nghỉ lễ và trả thù lao để họ có tiền tiêu trong dịp Giáng sinh. Chính quyền của bà đã và đang bận rộn với việc xây dựng những bệnh viện mới, khôi phục lại hệ thống cung cấp nước cho bảy trăm nghìn người dân. Những thành tích nổi bật của bà bao gồm việc mở hơn hai trăm hai mươi trường học – một ví dụ tuyệt vời cho việc gieo những hạt giống để phát triển thành cây đơm hoa kết trái cho những thế hệ tương lai.
Nhiệm vụ của tôi trong chuyến đi đến Liberia bao gồm một buổi diễn thuyết truyền giáo tại một sân vận động bóng đá. Chúng tôi hy vọng sẽ có từ ba trăm đến bốn trăm người tham dự sự kiện đó, nhưng thật vui mừng có khoảng tám đến mười nghìn người đã tham dự. Trong một sân vận động chật kín người, có những người đã ngồi trên mái che của sân vận động, trèo lên cây để theo dõi sự kiện. Thật đáng ngạc nhiên, ngày hôm đó tôi đã phải thực hiện một bài diễn thuyết ba lần, bởi vì chúng tôi chỉ có một bục diễn thuyết khá nhỏ trên sân khấu. Vậy nên tôi phải thực hiện bài diễn thuyết cho từng phần của sân vận động, diễn
thuyết xong trước các khán thính giả thuộc phần này của sân vận động, tôi lại bắt đầu thực hiện bài diễn thuyết trước khán thính giả thuộc một phần khác. Tôi đã thực hiện điều đó để tất cả mọi người có thể nghe thấy những lời nói của sự khích lệ, hy vọng và niềm tin.
Buổi diễn thuyết ấy đã mang đến cho tôi nguồn khích lệ thứ ba mà tôi tìm thấy ở đất nước Liberia: đó chính là những người dân của đất nước này. Mặc dù đã phải chịu đựng sự chết chóc, sự tàn phá, sự bạo tàn, hàng triệu người ở quốc gia này vẫn giữ vững đức tin. Mặc dù còn nhiều khổ đau hiện hữu ở đó, trong chuyến thăm của mình tôi đã thấy vô số những gương mặt, những cách biểu lộ niềm vui – từ những em học sinh ca hát và chơi đùa, đến những sân vận động chật kín người cầu nguyện. Những người bạn của chúng tôi ở Liberia nói với chúng tôi rằng những người lãnh đạo của Cơ Đốc giáo và của Hồi giáo đã dẹp sự khác biệt sang một bên để giúp kết thúc cuộc nội chiến thông qua một hội đồng đoàn kết các tôn giáo, và tôi hy vọng rằng họ có thể tiếp tục hợp tác với nhau vì ngày mai tươi sáng hơn cho đất nước và cho các trẻ em Liberia.