Hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách nắm bắt tốt hơn tình hình và xu thế phát triển của thế giới, từ đó có thể đề ra chính sách phát triển phù hợp cho đất nước.
Hội nhập với nền kinh tế mở đòi hỏi các nước tham gia phải tích cực tham gia vào quá trình phân công, hợp tác quốc tế, không thể duy trì nền kinh tế khép kín, tự lực cánh sinh, tự túc mọi mặt. Tùy theo lợi thế và hiệu quả mà mỗi nước tập trung đầu tư sản xuất những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, phát triển những ngành nghề có ưu thế, có tiềm năng. Vì vậy các nước phải cơ cấu lại nền kinh tế, từ cơ cấu ngành nghề, cơ cấu kỹ thuật đến cơ cấu các thành phần kinh tế. Cùng với cải cách cơ cấu kinh tế là cải cách thể chế kinh tế, chuyển từ thể chế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường mở cửa, hội nhập.
Thật vậy, để thấy rõ hơn tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chúng ta phân tích tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài, một trong bộ phận quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại. Thông qua đó các quốc gia sẽ tham gia ngày càng
nhiều vào quá trình phân công lao động quốc tế. Để hội nhập vào nền kinh tế giữa các nước trên thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thay đổi cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với sự phân công lao dộng quốc tế. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của nước phù hợp với trình độ chung trên thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngược lại, chính hoạt động đầu tư lại góp phần thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bởi vì: Một là, thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã làm xuất hiện nhiều lĩnh vực và ngành kinh tế mới ở các nước nhận đầu tư. Hai là, đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp vào sự phát triển nhanh chóng trình độ kỹ thuật công nghệ ở nhiều nghành kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động ở một số ngành này và tăng tỷ phần của nó trong nền kinh tế. Ba là, một số ngành được kích thích phát triển bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cũng có nhiều ngành bị mai một đi, rồi đi đến chỗ bị xóa bỏ.