❖về việc phát triển sản phẩm ngân hàng di động
Năm 2008, tại Nhật Bản, Jinbun Bank chính thức đi vào hoạt động, là ngân hàng ảo 100% đầu tiên trên thế giới. Jinbun Bank là ngân hàng liên doanh giữa Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ và công ty viễn thông KDDI, cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng chỉ trên điện thoại di động. Nhật bản là nước đầu tiên trên thế giới phát triển thiết bị di động 3G và 90% thiết bị viễn thông trên nền tảng 3G. Ở Nhật bản, gần 100% khách hàng đã sử dụng dịch vụ Ngân hàng di động. Nguyên nhân của sự phát triển về công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng ở Nhật bản là nhờ vào sự phát triển của hạ tầng viễn thông ở nước này, cho phép ứng dụng công nghệ 3G - chuẩn viễn thông di động tiên tiến, hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao kết hợp nhận dạng giọng nói. Hiệu quả đem lại từ việc phát triển sản phẩm ngân hàng di động rất lớn: đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên có liên quan, giúp ngân hàng thu hút được ngày càng nhiều khách hàng, thông qua đó phổ biến hoạt động ngân hàng đến đông đảo khách hàng, tạo điều kiện cho hoạt động huy động vốn tiền gửi nói riêng cũng như gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung của ngân hàng.
Học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản, các ngân hàng Việt Nam cần không ngừng hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm ngân hàng mang tính công nghệ cao, điển hình như các sản phẩm ngân hàng
di động. Tuy nhiên để phát triển thành công các loại hình sản phẩm này, cần phải có các điều kiện chủ quan từ phía ngân hàng và các điều kiện khách quan từ nền kinh tế, từ sự hỗ trợ từ hệ thống công nghệ thông tin của quốc gia, các chính sách và điều kiện pháp lý từ phía Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.
❖về việc phát triển mô hình chuyển mạch tập trung
Các ngân hàng Nhật bản đã thành công với mô hình hệ thống chuyển mạch tập trung (MICS). Nhờ vào việc nhận ra tầm quan trọng của hệ thống thanh toán tự động gồm mạng lưới các máy rút tiền tự động và hệ thống các máy giao dịch tự động đối với hoạt động huy động vốn, thanh toán và cung cấp các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng. Thực ra, mạng lưới các máy rút tiền tự động và hệ thống các máy giao dịch tự động của các ngân hàng đã hình thành từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhưng tháng 2/1990, các mạng lưới này đã được kết nối thông qua hệ thống chuyển mạch tập trung của Nhật Bản với nhiều cấp chuyển mạch với cơ chế hoạt động khá phức tạp. Đến 3/2002, để giảm chi phí phát triển nhiều hệ thống và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, các ngân hàng Nhật Bản đã thỏa thuận thiết lập các hệ thống chuyển mạch tập trung thế hệ mới. Hệ thống chuyển mạch thế hệ mới này có khả năng liên kết hoạt động thanh toán và giao dịch thẻ tự động giữa tất cả các thành viên tham gia, tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán nội bộ và liên ngân hàng cũng như đem lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng. Từ đó sẽ góp phần gia tăng số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng, góp phần gia tăng nguồn vốn tiền gửi từ loại tài khoản này.
Ở Việt Nam, học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản cũng như từ các quốc gia khác có công nghệ ngân hàng hiện đại. Tháng 07/2004, Banknetvn được thành lập với sự tham gia góp vốn của 8 cổ đông sáng lập gồm Công ty điện toán và truyền số liệu VDC; 7 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietinbank,
ACB, Sacombank, EAB, Saigonbank. Mục tiêu của Banknetvn là xây dựng hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia kết nối hệ thống thanh toán thẻ nói chung, hệ thống ATM/POS nói riêng của các ngân hàng ở Việt Nam, xử lý bù trừ thanh toán thẻ đối với các ngân hàng. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 16 ngân hàng thương mại tham gia là thành viên của hệ thống Banknetvn và một số ngân hàng khác kết nối với Banknetvn thông qua Smartlink. Với những hiệu quả hệ thống này mang lại cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nói chung và công tác huy động vốn nói riêng, cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội ngân hàng, các ngân hàng thương mại còn lại chưa tham gia nên xúc tiến tham gia vì lợi ích của chính ngân hàng và vì hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống Ngân hàng.
Hệ thống Banknet cũng cần không ngừng hoàn thiện, tiếp tục học hỏi, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện đại trên thế giới để giúp cho hệ thống ngày càng hiệu quả hơn.
❖về việc phát triển các hoạt động tài chính bán lẻ để gia tăng tài khoản khách hàng, góp phần hiệu quả vào công tác huy động vốn
Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng kinh doanh ở Việt Nam thông qua quan hệ với đối tác là Eximbank. Sumitomo Mitsui Financial Group Inc., công ty con của SMBC, đã cử các chuyên gia tài chính bán lẻ sang Việt Nam vào tháng 6/2011 để hỗ trợ Eximbank với hy vọng tăng số lượng tài khoản lên gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Eximbank sẽ tăng cường hệ thống dịch vụ bằng cách thiết lập các điểm phục vụ và tăng số lượng các máy rút tiền tự động (ATM) ở các khu công nghiệp tập trung nhiều công ty Nhật Bản. Theo SMBC, các nhân viên của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam là những khách hàng tiềm năng trong khi rất nhiều người trong số họ lại không sử dụng tài khoản ngân hàng. SMBC tin rằng các tài khoản tiết kiệm trực tiếp có thể tạo ra chỗ đứng
cho việc bán các sản phẩm tài chính.