Năm 2012 công ty thực hiện việc đầu tư xây dựng mới Nhà bách hóa Trạm Lộ, nguồn vốn huy động để thực hiện dự án gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn đi vay từ cán bộ công nhân viên trong công ty và cá nhân thuê kinh doanh tại công ty. Cụ thể tổng số vốn tham gia dự án là 1217.5 triệu đồng, trong đó vốn tự có là 356 triệu đồng và vốn vay là 861.6 triệu đồng.
Dự án triển khai xây dựng từ 9/2012 đến 02/2013 thì hoàn thành và đi vào hoạt động, toàn bộ cửa hàng sau khi xây dựng xong sẽ cho tư nhân thuê kinh doanh. Dự án dự kiến hoạt động trong 5 năm, nguồn thu của dự án khi đi vào hoạt động là từ cho thuê mặt bằng kinh doanh, doanh thu trong 3 năm đầu dự kiến là 312.0 triệu đồng/năm và 2 năm tiếp theo là 358.8 triệu đồng/năm.
Nhà bách hóa sẽ khấu hao trong 15 năm theo phương pháp đường thẳng, giá trị thu hồi nhà bách hóa sau khi kết thúc dự án bằng giá trị còn lại của tài sản Nhà bách hóa là 809.5 triệu đồng.
Công ty vay vốn trong thời gian 6 năm với lãi suất là 14%/năm, bắt đầu trả gốc từ năm thứ 3. Các chi phí khác phát sinh thêm ngoài chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí lãi vay... dự kiến là 12 triệu đồng/năm.
Để đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, đề tài sử dụng kết hợp 2 phương pháp giá trị hiện tại thuần và tỷ suất doanh lợi nội bộ. Căn cứ vào diễn biến tỷ lệ lạm phát của nước ta trong thời gian qua đề tài chọn mức lãi suất chiết khấu để đánh giá hiệu quả dự án là 15%/năm.
Từ các yếu tố nêu trên ta có Bảng 2.16. Qua bảng ta thấy dự án có NPV nhỏ hơn 0 dù tính theo giá ghi sổ hay giá điều chỉnh, IRR của dự án cũng nhỏ hơn mức lãi suất chiết khấu xét trong cả trường hợp giá ghi sổ hay giá điều chỉnh. Như vậy, dự án không có hiệu quả về mặt kinh tế.