Với điều kiện cơ sở vật chất và năng lực bộ máy quản lý như hiện nay của công ty thì việc phát triển kinh doanh sẽ là rất khó khăn. Do đó cần phải có đầu tư mở rộng, nâng cấp về cơ sở vật chất cũng như nâng cao năng lực và đổi mới hệ thống quản lý, để làm được những điều này, doanh nghiệp sẽ phải có thêm một lượng vốn không nhỏ. Do vậy song song với việc thực hiện các giải pháp về nguồn nhân lực, tổ chức kinh doanh… công ty cũng cần phải có giải pháp để huy động vốn kịp thời nhằm chuyển hóa những kế hoạch nêu trên thành hiện thực. Căn cứ vào điều kiện thực tế của công ty và quy mô kinh doanh đã đề xuất, đề tài xin đưa ra một số giải pháp nhằm giúp công ty huy động đủ vốn để thực hiện các kế hoạch của mình như sau:
Bảng 3.1 Cơ cấu nguồn vốn đề xuất
Chỉ tiêu Giá trị (triệu đ) Cơ cấu (%) Ghi chú A. Nợ phải trả 7192.7 65 1. Vốn vay dài hạn 2877.1 40 2. Vốn vay ngắn hạn 2517.4 35 3. Tín dụng nhà cung cấp 1078.9 15 4. Nợ phải trả có tính chu kỳ 359.6 5 B. Vốn chủ sở hữu 3873.0 35 Tổng nguồn vốn 11065.7 100
Đến cuối năm 2017 số vốn chủ sở hữu của công ty là 3873 triệu đồng, vì vậy khi tăng hệ số nợ lên 0.65 thì số nợ phải trả tương ứng sẽ là 7192.7 triệu đồng và tổng nguồn vốn của công ty sẽ là 11065.7 triệu đồng. Như vậy lượng vốn tăng thêm là khoảng
5600 triệu đồng, có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư đổi mới cơ sở vật chất và mở rộng kinh doanh ở giai đoạn đầu.
Vốn vay dài hạn được sử dụng toàn bộ để đầu tư nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất. Nguồn vốn này sẽ vay từ cán bộ công nhân viên trong công ty, từ những cá nhân đang và có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tại công ty. Đây sẽ là nguồn vốn dài hạn, dễ huy động, ít chịu áp lực thanh toán mà lại có chi phí thấp vì nó gắn liền với quyền lợi của người cho vay khi dự án hoàn thành nên lãi suất thường thấp, đồng thời đây cũng là những khách hàng của công ty nên khi hợp tác cả đôi bên sẽ cùng có lợi.
Vốn vay ngắn hạn được sử dụng để bổ sung một phần (60%) cho vốn lưu động phục vụ để tổ chức lại bộ máy quản lý và mở rộng quy mô kinh doanh, phần còn lại (40%) sẽ sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Việc sử dụng vốn như trên sẽ giúp cho vốn của công ty được sử dụng linh hoạt hơn, chi phí sử dụng vốn cũng thấp hơn do sử dụng nhiều vốn ngắn hạn, nguồn vốn này dự kiến sẽ huy động từ vay các NHTM.
Trong quá trình tìm hiểu các NHTM trên địa bàn huyện hiện nay tác giả thấy rằng, văn phòng đại diện mà các ngân hàng đang thuê để giao dịch hiện chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu để làm việc của các ngân hàng cũng như không thuận lợi cho việc giao dịch với khách hàng. Vì vậy các ngân hàng cũng rất mong muốn tìm thuê được những địa điểm giao dịch với cơ sở vật chất tốt hơn đáp ứng nhu cầu của họ. Với vị trí rất thuận lợi như của công ty hiện nay, trước khi xây dựng lại cơ sở vật chất, công ty nên liên hệ với các ngân hàng trên địa bàn để tiếp thị cho thuê mặt bằng kinh doanh và mời gọi đầu tư song song với đề nghị vay vốn của họ. Khi đã kí kết được thỏa thuận về việc cho thuê mặt bằng với các ngân hàng, công ty sẽ lấy ý kiến của các ngân hàng để tổ chức xây dựng các vị trí kinh doanh đáp ứng yêu cầu của họ. Khi đó, các ngân hàng sẽ yên tâm hơn khi cho công ty vay vốn, công ty cũng sẽ có được thu nhập ổn định và lâu dài, đồng thời khách hàng đến giao dịch với các ngân hàng cũng thuận lợi khi mua sắm tại công ty và ngược lại. Như vậy cả hai bên sẽ cùng có lợi.
Khi tổ chức lại kinh doanh theo hướng phấn đấu trở thành nhà bán lẻ và bán buôn chuyên nghiệp, công ty sẽ phải tìm đến những nhà sản xuất, những đại lý cấp cao để
nhập hàng trực tiếp, qua đó sẽ có được giá mua tốt hơn cùng với các chính sách bán hàng ưu đãi từ nhà cung cấp. Đó cũng là cơ sở để công ty tăng số lượng vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình nhằm làm giảm bớt áp lực thanh toán và rủi ro tài chính cho công ty. Ở đây đề tài đề xuất tỷ lệ vốn tín dụng nhà cung cấp trong tổng nợ phải trả là 15% tương ứng với khoảng 1.1 tỷ đồng.