Tại Việt Nam, đã có các nghiên cứu về CLCS sử dụng bộ câu hỏi SF- 36 với các nhóm người bệnh mắc các bệnh khác nhau. Trần Kim Trang và cộng sự nghiên cứu CLCS của người bệnh tăng huyết áp bằng bộ câu hỏi SF- 36 [39]. Cũng với bộ câu hỏi SF-36, Lâm Nguyễn Nhã Trúc và cộng sự nghiên cứu CLCS của người bệnh suy thận giai đoạn cuối trước và sau chạy thận nhân tạo [40]. Tuy nhiên, nghiên cứu về CLCS của người bệnh ĐTĐ chưa có nhiều, hiện tại chúng tôi tìm được một số nghiên cứu tại Việt Nam.
Tác giả Võ Tuấn Khoa (2008) sử dụng bộ công cụ SF-36 để so sánh CLCS của ba nhóm đối tượng gồm 36 người bệnh ĐTĐ có biến chứng đoạn chi, 36 người bệnh không có biến chứng đoạn chi và 36 thân nhân người bệnh ĐTĐ vào chăm sóc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả nghiên cứu cho thấy: ở nhóm ĐTĐ có biến chứng đoạn chi điểm CLCS cao nhất ở lĩnh vực hoạt động chức năng (56,6±34,7), điểm CLCS thấp nhất ở lĩnh vực đánh giá sức khỏe chung (28,3±22,9). Với nhóm người bệnh ĐTĐ không có biến chứng đoạn chi, lĩnh vực hoạt động chức năng, đánh giá sức khỏe chung điểm cao hơn nhóm có biến chứng (63,3±25,1 và 37,4±24). Nghiên cứu cũng cho thấy điểm CLCS của nhóm ĐTĐ có biến chứng đoạn chi so với nhóm thân nhân người bệnh là rất thấp ở tất cả các lĩnh vực sức khỏe (p<0,05). Ngoài ra, nghiên cứu đã tìm thấy một số yếu tố liên quan đến điểm CLCS của người bệnh ĐTĐ như thời gian bị bệnh trên 36 tháng, điểm CLCS ở tất cả các lĩnh vực thấp hơn nhóm dưới 36 tháng, người bệnh có tiêm insulin có điểm CLCS lĩnh vực chức năng thể lực thấp hơn nhóm không tiêm insulin có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tuy nhiên nghiên cứu có hạn chế là cỡ mẫu quá nhỏ nên không tìm được yếu tố giữa nhóm tuổi, thời gian bị bệnh, chỉ số đường huyết, HbAlc với CLCS [8].
Tác giả Trần Ngọc Hoàng (2011) sử dụng bộ câu hỏi SF-36 thực hiện nghiên cứu với 200 người bệnh nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của các biến chứng đối với CLCS của người bệnh ĐTĐ type 2 điều trị tại bệnh viện Nhân Dân 115. Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm CLCS trung bình của 8 lĩnh vực sức khỏe giao động từ 41,1 đến 62,6. Điểm CLCS thấp nhất ở lĩnh vực đánh giá sức khỏe chung (41,1±23,3) và cao nhất ở lĩnh vực hoạt động xã hội (62,6±25,4). Nghiên cứu đã chỉ ra các biến chứng có liên quan đến CLCS của người bệnh, trong đó biến chứng bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên ảnh hưởng nhiều nhất tới các lĩnh vực sức khỏe (p<0,05). Tuy nhiên nghiên cứu chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về điểm CLCS của nhóm có các biến chứng khác như: tiểu đạm, chức năng thận, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh mạch máu ngoại biên, tình trạng tăng hay hạ đường huyết phải nhập viện và nhóm không có biến chứng. Nghiên cứu có một số hạn chế là không đánh giá sự ảnh hưởng của trầm cảm và các yếu tố tâm lý như sự hài lòng và tin tưởng của người bệnh vào bác sĩ điều trị cũng như sự hài lòng về phòng ốc, trang thiết bị, thời gian chờ để được khám bệnh… đối với CLCS của người bệnh. Nghiên cứu cũng chưa đánh giá điểm CLCS chung và điểm CLCS thuộc hai lĩnh vực sức khỏe thể chất và tinh thần. Và cuối cùng, nghiên cứu với cỡ mẫu nhỏ nên chỉ mang tính chất đại diện cho số người bệnh bị ĐTĐ tại bệnh viện Nhân Dân 115 chứ không đại diện cho các địa bàn khác [41].
Tác giả Nguyễn Đình Tuấn (2013) sử dụng bộ công cụ SF-36 thực hiện nghiên cứu với 385 người bệnh ĐTĐ type 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện Lê Lợi thành phố Vũng Tàu nhằm mục đích xác định tỷ lệ biến chứng do người bệnh ĐTĐ, điểm số trung bình CLCS và các yếu tố ảnh hưởng đến CLCS ở người bệnh ĐTĐ type 2. Kết quả cho thấy lĩnh vực hoạt động thể chất có điểm CLCS cao nhất là 64,86 ± 22,30, lĩnh vực sức khỏe tổng quát có điểm
CLCS thấp nhất là 43,07 ± 19,14. Hai khía cạnh sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần có điểm CLCS lần lượt là 54,14 ± 20,79 và 53,13 ± 17,98. Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan đến CLCS của bênh nhân ĐTĐ type 2 như: nam giới có điểm CLCS cao hơn nữ ở tất cả các lĩnh vực sức khỏe (p < 0,05), nhóm tuổi trên 60 tuổi điểm CLCS giảm ở các khía cạnh của lĩnh vực sức khỏe (p < 0,05), trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống thì điểm CLCS trung bình thấp hơn nhóm từ trung học cơ sở trở lên (p < 0,05), nhóm có biến chứng có điểm CLCS thấp hơn nhóm không có biến chứng ở tất cả các lĩnh vực sức khỏe (p < 0,05), nhóm có thời gian mắc bệnh ≥10 năm điểm CLCS thấp hơn nhóm dưới 5 năm ở các lĩnh vực chức năng thể lực, hạn chế hoạt động do thể lực, sức sống, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ kiểm soát đường huyết, thời gian mắc bệnh, tình trạng hôn nhân giữa các nhóm. Tác giả cũng đã kiểm định hệ số Cronbach alpha là 0,7-0,9 cho bộ câu hỏi phù hợp với người bệnh ĐTĐ [8].
Nghiên cứu đánh giá CLCS của người bệnh ĐTĐ type 2 tại Việt Nam đã có một số tác giả quan tâm tuy nhiên chưa nhiều. Với thực trạng hiện nay tỷ lệ người bệnh ĐTĐ ngày càng tăng, phần lớn người bệnh ĐTĐ nói chung và người bệnh ĐTĐ type 2 được phát hiện và điều trị muộn, mỗi năm có trên 60% người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời [5], làm gia tăng các biến chứng thì việc đánh giá CLCS và các yếu tố liên quan với mục đích nâng cao CLCS của các bệnh nhân ĐTĐ trở nên rất quan trọng.