1. Định nghĩa:
Cơ chế điều chỉnh pháp luật là một hệ thống thống nhất các phương tiện, quy trình pháp lý, thông qua đó thực hiện sự tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội nhằm thực hiện những nhiệm vụ hoặc đạt được những mục đích mà Nhà nước đề ra.
2. Các yếu tố trong cơ chế điều chỉnh pháp luật:
+ Quy phạm pháp luật: xác định chủ thể, hoàn cảnh, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của chủ thể (tức quy tắc hành vi). Quy phạm pháp luật là yếu tố có vai trò ghi nhận nội dung điều chỉnh pháp luật, xác định quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh.
+ Văn bản áp dụng pháp luật:
- Văn bản áp dụng pháp luật cụ thể hoá những quy tắc xử sự chung thành các quy tắc xử sự cụ thể. Chẳng hạn quyết định thu hồi đất là văn bản cá biệt hoá các quy định của Luật đất đai.
- Văn bản áp dụng pháp luật cụ thể hoá các biện pháp chế tài đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Ví dụ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
+ Quan hệ pháp luật: là mô hình trong đó xác định chủ thể, các quyền và nghĩa vụ của chủ thể, vì vậy mà thực hiện được sự điều chỉnh pháp luật.
+ Chủ thể quan hệ pháp luật: là cá nhân, tồ chức có năng lực chủ thể và sẽ thực hiện trên thực tế những hành vi bảo đảm về quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ.
+ Trách nhiệm pháp lý: là biện pháp cưỡng chế của nhà nước có tính chất chế tài được áp dụng dối với chủ thể vi phạm pháp luật, là phương tiện loại bỏ vi phạm pháp luật, làm cho cơ chế điều chỉnh pháp luật diễn ra một cách bình thường.
+ Ý thức pháp luật: là cơ sở tư tưởng chỉ đạo toàn bộ quá trình điều chỉnh pháp luật, nhờ đó việc điều chỉnh pháp luật được tiến hành đúng đắn, có cơ sở khoa học và đạt hiệu quả cao.
+ Pháp chế: đảm bảo cho cơ chế điều chỉnh pháp luật diễn ra phù hợp pháp luật, đúng đắn.
3. Ý nghĩa của điều chỉnh pháp luật đối với các lĩnh vực đời sống xã hội:
+ Điều chỉnh pháp luật làm trật tự hóa các lĩnh vực đời sống xã hội;
+ Hướng sự phát triển của các lĩnh vực đời sống xã hội theo ý chí của nhà nước;
+ Điều chỉnh pháp luật là điều kiện cần không thể thiếu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền.