Học Phật tức là học giác ngộ.

Một phần của tài liệu Hoc-Vi-Nhan-Su-Hanh-Vi-The-Pham-HT-Tinh-Khong (Trang 79 - 81)

D. Khuyên tin sâu nhân quả

a. Học Phật tức là học giác ngộ.

Phật pháp quý ở chỗ giác ngộ, cổ thánh tiền hiền cũng nói: ‘chế ngự được niệm thì thành thánh’ (khắc niệm tác thánh), thế nên thánh hay phàm chỉ ở tại một niệm giác hay mê mà thôi. Một niệm giác, ngay lúc đó tức là Nhất Chân pháp giới; một niệm mê thì đâu phải chỉ có

mười pháp giới không thôi? Người giác ngộ thực sự có thể buông xuống, chỉ có người mê mới có chấp trước. Chư Phật, Bồ Tát là tấm gương tốt cho chúng ta, cho nên học Phật, Bồ Tát tức là học giác ngộ, học nhìn thấu, buông xuống, thực sự làm được ‘chẳng tranh với người, chẳng cầu với đời’ thì tự nhiên thân tâm tự tại, trí huệ tăng trưởng.

Người học Phật chẳng thể khế nhập vào cảnh giới là vì một niệm tình chấp chưa tiêu trừ. Nếu muốn thành tựu thì chẳng thể không biết đạo lý này, chẳng thể không hết lòng học tập ‘chẳng tranh, chẳng cầu’, học tập từ bi, nhiệt thành giúp người. Trong quá trình giúp người, nhất định chẳng thể chấp trước danh - văn - lợi -dưỡng, ngũ dục lục trần, phải vĩnh viễn bảo trì tâm thanh tịnh, bình đẳng; đây là Bồ Tát hạnh, Bồ Tát hạnh là hạnh giác ngộ.

Chúng ta phải quan sát kỹ và thể hội cả đời hành trì của đức Thế Tôn. Thế Tôn hoằng pháp lợi sanh giảng kinh thuyết pháp, chẳng có danh phận, cũng chẳng có chức vị, đối với chúng ta chỉ là quan hệ thầy trò. Quan hệ này vẫn còn là kiến giải phàm phu, Thế Tôn tuyệt chẳng có khái niệm này; nếu Ngài có khái niệm này thì chẳng thể thành thánh, thành Phật. Vì thầy trò là nhị pháp, nhị pháp chẳng phải là Phật pháp, đây là lời Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói.

---o0o---

b. Nhị đế

Thế Tôn cả đời giảng kinh thuyết pháp y cứ theo nguyên lý, nguyên tắc Nhị Ðế; mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai thuyết pháp cũng dựa trên Nhị Ðế. Nhị Ðế tức là Chân Ðế và Tục Ðế. Chân Ðế hoàn toàn nói về chư pháp thật tướng, chẳng có tơ hào phân biệt chấp trước, người thế gian khó hiểu việc này. Tục Ðế tức là thế gian pháp, y theo tri kiến và thường thức của chúng sanh, mọi người đều dễ hiểu. Nhưng trí huệ của Phật cao, thiện xảo phương tiện đạt đến cực điểm, nói Tục Ðế cũng bao gồm Chân Ðế, nói về Chân Ðế nhưng cũng chẳng lìa Tục Ðế, Chân và Tục viên dung, được đại tự tại. Người thế gian không những mê Chân Ðế mà cũng mê Tục Ðế. Phật có thể viên dung cả Chân lẫn Tục, tức là Chân Ðế nhìn thấu rồi, thì Tục Ðế cũng buông xuống. Nhìn thấu và buông xuống là một chứ chẳng phải hai, đây mới là trí huệ chân thật. ‘Trụ

chân thật huệ’ trong kinh Vô Lượng Thọ tức là cảnh giới này. Những việc làm cả đời của chư Phật, Bồ Tát chỉ có một mục đích là hoằng pháp lợi sanh, ban cho chúng sanh lợi ích chân thật. Dù ban lợi ích chân thật nhưng Ngài cũng chẳng cầu một cái gì, và cũng chẳng phân biệt chấp trước. Những chỗ này chúng ta phải rõ ràng, thấu hiểu triệt để, hết lòng học tập.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hoc-Vi-Nhan-Su-Hanh-Vi-The-Pham-HT-Tinh-Khong (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)