D. Khuyên tin sâu nhân quả
d. Hoằng pháp và Hộ pháp.
Chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, hiển thị tại đâu? Khắp xung quanh chúng ta sẽ có rất nhiều bạn tốt giúp đỡ, hộ trì, đây là hộ pháp. Hộ pháp gồm có nội hộ và ngoại hộ, nội hộ là do người xuất gia hộ trì, ngoại hộ do hai chúng tại gia hộ trì, được vậy chánh pháp mới được xây dựng, thường trụ tại thế gian. Tuy được hộ trì cả
trong lẫn ngoài, tâm địa chúng ta vẫn phải thanh tịnh, vẫn phải mảy trần chẳng nhiễm y như cũ.
Giống như Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba và Tịnh Tông Học Hội đích thực có thiện hữu giúp đỡ mạnh mẽ, nhưng chúng ta đối với họ chẳng có tiếp đãi đặc biệt. Lúc ăn cơm ở Cư Sĩ Lâm, họ tự động lấy dĩa đi gắp thức ăn, tự kiếm chỗ ngồi, chẳng nhận một sự tiếp đãi đặc biệt nào cả, đây mới thật sự là thiện hữu chân thật. Có câu ‘Một vị Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ’, những người này đều là Phật, Bồ Tát, cho nên đạo tràng này có thể thành lập, là mọi người có phước. Chúng ta rất may mắn gặp được nhân duyên này và cũng rất hoan hỷ dốc toàn tâm toàn lực để hợp tác, ủng hộ, cống hiến một chút sức hèn mọn. Vì giúp họ là giúp hết thảy chúng sanh, giúp họ tức là giúp chư Phật Như Lai.
Cho nên người xuất gia tốt nhất đừng quản lý sự vụ, đây là do Thế Tôn thị hiện cho chúng ta thấy. Người xuất gia quản lý sự vụ là bất đắc dĩ, là đã biến dạng rồi. Nếu người xuất gia quản lý sự vụ thì là hộ pháp, chẳng phải là hoằng pháp, vậy thì phải toàn tâm toàn lực bồi dưỡng những người đi sau (lớp đàn em), chiếu cố những pháp sư hoằng pháp. Quản lý sự vụ cũng giống như hiệu trưởng trong trường học, phải quản lý giáo vụ, tổng vụ, đây là [chức vụ] Chấp Sự, có tánh cách phục vụ. Hoằng pháp là giáo viên, chẳng đảm nhiệm Chấp Sự. Phía trong Chấp Sự là nội hộ, bên ngoài Chấp Sự là ngoại hộ.
Nếu chúng ta có thể hiểu rõ quan niệm này, mỗi người đều tận tâm làm tròn trách nhiệm của mình, Phật pháp nhất định sẽ hưng vượng, chúng sanh mới thực sự có phước. Nhất định chẳng tranh giành chức vị Chấp Sự, sau đó tác oai tác phước để hưởng thọ, chướng ngại cho pháp sư hoằng pháp, chẳng bồi dưỡng huấn luyện hậu học, đây là tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, tạo tội nghiệp này phải đọa A Tỳ địa ngục. Chúng ta phải rõ ràng minh bạch, phải tu phước trong nhà Phật, đừng nên tạo nghiệp.
Chúng ta làm tròn nội hộ và ngoại hộ, tự nhiên sẽ có chư Phật Bồ Tát đến hoằng pháp lợi sanh. Nội hộ và ngoại hộ làm chẳng đúng như pháp, nhất định sẽ chẳng có Phật, Bồ Tát đến thuyết pháp vì duyên chưa chín muồi. Công tác hộ pháp làm được viên mãn thì là
duyên chín muồi, tự nhiên sẽ cảm được chư Phật, Bồ Tát đến thị hiện giáo hóa chúng sanh.
---o0o---
10.Làm đệ tử Di Ðà (Buổi sáng 09-12-98) a. Gặp duyên rất quan trọng.
Những năm đầu Dân quốc, Thái Hư pháp sư đề xướng ‘Bồ Tát Học Xứ’, ý tưởng này rất tốt. Hiện nay chúng ta đề xướng làm ‘Ðệ Tử Di Ðà’. Ðệ tử Di Ðà đương nhiên cũng là Bồ Tát. Như thế nào mới làm được? Ðây là vấn đề của giáo dục. Thánh nhân thế gian và xuất thế gian dạy: ‘Người ta ai cũng có thể làm thánh hiền, ai cũng có thể làm Nghiêu, Thuấn’, mấu chốt là ở tại giáo học. Dùng Phật pháp mà nói, giáo học là trợ duyên, tăng thượng duyên, nếu gặp được tăng thượng duyên tốt, người có tài năng hạng trung cũng có thể làm thánh làm hiền, trong nhà Phật có chuyện này, trong các triều đại Trung Quốc cũng có. Ðặc biệt là trong Phật pháp, hạ hạ căn cũng có thể làm A La Hán, làm Bồ Tát, đây là chỗ cao minh của nền giáo học Phật pháp. Trong nhóm đệ tử của Thế Tôn, Châu Lợi Bàn Ðà Già là một thí dụ rất hay. Ngay cả người hạ hạ căn cũng có thể chứng quả vị A La Hán, có thể thành đại Bồ Tát, huống chi là người trung, thượng căn?
Phần đông người ta cả một đời chẳng thể thành tựu, pháp thế gian và xuất thế gian chẳng thành, hoặc có được chút ít thành tựu nhưng sau cùng lại thất bại đều là vì gặp duyên chẳng tốt. Phật thuyết pháp: ‘Hết thảy pháp do nhân duyên sanh’ rất có đạo lý. Một duyên phần tốt thì chỉ có thể gặp mà chẳng thể cầu. Vậy thì đời này chúng ta có thể gặp duyên tốt chăng? Câu trả lời là khẳng định được tại vì ‘trong nhà Phật chẳng xả một người nào hết’, vấn đề ở tại phát tâm. Nếu chúng ta phát tâm thuần chánh, chư Phật Bồ Tát nhất định sẽ đến làm tăng thượng duyên cho chúng ta, sẽ đến giúp đỡ chúng ta.
---o0o---
b. Phát tâm.
Nhà Phật nói chữ ‘thuyết pháp’, cơ duyên chín muồi mà bạn chẳng thuyết pháp cho họ nghe thì đánh mất cơ hội, là mất đi thời tiết nhân
duyên; nếu cơ duyên chẳng chín muồi mà thuyết pháp cho họ thì là không đúng lúc. Phật hiểu rõ thời tiết nhân duyên nên Phật thuyết pháp được ví như ‘hải triều âm’. Hải triều chỉ thủy triều dâng (nước lên) và xuống có thời gian nhất định, nhất định chẳng bao giờ sai. Ðức Phật giáo hóa chúng sanh cũng vậy.
Ðây là nói rõ một sự thật: chúng sanh có Cảm thì Phật sẽ Ứng, cảm ứng đạo giao. Do đó có thể biết thành tựu hay không là thao túng trong tay của chính mình. Nếu mình hy vọng làm thánh làm hiền, làm Phật, làm Bồ Tát thì cái tâm này là Cảm, Phật, Bồ Tát nhất định sẽ có Ứng. Nếu niệm này chẳng sanh khởi thì là chẳng có Cảm; chẳng có Cảm thì đương nhiên Phật, Bồ Tát chẳng có Ứng, cho nên bạn sẽ chẳng gặp được cơ duyên. Nếu nguyện vọng của bạn là chân thật thì cảm ứng sẽ rất nhanh chóng; nếu nguyện vọng rất yếu ớt, khi có khi không, thì cảm ứng cũng sẽ yếu ớt. Cho nên một đời này của bạn có thành tựu hay không là do sự ‘phát tâm’.
Nguyên nhân ‘Bồ Tát Học Xứ’ của Thái Hư pháp sư chưa thực hiện thành công là vì người chân chánh phát tâm làm Phật, làm Bồ Tát quá ít. Chân chánh phát tâm làm Bồ Tát thì nhất định chẳng bị danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần trong thế gian dụ hoặc; nếu còn bị dụ hoặc thì sẽ chẳng làm Bồ Tát nổi. Chuyện này phải nhờ tự mình khắc phục phiền não tập khí thì mới có được cảm ứng, có được trợ duyên.
Hiện nay ngoại duyên ở Tân Gia Ba đã chín muồi, đây là cảm ứng của Phật, Bồ Tát. Chúng ta từ sự ‘ứng’ của Phật, Bồ Tát thì có thể biết được trong nhóm đồng tu có Cảm; nếu chẳng có Cảm thì làm sao có Ứng được? Cho nên trong các vị đồng tu nhất định có người chân chánh phát tâm muốn làm Bồ Tát, muốn làm đệ tử Di Ðà nên duyên này mới chín muồi, chẳng có chút gì miễn cưỡng, đây là chân thật chẳng hư dối. Chúng ta gặp được thời tiết nhân duyên vô cùng thù thắng như vậy thì càng tăng thêm tín nguyện của chúng ta, và từ đó chúng ta cũng thành tựu theo. Ðúng như lời của cư sĩ Bành Tế Thanh ‘vô lượng kiếp đến nay hiếm có, khó gặp’, chúng ta nhất định phải trân quý cái duyên phần này. Nếu trong nhân duyên thù thắng như vậy mà vẫn chẳng chống nổi phiền não tập khí, chẳng chống nổi danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần dụ hoặc, bỏ lỡ cơ duyên quý báu thì thiệt rất đáng tiếc!
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm chân thật, chẳng có một chút tâm riêng tư, cho nên làm việc hoằng pháp được thành công, làm tăng thượng duyên cho mọi người. Nếu ổng có một chút tâm riêng tư thì công chuyện sẽ nhất định thất bại, vì nếu có tâm riêng tư thì sẽ chẳng được Tam Bảo cảm ứng. Nếu vẫn có cảm ứng thì nhất định là ma đến ứng, chẳng phải Phật đến ứng. Ma và Phật khác nhau chẳng ở cảnh bên ngoài mà là ở nội tâm. Một niệm chân thành, Phật đến cảm ứng; một niệm tự tư tự lợi thì ma đến cảm ứng. Thế nên trong tâm chẳng có một chút tâm niệm ham muốn riêng tư mới cảm được chư Phật đến ứng.
---o0o---