D. Khuyên tin sâu nhân quả
b. Khống chế và chiếm lấy
Nhưng ái tâm (tâm thương mến) là nghĩa vụ, nhất định không được chiếm lấy. Cho dù rất thương mến con cái và người thân của mình, tâm này của phàm phu cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế, chiếm lấy ở trong. Mỗi [khi khởi lên một] tâm niệm [gì] đều muốn điều khiển, khống chế, chiếm lấy tất cả người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng ta: ‘năng sở giai không, liễu bất khả đắc’ (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, ba chữ ‘bất khả đắc’ (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ ‘bất khả đắc’ là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái năng được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si, vô minh.
Nếu hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể đạt được thì bạn sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì ‘giải thoát’ tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của bạn được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lý do mọi việc gì chúng ta cũng buông xuống không được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là ‘có năng đắc, có sở đắc’, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu cho nên sinh sống rất khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực.
Chư Phật Như lai ứng hóa trong thế gian, tất cả những việc làm, hành động đều là ‘Phật sự trong mộng, đạo tràng như bóng trăng dưới nước’. Ðạo tràng được xây dựng càng lớn, càng huy hoàng, người giác ngộ đều xem là hoa trong gương, ánh trăng dưới nước, không có chút gì chấp trước, keo tham, như vậy mới được đại tự tại, đó mới là sự hưởng thọ cao độ. Trong sanh hoạt đối với tất cả
người và vật nếu có những sự thọ dụng, tuyệt đối không được khống chế, đừng có tâm niệm chiếm lấy, như vậy mới sống một đời sống của Phật, Bồ Tát; sự khác biệt của phàm phu và Phật, Bồ Tát là ở chỗ này. Phàm phu thì mỗi tâm niệm đều muốn khống chế, điều khiển người khác, mỗi tâm niệm đều muốn chiếm lấy tất cả, cho nên trong tâm cứ lo được, lo mất, âu lo phiền não vĩnh viễn không dứt, sống trong những ngày tháng như vậy rất khổ sở.
Còn chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi nhất định viên mãn hàm nhiếp ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác’. Bất cứ một điều trong năm chữ này đều chứa đựng bốn điều kia, như vậy mới là ‘một là tất cả, tất cả là một’. Nếu tâm từ bi không thanh tịnh, không bình đẳng thì đây là một trong bốn loại ‘ái duyên từ bi’ nói trong Phật pháp. Ðây là từ bi của phàm phu, vẫn còn khống chế, chiếm lấy, không có bỏ hết tất cả yêu cầu, đòi hỏi, đây không phải là đại từ đại bi. ‘Ái duyên từ bi’ hướng lên trên là ‘chúng sanh duyên từ bi’, ‘pháp duyên từ bi’, lên nữa là ‘vô duyên từ bi’, đại từ đại bi tức là ‘vô duyên từ bi’. Vô duyên tức là không điều kiện, không yêu cầu đòi hỏi, không có chiếm lấy, không có khống chế, đó là đại từ đại bi của chư Phật và Pháp Thân Ðại Sĩ. ‘Vô duyên từ bi’ có đầy đủ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Nếu chúng ta dùng tâm này để xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với sự vật, thế thì trong lúc xử sự, đối người, tiếp vật đã chứng quả rồi. Giống như ‘nhập đại giải thoát môn’ (vào cửa giải thoát to lớn) nói trong kinh Hoa Nghiêm, thế thì thành Phật rồi. Chữ đại ở đây cũng có nghĩa là Ðại thừa, cửa giải thoát nhỏ là A La Hán, bậc thánh của Tiểu Thừa.
---o0o---