D. Khuyên tin sâu nhân quả
a. Ðạo dưỡng sanh.
Khi bác sĩ Hoàng khám sức khỏe cho mọi người biết được thân thể của những người trẻ tuổi quý vị chẳng bằng người già như tôi. Nghe xong tôi rất buồn. Thân thể của tôi có thể bảo trì khỏe mạnh là được Tam Bảo gia trì, tôi tuyệt đối chẳng dùng những phương pháp bảo trì sức khỏe hiện đại. Tôi tin câu của Phật dạy ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, tâm địa thanh tịnh, từ bi, lương thiện thì cho dù chẳng bảo dưỡng thân thể và chẳng vận động cũng vẫn khỏe như thường. Từ xưa đến nay đa số người tu hành trong nhà Phật mỗi ngày nếu không tọa thiền thì đi kinh hành, niệm Phật, thân tâm đều giữ trong trạng thái tịnh; hãy khoan nói đến võ thuật của Thiếu Lâm tự. Người thế gian đều ưa chuộng vận động, đạo dưỡng sanh ở trong trạng thái ‘tịnh’ thì chẳng có nhiều người biết đến. Chúng ta hiểu được đạo lý ấy, biết được tâm thanh tịnh, chân thành, từ bi mới là đạo dưỡng sanh chân chánh.
---o0o---
b. Ngã chấp
Nếu nâng cao cảnh giới thêm một tầng như trong kinh Kim Cang có nói: ‘Chẳng có ngã tướng, chẳng có chúng sanh tướng, chẳng có thọ giả tướng’, [lúc đó] không có ‘tôi’ thì ai sanh bịnh? Có ‘tôi’ thì tôi mới sanh bịnh, do đó mới biết ‘vô ngã’ (chẳng chấp có tôi) không những đã nhổ tận gốc rễ của bịnh khổ, mà cũng nhổ tận gốc rễ sanh tử luôn.
Phá ngã chấp tương đối khó nhưng vô cùng cần thiết. Có ‘tôi’ thì sẽ có các hiện tượng sanh tử, bịnh khổ, luân hồi; không có ‘tôi’ thì những hiện tượng này mất hết. Trong pháp Ðại thừa đức Phật dạy chúng ta phương pháp phá ngã chấp vô cùng khéo léo. Trong cuốn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông nói: ‘Biến đổi thành rộng lớn’ (đại nhi hóa chi), câu này nói rất hay, đây là từ chỗ phát Bồ đề tâm mà có, cho nên tâm lượng phải lớn. ‘Tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’ là tâm lượng vốn sẵn có của chúng ta, của mỗi chúng sanh, chẳng sai khác gì với quả địa của chư Phật Như Lai. Nhưng ngày nay chúng ta ra nông nỗi này là vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tạo nên, đây là gốc bịnh thực sự. Trong vô lượng kiếp qua chúng ta mãi trôi lăn trong sáu
nẻo và không thể thoát khỏi là vì chẳng tìm ra được gốc bịnh, chẳng biết chữa trị từ căn bản này.
Hết thảy hiện tượng trong thế pháp đều là hư ảo chẳng thật, không gì chẳng phải ‘mộng, huyễn, bọt, bóng’, thế nên giàu sang chẳng đáng ngưỡng mộ, bần tiện cũng chẳng cần phải đau xót. Hiểu rõ nhân tố của những hiện tượng này là do nghiệp nhân quả báo biến hiện ra, nếu tự mình nắm chắc nghiệp nhân và nghiệp duyên, sự biến hóa của quả báo sẽ có thể tùy theo ý mình, đó là được đại tự tại. Người được đại tự tại biết cách nắm lấy ‘duyên’, biết được cái nút để tạo nên thiên biến vạn hóa ở tại ‘duyên’. Quả báo thiện là do nhân thiện và duyên thiện. Quả báo ác là do nhân ác và duyên ác. ‘Nhân’ đã tạo rồi chẳng thể thay đổi, ‘duyên’ còn có thể khống chế [thay đổi] được.
Ðây vẫn còn là pháp thế gian chứ chưa phải là ‘đệ nhất nghĩa’, đệ nhất nghĩa thì phải ‘quán không’. Nói một cách khác phải thoát ra khỏi luân hồi, siêu việt thập pháp giới, như vậy mới là anh hùng hảo hán. Chỗ chúng ta cúng Phật gọi là ‘Ðại Hùng Bảo Ðiện’, ‘đại hùng’ là đại anh hùng. Chuyện người thế gian làm chẳng nổi mà Ngài làm được nên xưng Ngài là anh hùng. Người thế gian chẳng có cách chi thoát khỏi luân hồi, siêu việt thập pháp giới, Phật có thể làm được; không những làm mà còn dạy cho chúng ta làm thế nào để đạt được.
---o0o---