GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI CÁ NHÂN

Một phần của tài liệu CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI DÂN TẠI HÀ NỘI VÀ TPHCM VỀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ (Trang 35 - 38)

Chủ động theo dõi chất lượng không khí để quyết định các hoạt động ngoài trời, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Sử dụng khẩu trang chống bụi mịn PM 2.5. Tuy nhiên, lưu ý khẩu trang dùng thời gian ngắn có thể được làm từ nhựa và gây ảnh hưởng môi trường khi chuyển thành rác.

Hạn chế tối đa sử dụng than tổ ong, đèn dầu và các nguồn gây ô nhiễm không khí khác.

Không đốt rác với khối lượng lớn, như đốt rơm rạ. Tuyệt đối không đốt các loại rác tạo chất độc trong không khí như rác nhựa, cao su, thiết bị điện tử…

Hạn chế sử dụng túi nilong để tránh thải ra môi trường, tăng nguy cơ đốt rác. (Nilon tại các bãi rác lộ thiên, dưới tác động của ánh mặt trời cũng thải chất gây ô nhiễm vào không khí).

Lựa chọn giao thông vì không khí sạch: Ưu tiên đi xe đạp, đi bộ, và sử dụng các phương tiện công cộng đạt chuẩn phát thải (ví dụ: BRT, xe điện, xe buýt và các phương tiện phát thải thấp khác, đạt chuẩn Euro 4). Tránh tối đa sử dụng các phương tiện giao thông quá cũ, không đủ tiêu chuẩn, thải chất gây ô nhiễm không khí.

Tăng cường trồng cây và bảo vệ cây.

Sử dụng máy lọc khí trong nhà với cường độ tùy theo mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí.

Tắt máy tại các nút đèn giao thông nếu đèn đỏ quá 30s. Lau dọn nhà cửa và tham gia vệ sinh các khu vực công cộng.

Tích cực phát hiện các điểm và hành vi gây ô nhiễm không khí và thông báo đến cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ động chia sẻ những thông tin nâng cao nhận thức và các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí đối với mọi người xung quanh, người thân của mình và trên các trang mạng xã hội.

6.2. KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CÁCNHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH

Nhanh chóng lắp đặt hệ thống đo lường chất lượng không khí đủ tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp dữ liệu và thông tin cảnh báo cho người dân theo thời gian thực.

Hỗ trợ các nghiên cứu khoa học độc lập, đáng tin cậy để xác định chính xác các nguồn gây ô nhiễm không khí.

Lập các chính sách bảo vệ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm không khí, như người già và trẻ em. Ví dụ: cho học sinh được nghỉ học vào những ngày chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức cho phép.

Kiểm soát chặt chẽ phát thải của các phương tiện giao thông. Trong khi cần có lộ trình thay thế xe cá nhân, việc kiểm soát chuẩn phát thải của phương tiện công cộng như xe buýt là việc chính phủ có thể làm ngay. Rà soát và siết chặt việc kiểm soát bụi và ô nhiễm từ các công trình xây dựng.

Lập khu vực phát thải thấp ở nội đô thành phố.

MDI khuyến nghị các chính sách quốc gia về ô nhiễm không khí được lập ra ở mức độ tối ưu nhất để cân bằng giữa phát triển kinh tế, ngoại giao và đảm bảo môi trường trong sạch, sức khỏe cộng đồng.

6.2.1. KHUYẾN NGHỊ VỀ CÁC PHƯƠNG ÁN, CHÍNH SÁCH NGẮN HẠN

Xây dựng một kế hoạch tổng thể quản lý chất lượng không khí.

Xây dựng và quản lý hệ thống đo lường ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu về thực trạng ô nhiễm không khí. Ví dụ như Chỉ số chất lượng không khí, bao gồm các chỉ số của các thành phần gây ô nhiễm không khí lớn nhất, như PM2.5, PM10, bụi vàng, ozone, nitrogen dioxide (NO2), Sulfur Dioxide (SO2), Carbon Monoxide (CO); Xây dựng các trạm đo đạt tiêu chuẩn quốc tế, kết nối dữ liệu quốc gia, bao gồm các trạm đo chung về ô nhiễm không khí, và các trạm chuyên biệt như đo kim loại nặng, đo ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm đường phố, ô nhiễm a xít…

Quản lý các nguồn phát thải công nghiệp: Lập bản đồ dữ liệu và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nội đô và các tỉnh xung quanh; Đưa ra mức phạt cao đối với những cơ sở gây ô nhiễm; Hạn chế điện than, xi măng... và những ngành công nghiệp gây ô nhiễm không khí;

Phát triển hệ thống cảnh báo sớm: Lập hệ thống cảnh báo sớm cho công dân những thời điểm ô nhiễm không khí cao có hại cho sức khỏe, bao gồm cảnh báo về nồng độ ozone, PM10, PM 2.5, hóa chất gây hại cho sức khỏe; Nâng cao năng lực bảo vệ sức khỏe đối với những nhóm nhạy cảm như người già và trẻ em, bao gồm lập các kế hoạch hành động chi tiết;

Quản lý phát thải từ giao thông: Xây dựng các chính sách và cơ chế cho việc lựa chọn việc lưu hành các phương tiện giao thông phát thải thấp, như khuyến khích các dự án giao thông phát thải thấp như xe điện, xe buýt xanh, xây dựng và mở rộng hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông; Làm đường ưu tiên cho xe buýt; Làm đường cho xe đạp; lập các vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện cũ, không đủ tiêu chuẩn; Không sử dụng phương tiện phát thải ô nhiễm cao đối với các dịch vụ công...

Quản lý các nguồn phát thải khác: Thay thế than tổ ong bằng các vật liệu sạch; Thay thế những động cơ boiler dùng khí gas để sưởi ấm và đun nước không đủ chuẩn; quản lý chặt hơn nguồn ô nhiễm bụi từ vệ sinh đường phố như sử dụng máy phun nước;

Kiểm soát các hoạt động xây dựng gây ô nhiễm, đặc biệt các thiết bị xây dựng quá cũ, không đủ tiêu chuẩn là nguồn phát thải PM 2.5; quản lý bụi từ quá trình xây dựng bằng các thiết bị chắn bụi;

Hợp tác quốc tế: Tích cực hợp tác quốc tế để giải quyết các nguồn gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới, bao gồm hoạt động tích cực trong các diễn đàn quốc tế về chất lượng không khí; ký kết các thỏa thuận hợp tác liên chính phủ và liên thành phố;

Ban hành, sửa đổi luật và các quy định liên quan nhằm chống ô nhiễm không khí, trong đó cân nhắc ban hành đạo luật về không khí sạch, kiểm soát triệt để các nguồn phát thải và khối lượng phát thải, cho phép các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng không khí hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI DÂN TẠI HÀ NỘI VÀ TPHCM VỀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(38 trang)