đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và nguyên nhân
2.2.3.1. Những hạn chế, tồn tại trong thực hiện thủ tục thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện thủ tục tố tụng thân thiện với người dưới 18 tuổi đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót nhất định:
Thứ nhất, quy định pháp luật về tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn còn tản mạn và khiếm khuyết. Hiện vẫn chưa có một đạo luật về tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội riêng biệt và đặc thù. Việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi được thực hiện thông qua một loạt các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư và các chương trình, chính sách khác nhau. Trong thập kỷ vừa qua, các đạo luật cơ bản liên quan đến tư pháp đối với người dưới 18 tuổi đều lần lượt được sửa đổi, bổ sung, nhưng lại không theo một định hướng chiến lược nên chưa hỗ trợ, bổ sung đầy đủ được cho nhau để tạo thành một khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh cả quá trình phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật lập pháp, nhiều quy định pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu chặt chẽ như: thiếu thống nhất trong quy định về phạm vi chủ thể được áp dụng thủ tục tố tụng
thân thiện; quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng còn chưa chặt chẽ; còn chưa quy định về tiêu chuẩn của một số chủ thể làm việc với người dưới 18 tuổi (người giám định, người phiên dịch….); quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người dưới 18 tuổi phạm tội còn chưa phù hợp với thực tiễn….
Thứ ba, việc thực hiện thủ tục tố tụng thân thiện với người dưới 18 tuổi đối với người dưới 18 tuổi ở một số nơi, một số lúc còn chưa đảm bảo mục tiêu, nội dung đã đề ra. Cụ thể:
Tỷ lệ áp dụng biện pháp ngăn chặn tước tự do vẫn còn cao so với tỷ lệ áp dụng biện pháp giám sát, không tước tự do. Tỷ lệ áp dụng tạm giam chiếm đến 35% so với các biện pháp giám sát, không tước tự do. Thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã được giảm đáng kể theo quy định của Bộ luật TTHS 2015, mặc dù vậy vẫn còn rất dài. Thủ tục thông báo về việc bắt, tạm giữ, tạm giam cho người đại diện của người bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam là người dưới 18 tuổi được quy định trái với các nguyên tắc xử lý của thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (như đã phân tích ở trên).
Vẫn còn tình trạng người THTT chưa thân thiện trong thái độ, cách ứng xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tình trạng không có sự có mặt của người đại diện, nhà trường, người bào chữa trong các hoạt động tố tụng vẫn còn xảy ra, thậm chí có những trường hợp không có mặt của những người này cho đến khi hết giai đoạn điều tra.
Mô hình tổ chức cơ quan tiến hành tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã được quan tâm, triển khai nhưng chưa đồng bộ, còn chậm và đôi khi còn mang tính hình thức. Thậm chí, mô hình này còn chưa được chú trọng ở những giai đoạn tiền xét xử.
2.2.3.2. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong thực hiện thủ tục tố tụng thân thiện với người dưới 18 tuổi phạm tội
Có rất nhiều lý do dẫn đến thủ tục tố tụng thân thiện với người dưới 18 tuổi đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chưa hoàn thiện, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, cụ thể:
Một là, do pháp luật TTHS chưa thực sự toàn diện, hoạt động xây dựng pháp luật chưa có tầm nhìn tổng thể, chiến lược. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, sau
khi ban hành BLHS, Bộ luật TTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 phải dừng hiệu lực thi hành để rà soát, chỉnh sửa các sai sót về cả nội dung và hình thức là một trong những khía cạnh thể hiện rõ nét của việc chưa có một chương trình xây dựng pháp luật toàn diện, tổng thể, trong đó có pháp luật TTHS. Sau khi có điều chỉnh, Bộ luật TTHS đã được triển khai thi hành nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Trong phạm vi liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội, các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 cũng đã có những điểm trống, chưa rõ ràng, thiếu chính xác, thậm chí có trường hợp đi ngược lại với những tiến bộ đã được ghi nhận trong Bộ luật TTHS năm 2003 (như đã phân tích trên) càng khẳng định rõ về việc thiếu chiến lược toàn diện, tổng thể, tầm nhìn trong xây dựng pháp luật TTHS ở Việt Nam.
Hai là, cơ sở vật chất và các dịch vụ thiếu yếu phục vụ cho giáo dục, giám sát, phục hồi, tái hòa nhập cho người dưới 18 tuổi còn thiếu, chất lượng chưa cao. Mô hình tố tụng thân thiện đòi hỏi phải có hệ thống đồng bộ các dịch vụ giáo dục, phục hồi tại cộng đồng như tham vấn, giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề, chương trình giáo dục dạy nghề chưa đa dạng… để đảm bảo hỗ trợ người dưới 18 tuổi khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, tái hòa nhập cộng đồng.
Ba là, việc đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ pháp luật và công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật, việc thống kê, báo cáo, phân tích số liệu về người dưới 18 tuổi phạm tội còn chưa được thực hiện đầy đủ, hệ thống, chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn. Mặc dù, công tác tập huấn, nâng cao năng lực để triển khai thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật mới cũng được đẩy mạnh, đặc biệt thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc tập huấn trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, điển hình như ngày 17/4/2019, VKSNDTC tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn ngành kiểm sát để triển khai thực hiện các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành BLTTHS, trong đó có Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật TTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, qua phân tích trong phần tổng quan tình hình nghiên cứu, luận văn cũng cho thấy hiện còn thiếu nghiên cứu sâu rộng về các yếu tố dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự của người dưới 18 tuổi và những biện pháp có hiệu quả nhất để giáo dục,
phục hồi, ngăn ngừa tái phạm nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Bốn là, việc tổ chức thi hành pháp luật TTHS trên thực tế ở các địa phương còn chưa thống nhất. Mặc dù công tác thi hành pháp luật đã được chú trọng và đẩy mạnh hơn, điển hình như Chính phủ đã ban hành một đề án của quốc gia về đổi mới và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật (Quyết định 242/QĐ-TThg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 59/2012/NĐ-CP trong đó Bộ Tư pháp được giao trách nhiệm chủ trì công tác theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước, theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành… Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn còn xảy ra tình trạng theo “án lệ”, cảm tính, tùy tiện, kinh nghiệm của người có thẩm quyền THTT.
Năm là, ý thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và nhân dân còn nhiều hạn chế và thiếu đội ngũ chuyên trách, thiếu chính sách đối với đội ngũ cán bộ để giải quyết các vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện. Hiện nay Việt Nam chưa có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp được đào tạo và hưởng thù lao để có trách nhiệm hỗ trợ, phục hồi cho người dưới 18 tuổi phạm tội tại cộng đồng. Bên cạnh đó, ngoài việc hình thành Tòa Gia đình và NCTN thì ở các CQĐT, VKSND, luật sư thì vẫn chưa có các cán bộ chuyên trách được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc có hiệu quả với người dưới 18 tuổi phạm tội.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Trong chương 2 của luận văn, học viên phân tích về quy định của pháp luật TTHS Việt Nam hiện hành về thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và thực tiễn tại tỉnh Bắc Ninh.
Những quy định về thủ tục tố tụng thân thiện được thể hiện thông qua quy định về đối tượng chứng minh trong vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội; quy định về chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng trong vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội; quy định về những biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội; thủ tục tố tụng trong vụ án hình sự; về thủ tục thực hiện các biện pháp giám sát giáo dục đối với người dưới 18 tuổi dược miễn trách nhiệm hình sự.
Về thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Ninh cho thấy, tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi phạm tội ở Bắc Ninh có xu hướng gia tăng. Trong những năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế điều này vẫn còn những hạn chế, và tồn tại nhất định.
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN THỦ TỤC TỐ TỤNG THÂN THIỆN
ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI