Những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố đối với vụ án xâm phạm sở hữu từ thực tiễn viện kiểm sát nhân dân huyện yên định, tỉnh thanh hóa (Trang 51 - 65)

7. Kết cấu luận văn

2.3. Những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân

Áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố của VKSND huyện Yên Định đối với vụ án xâm phạm sở hữu những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả cao đáng ghi nhận. Viện kiểm sát đã nêu cao trách nhiệm trong việc bắt, giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, yêu cầu điều tra, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố các vụ án hình sự nói chung và các vụ án xâm phạm sở hữu nói riêng, cơ bản đã khắc phục tư duy pháp lý thuần túy trong công tác xử lý tội phạm, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố đối với các tội xâm phạm sở hữu tại VKSND huyện Yên Định vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là:

2.3.1. Việc áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố đối với vụ án xâm phạm sở hữu trong giai đoạn khởi tố

Việc nắm và quản lý tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm sở hữu của đơn vị có vụ việc còn hạn chế, lúng túng về phương pháp công tác, chưa nắm được đầy đủ tình hình tội phạm trên địa bàn. Chất lượng phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm còn thấp, còn có tin báo để tồn đọng, keo dài, quá hạn luật định hoặc bỏ qua không xử lý dẫn tới bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Trách nhiệm trong việc phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam có vụ việc còn chưa cao, chưa đi sâu nghiên cứu hồ sơ, phân tích, đánh giá chứng cứ, chủ quan dựa vào hồ sơ của CQĐT, không trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra để xác minh, thu thập chứng cứ. Vẫn còn một số trường hợp CQĐT lạm dụng việc bắt, giữ người khẩn cấp, nhưng

VKS vẫn phê chuẩn hoặc cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn, nhưng không áp dụng, dẫn đến đối tượng trốn, gây khó khăn cho việc xác minh, giải quyết vụ việc. Hoạt động đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh của VKS, về hình thức một số bản soạn thảo chưa đúng mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ- VKSTC, ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao; về nội dung, yêu cầu còn chung chung, sơ sài, chưa rõ ràng và chưa có tính khả thi cao, thể hiện Kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ khi đề ra yêu cầu xác minh.

Vẫn còn tình trạng yêu cầu xác minh của Kiểm sát viên không được thực hiện nghiêm túc. Có trường hợp trong suốt thời hạn xác minh, Điều tra viên không thực hiện thêm nội dung gì, hoặc chỉ lấy qua loa một số bản khai, sau đó đề nghị gia hạn tiếp. Kiểm sát viên phải ban hành văn bản yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ và triệt để các nội dung yêu cầu đã đề ra trước đó.

2.3.2. Việc áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố đối với vụ án xâm phạm sở hữu trong giai đoạn điều tra, truy tố

Trong giai đoạn điều tra của CQĐT, Bộ luật TTHS đã trao cho VKS rất nhiều quyền năng để VKS có thể ban hành các quyết định đối với vụ án. Tuy nhiên, vẫn còn một số hoạt động tố tụng luật chưa quy định cho VKS như luật không cho phép VKS nhập hoặc tách vụ án mà chỉ dành quyền cho CQĐT. Dẫn đến khó khăn trong việc kiểm sát điều tra, khi phát hiện thêm tội phạm mới việc tách, nhập vụ án có thể thuận lợi cho công tác điều tra tuy nhiên sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động truy tố.

Ví dụ vụ án Nguyễn Văn Dương cùng đồng bọn bị truy tố về tội “Cướp tài sản” năm 2018. Khi gần hoàn tất việc điều tra thì phát hiện Dương có dấu hiệu phạm thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với các đồng phạm mới, không liên quan gì đến vụ án cướp tài sản. Về cơ bản hành vi của Dương trong hai sự việc phạm tội không liên quan đến nhau thuộc hai vụ án độc lập. Việc điều tra vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Dương cùng đồng bọn sẽ bắt đầu những hoạt động tố tụng mới đối với hành vi “lừa đảo” của Dương cùng đồng bọn. CQĐT không tách vụ án để VKS truy tố Dương trong vụ “Cướp tài sản” mà tiếp tục kéo dài thời gian điều tra để điều tra vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì vậy, VKS không có căn cứ để ra quyết định tách vụ án trong trường hợp này dẫn

tới kéo dài thời gian điều tra, cũng như không đảm bảo được quyền lợi của các bị can đồng phạm khác với Dương trong vụ “Cướp tài sản”.

Ngoài ra, nhiều điều luật quy định cụ thể nhiệm vụ của CQĐT trong Bộ luật TTHS đồng thời cũng quy định VKS có thể thực hiện nhiều hoạt động điều tra như: hỏi cung bị can theo Điều 183, triệu tập hoặc lấy lời khai người làm chứng theo Điều 185 và 186 hoặc cho tiến hành đối chất theo Điều 189... tất cả những quyền năng này VKS đều có thể thực hiện mà chỉ cần thông báo cho CQĐT biết. Nhưng nhà làm luật đã cho vào một yếu tố, đó là khi nào thấy cần thiết mới thực hiện. Vậy thấy cần thiết là như thế nào? đây là một vấn đề rất khó mà với phạm vi những quy định của Bộ luật TTHS thì chưa thể giải quyết hết được. Trong thực tế, khi thực hiện những thẩm quyền này thường có sự phản ứng của CQĐT vì họ cho rằng những hoạt động của họ là đã đầy đủ và viện dẫn việc VKS tham gia có thể không đảm bảo yếu tố bí mật cũng như nghiệp vụ điều tra của CQĐT. Do đó, để chứng minh được thế nào là cần thiết lúc này lại phụ thuộc vào khả năng của mỗi Kiểm sát viên mà không có một căn cứ rõ ràng nào.

Vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên thụ động, ngồi chờ hồ sơ, chưa kịp thời tác động để đảm bảo việc điều tra, lập hồ sơ tuân thủ đúng pháp luật; chưa bám sát tiến độ và kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra đến khi CQĐT chuyển hồ sơ sang đề nghị truy tố mới nghiên cứu, phát hiện thấy vi phạm, thiếu sót phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Còn có vụ án, Kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ để đối chiếu với các quy định của pháp luật xem hành vi của đối tượng liên quan có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không? Dẫn đến có trường hợp phải đình chỉ điều tra vụ án do không có sự kiện phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Trong thực tế nhận thức pháp luật của những người tiến hành tố tụng có vụ việc không thống nhất, dẫn đến có những quyết định trả hồ sơ của VKS gây tranh cãi về mặt căn cứ, có tình huống VKS trả hồ sơ yêu cầu khởi tố thêm bị can về tội không tố giác tội phạm trong vụ án trộm cắp tài sản, nhưng CQĐT đã miễn trách nhiệm hình sự cho người này theo khoản 3 Điều 29 BLHS.

2.3.3. Việc áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố đối với vụ án xâm phạm sở hữu trong giai đoạn xét xử

Quá trình thực hiện chức năng THQCT đối với vụ án xâm phạm sở hữu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, một số Kiểm sát viên chưa quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp. Còn có Kiểm sát viên tinh thần trách nhiệm chưa cao; việc nghiên cứu, lập hồ sơ truy tố chưa đầy đủ và chặt chẽ về chứng cứ, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử mới phát hiện ra nên có trường hợp phải rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố. Ngoài ra, còn có trường hợp Kiểm sát viên chưa nắm vững hồ sơ và các tình tiết, chứng cứ của vụ án nên để xảy ra tình trạng khi công bố bản cáo trạng cũng như tham gia phiên tòa vẫn không kịp thời phát hiện ra những thiếu sót trong quá trình điều tra để có biện pháp khắc phục mà vẫn bảo vệ quan điểm truy tố và đề xuất áp dụng hình phạt đối với bị cáo dẫn đến tình trạng án oan sai.

Kiểm sát viên THQCT tại phiên tòa chưa chủ động tham gia xét hỏi và tranh luận; chất lượng luận tội và các lý lẽ, lập luận Kiểm sát viên đưa ra để bảo vệ cáo trạng và quan điểm truy tố của VKS chưa cao, chưa sắc bén. Cá biệt có Kiểm sát viên còn chép nguyên cả nội dung cáo trạng vào bản luận tội, mà chưa tập trung tìm ra các chứng cứ, lý lẽ buộc tội để phân tích, chứng minh bảo vệ cáo trạng do vậy khi đề xuất việc áp dụng tội danh và hình phạt đối với bị cáo chưa có cơ sở, thiếu tính thuyết phục. Hơn thế, hầu hết các Kiểm sát viên chỉ mới được đào tạo chuyên môn luật và nghiệp vụ kiểm sát mà chưa được qua các lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về đối đáp, tranh luận với người bào chữa tại phiên tòa, do đó chưa toát lên được cái “hồn” của việc tranh tụng, còn vắng bóng các phiên tòa mà có sự đối đáp sắc bén, mang tính thuyết phục cao, có lý, có tình giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

Ngoài ra ở một số phiên tòa, Kiểm sát viên chưa kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tố tụng tại phiên tòa, chưa tập trung chú ý theo dõi, cập nhật đầy đủ diễn biến phiên tòa, do đó khi phát sinh các tình tiết, chứng cứ mới trong quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, Kiểm sát viên không bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời vào bản dự thảo luận tội của mình hoặc hỏi lại những vấn đề mà HĐXX đã đề cập đến nên tính thuyết phục chưa cao, Kiểm sát viên mới chỉ chú ý đến trách nhiệm thông qua bản luận tội mà chưa thấy hết ý nghĩa của bản luận tội.

Quy định của pháp luật về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn có những nội dung chưa rõ ràng, dẫn đến quá trình thực hiện còn lúng túng, thậm chí áp dụng tùy tiện, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương khác nhau. Tại Điều 122 Bộ luật TTHS quy định về đặt tiền để bảo đảm không quy định cụ thể mức tiền hoặc tài sản phải đặt, dẫn đến cùng một hành vi phạm tội tương tự nhau, nhưng các địa phương áp dụng biện pháp ngăn chặn này khác nhau. Điều này gây khó khăn lúng túng cho VKS khi quyết định áp dụng biện pháp này để thay thế cho biện pháp tạm giam. Trong một số trường hợp, do không kịp thời áp dụng biện pháp ngăn chặn dẫn tới bị can bỏ trốn phải tạm đình chỉ vụ án.

Thực tế cho thấy biện pháp khó áp dụng nhất là bảo lĩnh, VKSND huyện Yên Định cũng có rất ít vụ án áp dụng biện pháp này. Bởi Bộ luật TTHS quy định “Bảo lĩnh” là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Vậy, vấn đề đặt ra là trong mọi trường hợp chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn này sau khi bị can, bị cáo đang bị tạm giam hay áp dụng biện pháp ngăn chặn này ngay từ đầu khi khởi tố bị can? Đây là vấn đề chưa có hướng dẫn nên thực tế còn nhiều bất cập, ngoài những bị can, bị cáo đã bị tạm giam khi có đủ điều kiện áp dụng biện pháp này thì còn có cả những bị can được áp dụng biện pháp này sau khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc bị can ra đầu thú trước cơ quan pháp luật. Điều kiện áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo còn chung chung, chưa cụ thể nên gây khó khăn cho việc áp dụng.

Luật chỉ quy định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà không xác định rõ trường hợp phạm loại tội nào và đối tượng có điều kiện hoàn cảnh nhân thân như thế nào thì được áp dụng nên thực tế việc có áp dụng hay không áp dụng biện pháp ngăn chặn này vẫn tùy thuộc vào ý chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Thực tế có trường hợp bị can, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, thành khẩn khai báo, là người chưa thành niên, người bị bệnh nặng, người khuyết tật, người trụ cột trong gia đình… nhưng vẫn không được cho bảo lĩnh. Luật quy định chung chung là nguyên nhân đến sự tùy nghi trong cách hiểu vấn đề và áp dụng pháp luật không thống nhất.

Bộ luật TTHS quy định về tiêu chuẩn của cá nhân nhận bảo lĩnh (có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật) nhưng lại không quy định tiêu chuẩn của cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh [43]. Vậy, tổ chức nhận bảo lĩnh là tổ chức nào, là tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo hay mọi tổ chức đều có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo của tổ chức mình khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

2.3.5. Những hạn chế khác

2.3.5.1. Những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật

Trong quá trình áp dụng pháp luật về THQCT đối với vụ án xâm phạm sở hữu VKSND huyện Yên Định gặp phải một số vướng mắc khi định tội danh do còn thiếu hướng dẫn về cách áp dụng pháp luật với một số tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu như:

a) Về tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” đối với các tội xâm phạm sở hữu

Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội xâm phạm sở hữu, tình tiết này có ý nghĩa là căn cứ định tội khi hành vi của một người thực hiện chưa thỏa mãn mức định lượng tối thiểu mà điều luật quy định. Trong các cấu thành này, BLHS mô tả theo hai cách:

Một là, mô tả dạng tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi

chiếm đoạt…” quy định trong cấu thành cơ bản các Điều 172 (tội công nhiên

chiếm đoạt tài sản), Điều 173 (tội trộm cắp tài sản), Điều 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 175 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Theo đó, nếu một người trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi chiếm đoạt nếu chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mà lại thực hiện một trong những hành vi chiếm đoạt sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng. - Hành vi trộm cắp tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng.

- Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng.

Hai là, tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” quy định tại Điều 177 (tội sử dụng trái phép tài sản), Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Theo đó người nào sử dụng trái phép tài sản gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng trước đó cũng đã bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản và trường hợp người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì cũng bị truy cứu trách nhiệm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng pháp luật về thực hành quyền công tố đối với vụ án xâm phạm sở hữu từ thực tiễn viện kiểm sát nhân dân huyện yên định, tỉnh thanh hóa (Trang 51 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)