2.3.1. Một số hạn chế
Đề tài luận văn là về thực tiễn áp dụng các hình phạt chính không tước tự do trên địa bàn Thành phố Biên Hòa, có phạm vi nghiên cứu là từ năm 2015 đến năm 2019. Trong giai đoạn này, Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn còn đang có hiệu lực và hiện nay Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực
kể từ ngày 01/01/2018 đến nay. Tuy nhiên, cả hai bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015 đều có quy định các hình phạt chính không tước tự do giống nhau bao gồm các hình phạt là: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.
2.3.1.1. Những hạn chế trong Bộ luật hình sự về hình phạt cảnh cáo
- Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không được áp dụng hình phạt chính là cảnh cáo (Điều 28), vì hình phạt này chỉ áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 31), trong khi tại Điều 12 quy định “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” [19, tr. 53]. Mặt khác, một quy định bất cập của Bộ luật hình sự năm 1999 là tại Khoản 1 Điều 71 có quy định “hình phạt cảnh cáo được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội” vì như vậy là có mâu thuẫn với quy định tại các Điều 25, 29, 70 và vi phạm Khoản 2, 4 Điều 69 về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.
- Cả hai Bộ luật hình sự năm 1999 và 2015 đều không đưa ra được khái niệm về hình phạt cảnh cáo, trong khi tên hình phạt đã được quy định chính thức trong hệ thống hình phạt chính của Bộ luật hình sự. Việc chưa đưa ra được định nghĩa với các đặc điểm pháp lý riêng của hình phạt cảnh cáo là còn thiếu sót, khó khăn, không chính thống khi sử dụng nên cũng là một trong những nguyên nhân tòa án thường tránh áp dụng hình phạt này.
- Quy định của Bộ luật hình sự về miễn hình phạt còn còn khó hiểu, dẫn đến việc áp dụng hình phạt cảnh cáo khó thực hiện do một trong những điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo có quy định là “chưa đến mức miễn hình phạt”. Cụ thể: Điều 59 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về các điều kiện để được miễn hình phạt nhưng lại dẫn chiếu điều kiện này gián tiếp qua điều luật khác là Điều 54 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; sau đó, lại dẫn chiếu sang khoản 1 Điều 51 rồi tiếp tục dẫn chiếu ngược trở lại để xem có đáp ứng đủ điều kiện hay không. Do đó, cách xây dựng này của nhà làm luật đã gây nên sự khó hiểu dẫn đến trong thực tiễn áp dụng gặp vướng mắc.
- Hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt chính trong hệ thống hình phạt, nhẹ hơn so với án treo vì bản chất án treo là hình phạt tù nhưng người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt có điều kiện. Tuy nhiên những điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo lại không được quy định chặt chẽ như đối với án treo.
- Tính cưỡng chế và tính nghiêm khắc của hình phạt này là chưa cao, có thể nói là không có, vì đối với hình phạt này thì ngay sau thời điểm tuyên án thì coi như người bị kết án đã chấp hành xong. Do đó làm giảm ý nghĩa của loại hình phạt này.
2.3.1.2. Những hạn chế của quy định trong Bộ luật hình sự về hình phạt tiền
- Cũng như hình phạt cảnh cáo, cả hai Bộ luật hình sự năm 1999 và 2015 đều không đưa ra khái niệm về hình phạt tiền là chưa đầy đủ.
- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 30 Bộ luật hình sự năm 1999, điều kiện áp dụng là đối với người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng đối với một số tội ở phần các tội phạm lại quy định phạt tiền là hình phạt chính ngay cả đối với tội nghiêm trọng, như tại khoản 1, Điều 155 quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm “1. Người nào sản xuất... thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.” [19, tr. 142].
Quy định này đã được Bộ luật hình sự năm 2015 khắc phục, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 35: “a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;” [20, tr. 27].
- Do hình phạt tiền được áp dụng với hai tư cách vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung nhưng lại đều được quy định chung trong chế tài lựa chọn cùng với các hình phạt khác… khiến cho phạm vi áp dụng hình phạt bị thu hẹp và ít được lựa chọn để áp dụng.
- Khoản 4 Điều 30 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “4. Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Toà án quyết định trong bản án.” [19, tr. 62] nhưng lại không có quy định “nhiều lần” là như thế nào nên đa số các bản án thường chỉ tuyên phạt tiền bị cáo một lần. Sau này khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực đã sửa đổi bất cập là bỏ quy định về nộp tiền phạt mà về việc này được xử lý theo quy định của thi hành án.
- Về tâm lý xã hội, đa số cho rằng hình phạt này không thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật vì có tiền là thoát tội. Vì vậy hình phạt này ít được lựa chọn áp dụng do dễ bị hiểu lầm là “có vấn đề”.
- Về hình phạt tiền: Việc quy định khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa trong một số điều luật quá rộng dẫn đến dễ tùy tiện áp dụng. Ví dụ quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự năm 1999 có khoảng cách chênh lệch là 30 lần.
- Bộ luật hình sự năm 1999 cũng như năm 2015 cũng đều quy định khi quyết định mức tiền phạt đối với người phạm tội, Tòa án phải xét đến tình hình tài sản của họ. Tuy nhiên, tình hình tài sản của người phạm tội được xác định bằng cách nào thì không có quy định cụ thể. Vì ở giai đoạn điều tra cũng như giai đoạn truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng thường không điều tra làm rõ tình hình tài sản của người phạm tội nên khi xét xử, Tòa án khó có căn cứ để kết luận về tình hình tài sản của người phạm tội làm cơ sở để quyết định mức hình phạt trong trường hợp áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Đây chính là vướng mắc khiến việc áp dụng hình phạt tiền còn khó khăn và tùy nghi áp dụng.
2.3.1.3. Những hạn chế của quy định trong Bộ luật hình sự về hình phạt cải tạo không giam giữ
- Thứ nhất, về định nghĩa pháp lý của hình phạt này cũng chưa đưa ra được trong cả hai Bộ luật hình sự.
- Thứ hai, Điều 31 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho chính quyền địa phương” nhưng không định nghĩa rõ “chính quyền địa phương” ở đây là cấp chính quyền nào? Đồng thời “nơi người đó thường trú” rất dễ hiểu là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và như vậy sẽ khó cho việc thi hành hình phạt vì nhiều trường hợp người phạm tội đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương này nhưng sinh sống, làm việc ở địa phương khác. Đến khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thì đã khắc phục được bất cập này.
- Thứ ba, cả hai Bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015 đều quy định “người bị kết án bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước”. Nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 lại không quy định được thực hiện như thế nào và
trường hợp mất thu nhập thì thực hiện ra sao. Bộ luật hình sự năm 2015 đã khắc phục và quy định là “việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng”, và trong
“trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.” (Khoản 4 Điều 36) [20, tr. 28].
- Thứ tư, về giám sát, giáo dục người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan, tổ chức, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thường né tránh không muốn nhận trách nhiệm; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện triệt để, còn tùy tiện, buông lỏng công tác này ở cơ sở, thường giao phó cho gia đình của người chấp hành án, ảnh hưởng đến mục đích của hình phạt đã tuyên.
2.3.1.4. Những hạn chế của quy định trong Bộ luật hình sự về hình phạt trục xuất
- Hình phạt trục xuất được quy định là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của Bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015, nhưng trên thực tế về thẩm quyền xét xử, đến nay tòa án cấp huyện vẫn chưa có giải quyết vụ án nào; đồng thời các vụ án liên quan đến trục xuất người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là rất ít so với các hình phạt khác, do tính chất nhạy cảm của vấn đề và do trước đây chỉ được xem là biện pháp hành chính nên việc áp dụng pháp luật hình sự nói chung và hình phạt trục xuất nói riêng là khó khăn cho công tác xét xử của tòa án. Chính vì vậy, hạn chế của Bộ luật hình sự là đã không quy định những tiêu chí cụ thể như: phạm vi, điều kiện áp dụng; thời hạn xóa án tích… Bởi, một câu hỏi đặt ra là sau khi người nước ngoài bị kết án đã bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì họ có được phép nhập cảnh trở lại Việt Nam ngay hay không? Vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ trong Bộ luật hình sự.
- Trường hợp một người nước ngoài, mang nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng Bộ luật hình sự chưa có quy định là trục xuất người bị kết án về nước nào trong trường hợp này.
2.3.2. Hạn chế trong áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự
Áp dụng pháp luật hình sự có thể được hiểu nôm na là một dạng áp dụng pháp luật, là một hình thức thực hiện pháp luật đặc biệt nhằm cá biệt hóa quy phạm pháp luật vào sự kiện pháp lý cụ thể do người có thẩm quyền thực hiện theo thủ tục được quy định chặt chẽ bởi pháp luật tố tụng hình sự làm thay đổi quyền, nghĩa vụ của người bị áp dụng. Trong đó, Tòa án là chủ thể trung tâm của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự; cơ quan điều tra và viện kiểm sát tham gia vào hoạt động áp dụng pháp luật hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự khác nhau.
Từ khái niệm về áp dụng pháp luật hình sự trên, và sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự về hình phạt chính không tước tự do và từ thực trạng áp dụng các hình phạt chính không tước tự do trên địa bàn Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được nêu tại Chương 2 này tác giả đưa ra một số hạn chế trong áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự như sau:
- Về yếu tố chủ quan: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án là chủ thể của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự, tuy nhiên hành vi tố tụng của các cơ quan này trong quá trình giải quyết vụ án phải thông qua con người như: điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán. Xét con người tiến hành tố tụng thì có các yếu tố chủ quan cơ bản sau đây:
+ Trình độ năng lực chuyên môn: Nói chung, để phân tích đầy đủ thì trong phạm vi đề tài luận văn không thể trình bày hết. Tuy nhiên do các cơ quan/người tiến hành tố tụng cấp huyện nói chung đa phần là các cán bộ có tuổi đời non trẻ, công tác chưa lâu. Ví dụ các thẩm phán ở tòa cấp huyện nói chung và tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa nói riêng nhiều thẩm phán mới được bổ nhiệm hoặc được bổ nhiệm thẩm phán chưa lâu nên có phần còn hạn chế về trình độ, về chuyên môn.
+ Phẩm chất chính trị, ý thức pháp luật và tinh thần trách nhiệm: Như trình bày trên, do các cán bộ tiến hành tố tụng tuổi đa phần còn trẻ, mà “trẻ người thì non dạ” nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố chủ quan này.
+ Cơ chế hoạt động và mối liên quan giữa các cơ quan/người tiến hành tố tụng:
Đây là vấn đề rất nhạy cảm nên với tư cách là nhà nghiên cứu khoa học và trong phạm vi luận văn, theo quan điểm của riêng tác giả thì, khi nào các cơ quan này có cơ chế hoạt động độc lập với nhau theo nghĩa đen hoàn toàn, lấy tòa án là trọng tâm xét xử, chỉ xét xử và chỉ tuân theo pháp luật, nhất là Điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định về Nguyên tắc suy đoán vô tội. Đồng thời các cơ quan này phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự, chính là phải tuân thủ các quy tắc tố tụng hình sự trong điều tra, truy tố và xét xử. Được vậy, công cuộc cải cách tư pháp nhất định sẽ thành công.
“Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”.
2.3.3. Nhận định nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận định và rút ra hạn chế trong áp dụng các hình phạt chính không tước tự do trên địa bàn TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai là do một số nguyên nhân chính sau đây:
- Việc áp dụng các hình phạt chính không tước tự do được áp dụng ít trong xét xử do là quy định của luật thực định còn mang tính tùy nghi. Bộ luật hình sự hiện hành không quy định cụ thể mang tính bắt buộc đối với các hình phạt chính không tước tự do mà chỉ quy định chung chung là “…thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ…”, dẫn đến thẩm phán xét xử không có căn cứ rõ ràng để áp dụng hay bị buộc phải áp dụng mà chủ yếu chỉ dựa vào đánh giá, nhận thức của thẩm phán.
- Trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định là có sự tham gia của các hội thẩm trong hội đồng xét xử; đồng thời, tại Điều 23 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo
pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế là trong thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm, số lượng Hội thẩm bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với Thẩm phán. Đây chính là một lợi thế để các Hội thẩm thể hiện “ngang quyền” với Thẩm phán khi xét xử trên tinh thần dân chủ. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, khi trình độ kiến