Đi tìm vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa (Trang 25 - 42)

2.1.1 Vẻ đẹp thiên nhiên trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa

Nếu như nền văn minh phương Tây hướng ra biển, trong ứng xử, con người luôn chiến đấu và chinh phục thiên nhiên, buộc thiên nhiên phục vụ con người, thì với nền văn minh phương Đông – nền văn minh xuất hiện bên những dòng sông, con người luôn học cách sống hài hòa với thiên nhiên, coi mình là một phần của thiên nhiên. Với đất nước thuộc nền văn hóa phương Đông như Việt Nam, thiên nhiên có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài vai trò là môi trường và nguồn lợi, thiên nhiên còn thể hiện đời sống tinh thần và tâm hồn con người. Vì vậy, từ cổ chí kim, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Trong mỗi trang văn, vẻ đẹp thiên nhiên hiện lên thật nhiều màu sắc. Mỗi nhà văn, nhà thơ lại có cách thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên khác nhau và thể hiện vẻ đẹp đó lên trang văn khác nhau, điều đó thể hiện dấu ấn sáng tạo cũng như phong cách của từng nhà văn.

Đã tạo dựng thương hiệu riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại, Phạm Duy Nghĩa chọn thiên nhiên miền núi Tây Bắc làm chủ đề xuyên suốt trong các sáng tác của mình. Chúng ta dễ hiểu vì sao thiên nhiên miền núi Tây Bắc lại được trở đi trở lại trong các sáng tác của nhà văn, bởi lẽ, Phạm Duy Nghĩa có thời

gian dài sống và làm việc tại Lào Cai, đó lại là thời gian tuổi trẻ, thanh xuân nhất của anh, nên núi rừng, mảnh đất nơi đây đã bàng bạc trong con người anh, một cách tự nhiên thấm vào văn chương của anh. Thiên nhiên Tây Bắc, không khí Tây Bắc như là máu thịt của anh, nó thể hiện đậm đặc bản chất lãng mạn, bay bổng trong con người anh. Chẳng thế mà, có lần anh tâm sự: “Có lẽ cái tạng của mình chỉ gần với rừng rú. Mình đã thử viết về thành thị, thấy rất dở. Thoát thai khỏi cái xanh tươi của miền núi là câu chữ thoi thóp, ngắc ngoải liền” [21]. Rõ ràng, thiên nhiên là một mảng màu đầy ý nghĩa và được thể hiện nhất quán trong hành trình sáng tạo của Phạm Duy Nghĩa. Nhà văn viết về thiên nhiên bằng sự chiêm nghiệm, bằng những rung động từ chính tâm hồn mình, bởi vậy, thiên nhiên trong văn anh không chỉ là nền, là khung cảnh mà nó còn là nhân vật mang sắc màu văn hóa, góp phần thể hiện phong cách sáng tác của anh.

Thiên nhiên miền núi không phải là đặc sản của riêng Phạm Duy Nghĩa. Nếu Đỗ Bích Thúy, đồng nghiệp của anh tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lựa chọn Hà Giang – nơi chị sinh ra và lớn lên làm vùng thẩm mĩ để viết lên những trang văn về miền núi, Cao Duy Sơn viết về lũng Cô Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng), thì Phạm Duy Nghĩa lại mở rộng biên độ vùng thẩm mĩ lựa chọn núi rừng Tây Bắc cho những trang văn của mình. Không lẫn với các ngòi bút khác, thiên nhiên trong văn Phạm Duy Nghĩa vẫn có những vẻ đẹp và ám ảnh riêng, tạo thành một “hương vị lạ” trong bàn tiệc văn chương viết về miền núi. Thiên nhiên miền núi trong truyện ngắn của anh luôn được hiện lên bởi ngòi bút trữ tình, lãng mạn, giàu chất thơ, đó là một thiên nhiên được vẽ bằng màu sắc và hương vị riêng đậm chất núi rừng Tây Bắc.

Đọc Phạm Duy Nghĩa, chúng ta sẽ không bắt gặp một miền núi đơn giản, thật thà mà là một thế giới miền núi lung linh, huyền ảo và gợi cảm. Chúng ta thấy một bức tranh thiên nhiên miền núi Tây Bắc trữ tình được phác họa qua các truyện ngắn: Tiếng gọi lưng chừng dốc, Lời của suối, Chuyện Ô Cán Hồ, Hoa đào xứ tuyết, Lá vàng trải, Hoa trúc đào, Cơn mưa hoa mận trắng, Trăng trên rừng Tông Qua Mu, Đêm đầy gió, Thông trên đá, Trên đồi lập lòe ánh lửa, Thương nhớ Lèng Hồ, Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh... Thiên nhiên miền núi Tây Bắcấy hiện lên đa dạng,

sinh động và nhiều màu sắc. Trang văn về thiên nhiên nào của anh cùng ngồn ngộn màu sắc, từ những màu sắc nguyên thủy nhất, Phạm Duy Nghĩa dùng chiếc cọ tài hoa của mình, pha màu, hô biến thành những mảng thiên nhiên luôn ở thế động, mang đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt đẹp. Không hề sai khi khẳng định, văn của Phạm Duy Nghĩa có tính hội họa cao, chính điều đó làm nên phong cách riêng cũng như vẻ đẹp truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, như nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận xét: “Màu sắc, vì thế, hiện lên trước hết như vẻ đẹp riêng của văn Nghĩa thông qua hệ lời có tính hội họa” [54].

Thiên nhiên Tây Bắc cả bốn mùa đều được Phạm Duy Nghĩa miêu tả trên trang văn của anh. Chúng ta hãy xem các bức tranh thiên nhiên của mùa xuân Tây Bắc: “Năm ấy, khắp Sa Pa đỏ rực hoa đào. Hoa soi mình xuống tuyết, thẹn thùng, và tuyết lạnh rưng rưng dưới màu hoa ấm lửa. Trong các khu vườn, trên các thân đào cổ thụ, tuyết bám từng mảng long lanh, và trên mặt đất trắng tinh lác đác cánh hoa đào đỏ thắm” (Hoa đào xứ tuyết) [27, tr.91]; “Qua cửa bếp, tôi thấy rặng núi xanh thẳm đằng xa đang trong cuộc giằng co với mây trắng. Mây quấn quanh núi một chiếc khăn choàng mỏng tanh rồi từ từ trùm lên một mền bông trắng. Núi bướng bỉnh ngoi đầu chọc thủng mền bông như muốn vươn lên tận hưởng hoàng hôn đỏ thắm” (Tiếng gọi lưng chừng dốc) [27, tr.20]. Và đây là bức tranh thiên nhiên mùa thu: “Mùa thu này mưa nhiều. Cứ ào một cái nghe ran ran trên rừng vầu rừng nứa ngoảnh lại đã thấy cả Kin Chu Phìn biến mất trong màn mưa trắng xoá. Ngôi nhà tranh ọp ẹp của Thuận oằn mình dưới sức nước xối tưởng chừng như một trận mưa nữa nó sẽ mủn nạt mục ra nhường chỗ cho những lùm cỏ ngải hung hăng thả sức trổ xanh rì. Mưa tạnh các khu rừng được rửa sạch loáng ướt. Riêng ngọn núi Rú vẫn bị nhốt trong biển khói sương dày đặc. Những tràn ruộng bậc thang no ứ nước sáng lấp lánh” (Cơn mưa hoa mận trắng) [27, tr.206–207], “nắng vàng như bột ngô sấy khô núi rừng ẩm”. Cùng là màu vàng nhưng mùa đông là sắc vàng xuộm “cỏ tranh trên đồi vàng xuộm, đôi chỗ vểnh lên vài cụm lau trắng lơ phơ” [30].

Đọc kỹ trang văn về thiên nhiên của Phạm Duy Nghĩa, dễ dàng nhận thấy anh có thế mạnh trong việc cảm nhận và miêu tả màu sắc. Màu sắc cũng là kí hiệu,

là ngôn ngữ của tự sự. Đó là màu “trắng tinh”, “xanh thẳm”, “mây trắng”, “bông trắng”, “đỏ thắm”, “trắng xóa”, “xanh rì”, “nắng vàng”, “vàng xuộm”,… Chỉ trong vài đoạn văn trên, chúng ta có thể liệt kê ra được hàng loạt màu sắc, trạng thái của thiên nhiên. Những kí hiệu màu sắc này hoàn toàn nằm trong trường nghĩa của núi rừng Tây Bắc, như là một “khế ước” của thiên nhiên, nơi bạt ngàn cây xanh, mây trắng và những cơn mưa rừng. Theo khảo sát của chúng tôi, màu xanh và màu đỏ với đủ mọi sắc độ được nhà văn miêu tả nhiều hơn cả trong các màu sắc. Với màu xanh, Phạm Duy Nghĩa đặc biệt ưa sử dụng màu xanh lam (trăng xanh, gió xanh, nắng thu xanh, bóng đêm xanh lam, sương mù xanh lam, hoa xanh lam, lửa xanh lam…). Với màu đỏ, anh thích dùng đỏ thắm (trăng đỏ, cây lá đỏ, rêu đỏ, ráng chiều đỏ…). Hai gam mày này – đặc biệt là màu xanh lam cho thấy Phạm Duy Nghĩa chịu ảnh hưởng của văn học châu Âu, đặc biệt là văn học Nga. Như nhà văn Sương Nguyệt Minh có nhận xét: “Đọc Phạm Duy Nghĩa tôi dễ liên tưởng đến cái lung linh, óng ánh, dịu dàng của Paustovski, cái man mác, trong trẻo của Aitmatov, nhưng cũng cảm thấy cái nồng nàn, lọc lõi tinh đời của Ma Văn Kháng”. Chúng ta hãy xem Phạm Duy Nghĩa tả sương mù xanh trong Ngôi nhà nhỏ bên hồ: “Có buổi chiều tà se lạnh, sương mù màu xanh lam rất mỏng từ hồ tỏa lên đồi. Những thân bạch đàn mảnh dẻ trắng xanh như tấm thân người phụ nữ vừa ốm dậy, thì thầm thả xuống màn sương chiếc lá úa màu đỏ tía” hay ngọn lửa màu xanh trong Lá Vàng Chải: “Đứa con gái chất thêm củi vào lửa. Lưỡi lửa xanh lam liếm vào những khúc cây to gộc ẩm ướt, nhả ra một dòng khói sền sệt màu trắng sữa. Khói xộc lên mũi cay xè. Lửa ngốn ngấu thân gỗ, nổ lép bép, bắn tóe những tia lửa xanh lét, réo vù vù”. Trong giai đoạn sáng tác sau, Phạm Duy Nghĩa vẫn tiếp tục yêu chuộng màu xanh lam này, đó là vẻ đẹp tuyệt diệu mà ngọn gió xanh mang đến cho thung lũng trong truyện ngắn Gió xanh: “Buổi sớm, gió mềm như một hơi thở nhẹ, màu xanh lơ. Về trưa gió đặc hơn, màu xanh dương. Ngồi trong nhà, tưởng chỉ cần quờ tay ra ngoài là vơ được một nắm gió xanh óng ánh. Ở những chỗ nhiều nắng nhất, có thể thấy rõ từng tảng gió trong veo, lướt thướt trôi như sóng biển. Mặt trời lên cao, gió ngả sang màu xanh biếc. Khi hoàng hôn buông xuống, gió chuyển màu xanh lam.

Đây là thời gian lộng lẫy nhất của gió.” Đây thực sự là một sắc xanh đặc biệt, những câu văn này gợi nhớ trong chúng ta những cảm xúc buồn và đẹp của văn học Nga. Tuy vậy, sắc xanh lam ấy lại được dùng để miêu tả những cảnh vật đặc trưng của miền núi phía Bắc Việt Nam. Đó là nét riêng trong miêu tả thiên nhiên của ngòi bút Phạm Duy Nghĩa. Chẳng thế mà nhà văn Hồ Anh Thái đã nhận xét: “Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thường gợi nhớ vẻ đẹp trong văn học Đông Âu, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là phong vị miền núi phía Bắc” (Hồ Anh Thái, “Lời giới thiệu truyện ngắn Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh”, in báo Tuổi trẻ cuối tuần, số 9-07, ngày 11-3-2007). Rõ ràng, tuổi thơ đầy ắp những trang tiểu thuyết Nga đã ảnh hưởng đến việc miêu tả màu sắc trong sáng tác của Phạm Duy Nghĩa. Với những gam màu ấy, thiên nhiên Tây Bắc ấy hiện lên vừa quyến rũ vừa bí ẩn. Nó không hùng vĩ, lớn lao mà trữ tình, lảng bảng, không “cường tráng” “mạnh mẽ” mà “dịu dàng” “nữ tính”, phần âm tính với “cơn mưa”, “mây”, “hoa”, “tuyết”… tràn ngập trên những trang văn về thiên nhiên của anh. Điều đó cho thấy sự quan sát tinh tế, nhạy bén và nhiều xúc cảm của nhà văn với mảnh đất Tây Bắc huyền ảo.

Phạm Duy Nghĩa là một nhà văn đa cảm nên ngoài bức tranh thiên nhiên bốn mùa, nhà văn đặc biệt chú ý đến một số hình tượng thiên nhiên được lặp đi lặp lại trong các truyện ngắn của anh. Trăng là một trong số hình tượng đó. Ánh trăng đã được hình tượng hóa trong thi ca và văn chương tự bao đời, nhưng trăng trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa được miêu tả ở nhiều góc độ với một sức sống căng tràn và đầy gợi cảm: “Trăng ùa vào phòng trắng tinh. Ngoài trời sáng như ban ngày”, “trăng thì thầm xoi bạc lên cây coi” [27, tr.74]; “trăng dãi trên vườn đào như tuyết... trăng tan theo lá cành, trăng nhập vào giọt sương sảng lòe tinh khiết” (Chuyện ở Ô Cán Hồ) [27, tr.75]; “Trăng nhủ mầm trên đỉnh đồi, lồ lộ xanh một vẻ khác thường... trăng đổ ánh xanh nhàn nhạt trên thung...” (Trăng trên rừng Tông Qua Mu) [27, tr.238]. Trăng khiến cho cảm xúc của người nghệ sĩ thăng hoa trong

Giọt nước mắt dưới trăng. Có lúc, trăng lại khiến không gian trở nên huyền ảo

Con đường mới dải đá trắng tinh như được lát bằng những phiến trăng. Ánh trăng làm cho con đường dài hơn, trôi mãi về phía xa xăm, hoang vắng, mơ hồ” (Lá Vàng

Chải) [27, tr.109]. Việc sử dụng những từ ngữ giàu hình ảnh và sức gợi khiến cho ánh trăng của Phạm Duy Nghĩa lúc nào cũng đẹp lung linh và huyền ảo. Ánh trăng giúp tâm hồn con người được tắm mát, được trở về với sự trong lành, tinh khôi. Trăng hiện lên thật nồng nàn, say đắm khiến cho thiên nhiên miền núi càng trở nên quyến rũ, hấp dẫn hơn.

Cùng với trăng thì cỏ cây, hoa lá cũng xuất hiện nhiều trong bức tranh thiên nhiên Tây Bắc của Phạm Duy Nghĩa. Miền núi Tây Bắc nổi tiếng với nhiều loại cỏ cây hoa lá rực rỡ quanh năm. Trên trang văn của Phạm Duy Nghĩa, “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có hồn cốt và mang một vẻ đẹp riêng biệt. Chúng ta thấy một không gian thiên nhiên tràn đầy hương sắc trong Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh: màu xanh biếc của hoa bìm bịp, hoa chuông tím mộng mơ sang quý, hoa mai thiên hương man mác trong mơ hồ, hoa pentolia mang tên Tây nhưng bình dị như cây mùng tơi, hoa thanh anh đỏng đảnh, kiêu kì, có sắc tím của nhành lan phi điệp, có hoa lan - loài hoa của thương nhớ, chung thủy... Hay trong Hoa đào xứ tuyết là không gian thiên nhiên đầy ắp sắc hồng và đỏ của hoa đào “Năm ấy, khắp Sapa đỏ rực sắc hoa đào, hoa soi mình xuống tuyết thẹn thùng... trên mặt đất trắng tinh lác đác cánh hoa đào đỏ thẳm” [27, tr.91].

Bên cạnh những hình ảnh thiên nhiên vẫn thường được miêu tả trong văn chương từ xưa đến nay như trăng, tuyết, cỏ cây hoa lá… thì những trạng thái của thiên nhiên cũng được Phạm Duy Nghĩa chú ý miêu tả. Đó là sương, là mưa… Nếu ai đã sống ở miền núi, hẳn sẽ không thể quên được những cơn mưa rừng, hay màn sương sớm phủ đầy lưng chừng núi, như một đặc sản của núi rừng mà chỉ ở những vùng đất cao, nhiều mưa mới thấy rõ sự tồn tại của nó. Hãy xem cơn mưa đột ngột trong truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng “cứ ào một cái, nghe ran ran trên rừng vầu, rừng nứa, ngoảnh lại đã thấy cả Kin Chu Phin biến mất trong một màn mưa trắng xóa” [27, tr.206] hay cơn mưa xối xả trong Lá Vàng Chải “Mưa như quét xuống từ chiếc chổi thủy tinh khổng lồ, làm tăm tối mặt mũi”. Còn sương nơi đây thì “đặc tụ thành từng đám bùng nhùng trong thung lũng,... Sương cuộn tròn thành từng nắm giắt trong bụi cây, luồn vào hốc đá...”. Vào mùa hè, suơng mù xóa mất cả

thị trấn, “sương đặc tụ như khói quẩn trên đường, nhét đầy các ngõ ngách, cuồn cuộn bay như khói ngập nhà sàn” (Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh) [28, tr.94].

Vẻ đẹp thiên nhiên trong những trang văn hiện lên vừa hiện thực, vừa lãng mạn lại vừa huyền ảo. Phạm Duy Nghĩa đã pha trộn những mảng màu đó để tạo lên bức tranh thiên nhiên tổng thể đẹp và ám ảnh người đọc lạ lùng. Phạm Duy Nghĩa là một nhà văn duy mĩ, cái đẹp trong văn anh luôn là cái đẹp đến tận cùng, đẹp trọn vẹn. Vì vậy, thiên nhiên trong truyện ngắn của anh không chỉ đơn giản được miêu tả một cách bình thường như sự tái hiện bình thường, tả chân thực bình thường mà luôn hướng đến cái đẹp, thậm chí là đẹp hơn thực tế (có sự cách điệu, khuếch tán) để tạo ra một không gian thiên nhiên vừa thực vừa ảo.

Cũng chính trong thiên nhiên ấy “mọi vật đều có linh hồn”. Đây là một đặc điểm quan trọng của văn chương phương Đông khi viết về thiên nhiên, “người phương Đông xem thiên nhiên như là một sinh mệnh độc lập “cỏ cây quanh mình và cả bò dê nữa đều có thể trò chuyện với con người, chúng chẳng những có sinh mệnh, mà còn có cả tình cảm nữa”, trong khi đó dù ca ngợi tự nhiên, cảm hứng chủ đạo của người phương Tây vẫn là xem thiên nhiên là nền cảnh để làm nổi bật con người” [40]. Thế nên, với Phạm Duy Nghĩa “màu sắc là nhân sắc, sự va xiết màu sắc cũng là va xiết nhân tính” […] Sắc màu, một lần nữa, thay vì ở thế vô can với con người, đã cất lên thành tiếng gọi trở về bản xứ, bản thể.” [54] Nét độc đáo của vẻ đẹp thiên nhiên trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa chính là sự giao hòa, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Nhà văn miêu tả thiên nhiên để thấy được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa (Trang 25 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)