Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa (Trang 55 - 70)

3.1.1. Khái niệm ngôn ngữ và ngôn ngữ văn học

Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu và là một hệ thống tín hiệu đặc biệt. Nói đến tín hiệu là nói đến chức năng chứa đựng và truyền tải thông tin của chúng. Ngôn ngữ phi nghệ thuật chú trọng vào nội dung thông tin mà nó hàm chứa và chuyển tải thông qua tính lô-gíc, tính trực tiếp, tính đơn nghĩa và tính tiếp nhận mau chóng để đối tượng giao tiếp dễ dàng nắm bắt và thực hiện các hành vi tương ứng. Do đặc điểm trên chi phối, nên ngôn ngữ phi nghệ thuật là loại ngôn ngữ mang thông tin lô gíc và chỉ có một cách hiểu duy nhất cho tất cả các đối tượng tiếp nhận, chúng thực hiện chức năng quan trọng nhất là chức năng thông báo.

Ngôn ngữ là “cái vỏ của tư duy”, ngôn ngữ văn học có liên quan mật thiết với ý thức văn học, phản ánh một cách cụ thể, chính xác, sinh động tư duy văn học. Mặt khác, ngôn ngữ cũng là một hiện tượng xã hội, vận động không ngừng theo sự đổi thay của đời sống và chính sự phát hiển của ngôn ngữ thời đại cũng góp phần chi phối tới tư duy văn học.

Khác với ngôn ngữ phi nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật là một hệ thống tín hiệu hết sức phức tạp và chặt chẽ. Tính phức tạp thể hiện trên hai bình diện: tính đa trị và tính đa phong cách. Ta có thể khám phá ra rất nhiều lớp nghĩa trong những đơn vị (một từ, một câu hay một văn bản) mang thông tin. Trong một tác phẩm văn chương cũng có thể tìm thấy các phong cách ngôn ngữ đan xen nhau một cách hài hòa tạo thành bản hòa tấu không có chi tiết thừa. Với đặc điểm đó đòi hỏi người thưởng thức và tìm hiểu nó phải có một năng lực tổng hợp về các loại tri thức và các thao tác để mổ xẻ và khai thác nó một cách khoa học. Tính chặt chẽ của ngôn ngữ văn chương được thể hiện ở tính hệ thống. Mỗi một tác phẩm là một tổng thể không thể tách rời. Tất cả các yếu tố của hệ thống đều là những dấu hiệu hướng vào sự thể hiện một thông điệp thống nhất. Chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ văn

chương là chức năng thẩm mĩ, khác với ngôn ngữ phi nghệ thuật có chức năng quan trọng nhất là chức năng thông báo.

Văn học Việt Nam từ sau Đổi mới đã có sự cách tân đáng kể trên phương diện ngôn ngữ. Nếu như giai đoạn trước đó, văn học đề cao cái tôi sử thi, cái tôi thế hệ thì văn học giai đoạn này khẳng định cái tôi cá nhân, đề cao phong cách mới mẻ, riêng biệt. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng phát biểu trong lần nói chuyện với cán bộ, sinh viên khoa Ngữ văn- ĐHSP Hà Nội ngày 16-4-1994: “Lớp trẻ đã có ngôn ngữ mới. Nguyễn Huy Thiệp thực sự cách tân ngôn ngữ truyện ngắn. Phan Vàng Anh, Phạm Thị Hoài cũng thế”. Phạm Duy Nghĩa thuộc thế hệ nhà văn đi sau nhưng anh có ý thức rất rõ rệt việc tìm tòi, sử dụng ngôn ngữ để vừa mang tính hiện đại vừa có giá trị thẩm mĩ. Phạm Duy Nghĩa từng chia sẻ rằng “Tôi coi trọng ngôn ngữ truyện ngang với chi tiết truyện”, và theo anh thì, chính ngôn ngữ tạo nên cái gọi là “có văn” của truyện ngắn. Ngôn ngữ truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa là thứ ngôn ngữ giản dị, đời thường, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất nhạc, hội họa, lại là ngôn ngữ của cuộc sống đời thường, ngôn ngữ của thông điệp nghệ thuật.

3.1.2 Ngôn ngữ giàu chất thơ, chất nhạc, hội họa

Trong Từ điển văn học [10, 1341] do Đỗ Đức Hiểu chủ biên có định nghĩa về chất thơ như sau: Chất thơ không phải là cái thuần túy đối lập hoàn toàn với văn xuôi mà là cái tỏa sáng trên văn xuôi. Chất thơ của văn xuôi là một phạm trù có nội hàm rộng rãi nhưng trước hết nó là những cảm xúc chất chứa những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ trong ngôn từ hàm súc giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng, “chất thơ trước tiên hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể do tự nhiên đem lại hoặc cũng có thể được tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người. Tuy nhiên, một tác phẩm văn học giàu chất thơ sẽ bị giới hạn ý nghĩa về thẩm mĩ nếu như nhà văn không sử dụng thủ pháp để sắp xếp các vật liệu tạo ra một chỉnh thể thẩm mĩ để nội dung và hình thức không tách rời nhau” [52].

Để tạo ra ngôn ngữ mang đậm chất thơ đòi hỏi mỗi nhà văn phải am hiểu thấu đáo về thơ và họa, tức là ngôn ngữ phải giàu hình ảnh, phải mang nhạc tính và

gợi lên được cái đẹp. Việc này cũng đồng nghĩa là các nhà văn phải sử dụng hàng loạt các biện pháp nghệ thuật, trong đó không thể thiếu nhân hóa và so sánh, bởi chúng vừa gợi được cái hồn, cái tình ẩn sâu trong lòng mỗi sự vật, vừa làm cho lời văn giàu hình ảnh. Một trong những yêu cầu quan trọng của truyện ngắn là phải đảm bảo tính cô đọng, hàm súc. Điều đó dẫn đến việc các nghệ sĩ phải sử dụng tối đa các biểu tượng nghệ thuật, hoặc sử dụng những kết cấu cốt truyện mở để đi sâu vào miền kí ức, khơi gợi những liên tưởng ở người đọc.

Giống như Thạch Lam, Đỗ Chu, truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa được viết bởi một thứ ngôn ngữ “lấp lánh chất thơ” với những cảm xúc trữ tình, khắc khoải, lắng đọng. Chúng ra thấy rõ tính nhạc, tính họa trên từng trang văn của anh. Có thế nói, những câu văn hay nhất, đẹp nhất, giàu chất thơ nhất của Phạm Duy Nghĩa là những câu văn anh miêu tả thiên nhiên Tây Bắc lung linh, huyền ảo và những câu văn nói về nỗi niềm sâu kín của con người.

Phạm Duy Nghĩa là nhà văn nghiêm khắc và nghiêm túc trong ngòi bút của mình, anh không hề dễ dãi mà luôn đòi hỏi sự chau chuốt, tỉ mỉ trong văn chương. Như ở trên đã phân tích vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc trong truyện ngắn của anh. Phạm Duy Nghĩa từng quan niệm: “Miền núi, tự bản thân nó đã đẹp, nên văn cũng phải đẹp cho xứng đáng với nó. Viết về miền núi mà nhạt nhòa, không thấy cái tươi xanh hùng vĩ của nó ở đâu thì tự thấy xấu hổ với chính thiên nhiên miền núi” [57]. Đọc truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa chúng ta luôn ở trong tâm thế thưởng thức, thưởng thức cái đẹp của nội dung như một trải nghiệm văn hóa, vùng miền và cái đẹp của ngôn từ - lấp lánh chất thơ, chất nhạc, chất họa. Chúng ta không khó để nhận ra rằng, anh luôn cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan, và vì thế những câu văn của anh cũng mang đến cho người đọc một không gian lãng mạn, yên lành. Thiên nhiên tạo ra màu sắc hư ảo, đưa con người vào một thế giới đẹp đẽ: “Tôi đang lạc vào một vùng hoang vắng quạnh hiu không phải cõi trần. Nhà Tần chìm khuất trong màu xanh man mác của đào, lê, mận. Dạo ấy đang là mùa hè, ngoài thị xã nóng như thiêu nhưng nơi đây mùa đông còn ngự trị. Mặt đất cây cối như toả hơi băng. Không gian trong veo và tịch lặng đến nỗi từ xa có thể nghe thấy

tiếng một trái đào rơi thảng thốt. Hương thơm tươi mát của cây trái cứ dìu dịu theo bên, cho đến lúc tưởng mỗi bước chân cũng để lại mùi thơm là lạ” (Chuyện ở ÔCán Hồ) [27, 70].

Một hình tượng thiên nhiên giàu chất thơ xuất hiện nhiều lần trong trang văn Phạm Duy Nghĩa đó là hình tượng trăng. Như đã phân tích ở trên, trăng đã xuất hiện trong thơ ca từ cổ chí kim, nó như được khế ước cho những gì đẹp đẽ, mong manh, trữ tình. “Trăng ùa vào phòng trắng tinh”, “Trăng thì thầm xối bạc lên cây cối”, “Trăng rơi đầy như tuyết trên sân” (Chuyện ở Ô Cán Hồ) [27, tr.86], trăng dát lên cầu, trăng thấm đẫm dòng nước suối (Tiếng gọi lưng chừng dốc). Trăng ở cõi thực, trăng trong cõi mộng, trong cả cơn nhập đồng của thăng hoa cảm xúc người nghệ sĩ (Giọt nước mắt dưới trăng). Cũng có lúc trăng ở cõi thực mà lại huyền ảo như đang ở cõi mơ: “Con đường mới dải đá trắng tinh như được lát bằng những phiến trăng. Ánh trăng làm cho con đường dài hơn, trôi mãi về phía xa xăm, hoang vắng, mơ hồ” (Lá Vàng Chải) [27, tr.109]. Trăng sóng sánh trên trang văn Phạm Duy Nghĩa và được phủ một lớp thơ bàng bạc qua ngôn từ.

Như đã nói ở trên, đọc văn Phạm Duy Nghĩa chúng ta dường như thấy được cả bức tranh có hình khối và màu sắc hiện lên. Nhà văn có thế mạnh trong việc sử dụng ngôn từ giàu hình ảnh màu sắc và nhịp điệu. Đọc truyện ngắn của anh, chúng ta thấy cả một trường các tính từ chỉ màu sắc với những sắc thái khác nhau, chính anh đã làm giàu thêm lớp ngôn từ về màu sắc trong văn chương. Trong văn anh, một “cầu vồng” màu sắc được thể hiện, cho thấy anh đã cảm nhận và viết bằng mọi giác quan. Không chỉ sử dụng một cách linh hoạt đầy sống động lớp từ sẵn có, Phạm Duy Nghĩa còn mang đến cho người đọc những khám phá thú vị, những liên tưởng sâu sắc khi sáng tạo nên những mầu sắc của riêng mình. Đó là màu trắng tinh khiết, tươi lành, hoang sơ, để diễn tả cái “ý nghĩa siêu thoát và chay tịnh” trong Cơn mưa hoa mận trắng hay màu trắng trong ánh trăng ngân, dòng suối bạc đầy thơ mộng, huyền ảo trong Trên đồi lập loè ánh lửa, là những cánh bằng lăng “tím muốt” trong Vệt sáng trên ban công, là những chiếc lá bàng “đỏ lịm” như máu người đông lại trong Người đổi mặt, là màu vàng “hoa linh lăng vàng như mầu nhẫn

vàng”, là “nắng vàng như bột ngô”, là làn khói “xanh mơ nhòa nhạt trên mái bếp, mái nhà” trong Chuyện ở Ô cán Hồ,... Nhà văn đã làm giàu thêm vốn từ về màu sắc trong từ điển qua óc quan sát, tư duy sáng tạo của mình. Anh đã mang đến cho người đọc những cảm nhận mới từ những điều rất quen thuộc. Và với truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, màu sắc không còn là một ô của cảm xúc duy mĩ ban đầu mà mở rộng suy tư về bản ác, bản thiện của con người, của thiên nhiên mà “sắc màu cũng là phiên bản của nhân sinh, là căn cước của vùng đất và nhiều khi, thay vì ở thế vô can với con người, sắc mầu trở thành tiếng gọi trở về bản xứ, bản thể” [54].

Chúng ta dễ dàng bắt gặp ngôn ngữ giàu chất thơ, nhạc họa trong những đoạn văn Phạm Duy Nghĩa miêu tả thiên nhiên. Hãy xem bức tranh có ngôi nhà nhỏ bên hồ: “Căn nhà nhỏ chìm trong không khí tĩnh mịch của đêm thu. Đã khuya, mẹ Nhi vẫn chưa về. Rì rầm ngoài kia, tiếng sóng hồ trầm đục xô vào bãi. Ánh sáng từ mặt hồ lan tỏa vào đêm, làm cho bóng đêm trở nên trong suốt dịu dàng. Xa xa có tiếng ù ù từ rừng bồ đề đưa lại. Hình như khu rừng rụng lá suốt đêm” (Ngôi nhà nhỏ bên hồ), hay nhịp điệu từ chính ngôn từ, câu văn trong Lá Vàng Chải: “Hát xong một lượt, nó hát lại từ đầu bài hát Mán. Tôi nghe trái tim run lên khe khẽ. Tôi đã nhìn thấy tất cả. Tôi thấy tâm hồn trinh trắng trong cánh hoa bên suối buổi trưa, thấy nỗi buồn tím ngát râu ngô, thấy tình yêu xanh theo đốm lửa đêm lượn vòng quanh núi. Tiếng hát dẫn tôi đi trên triền núi Hoàng Liên xanh thẳm, nơi có những mục đồng suốt đời cô độc, nơi đàn ngựa gặm mây mù, uống tiếng sáo chiều mênh mông hoang vắng. Tiếng hát của những người trên núi bao giờ cũng buồn”.

Để tạo ra chất thơ, chất nhạc, chất họa trong truyện ngắn của mình, Phạm Duy Nghĩa dùng hàng loạt các từ láy, các kiểu câu lặp cấu trúc giàu chất thơ, tạo nên nhịp điệu cho từng câu văn. Chúng ta hãy xem đoạn miêu tả thiên nhiên dưới đây: “Buổi sáng, mùa thu trong veo trôi nhẹ qua cửa như một tấm voan trắng mơ hồ. Buổi chiều, những đốm hoa điệp vàng rưng rưng nhẹ rớt xuống chiều thu những vệt nắng cuối cùng ấm áp. Và đêm, heo may lãng đãng tràn về đánh thức trong cơ thể người đàn ông trung niên những niềm thiêm thiếp ngủ” (Giọt nước mắt dưới trăng) [27, tr.43]. Chúng ta thấy nhà văn đã sử dụng hàng loạt các từ láy trong ba

câu văn ngắn: “rưng rưng”, “lãng đãng”, “thiêm thiếp” và lặp cấu trúc: Buổi sáng, Buổi chiều và đêm khiến bạn đọc như được chìm vào không gian cuối thu mơ màng sắc thắm. Nhịp điệu trong văn xuôi là cốt tạo một âm hưởng hấp dẫn bằng những hình thức cân đối, nhịp nhàng của lời văn. Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa phần lớn thuộc thể loại trữ tình. Cho nên, ngôn ngữ nhiều khi được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu hết sức cô đọng hàm súc và đặc biệt gợi cảm.

Dễ dàng nhận ra rằng, những trang văn miêu tả thiên nhiên là những trang “trữ tình ngoại đề”, nếu bỏ những dòng miêu tả thiên nhiên ấy thì cốt truyện cũng không quá thay đổi. Tuy nhiên, những dòng văn đầy chất thơ, chất nhạc, chất họa ấy lại nằm trong mạch cảm xúc trữ tình – cái mạch ngầm kết nối và níu giữ, làm say mê và thu hút bạn đọc. Và đôi khi chính mạch ngầm này lại là mật ngọt làm người đọc nhớ mãi khi đã nếm vị truyện ngắn của anh. Nếu không còn những trang văn đẹp đẽ về thiên nhiên được viết bằng ngôn ngữ của thi ca, nhạc họa ấy thì không còn phong cách truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa nữa.

Phạm Duy Nghĩa cũng hiểu rằng, “Không có người nào xấu đến tận cùng” nên anh đã khai thác ở nhân vật của mình cả những cái tốt và xấu… Anh thường để nhân vật của mình tự chia sẻ và giãi bày. Trong truyện ngắn Đồi hoa lạnh, Phạm Duy Nghĩa đã để cho Doanh đấu tranh giữa phần ý thức tình thương của bản thân với nguyên tắc vô lí mà ông Quảng đặt ra. “Mình phải gặp cô bé. Như thế mới đáng một người thầy”, “Mình chỉ làm đúng nguyên tắc mình có lỗi gì đâu” [27, tr.65]. Trong nhiều trường hợp những dòng suy nghĩ miên man thường đẩy nhân vật sống lại với quá khứ: “Nhớ về thời thơ ấu, Hiên nhớ nhất mùa đông. Mùa đông với bếp lò đắp bằng đất, gác bếp đen sì và những cột bương vàng bóng ám khói. Hễ đi đâu về là muốn sà vào cái bếp rừng rực lửa, xuýt xoa tận hưởng hơi nóng bốc lên từ những gốc củi cháy đỏ lừ. Mùa đông, quanh bếp lúc nào cũng nồng nã hơi trầu của mẹ”

(Đường về xa lắm) [28, tr.78].

Nhân vật của Phạm Duy Nghĩa thiên về độc thoại hơn đối thoại, luôn lắng nghe cảm xúc, cảm giác của chính mình. Có khi con người bị cuốn vào dòng nghĩ suy nhẹ nhàng mà có sức lay động mạnh mẽ. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của anh

cũng bị cuốn theo dòng tâm trạng của con người, man mác chất thơ trầm buồn, lắng đọng. Miêu tả nỗi buồn trống trải của Doanh (Đồi hoa lạnh) - con người suốt đời sống nguyên tắc nay chợt nhận ra sự vô nghĩa của chính mình, nhà văn viết: “Doanh luôn thấy tâm hồn mình trống trải như thiếu vắng một cái gì. Cảm giác ấy ngày càng rõ rệt. Anh thấy mình như một khu vườn bị lãng quên, một buổi trưa mùa đông bỗng thảng thốt nhận ra mình hoang vắng. Thèm được nắng gió ru mình, thèm được căng những tế bào xanh hút ánh xuân non hồng hào tan chảy, và vỡ oà, run rẩy trong dòng mưa ướt ngọt đầu mùa...” [36, tr.67–68]. Những câu văn trùng điệp liên tiếp cấu trúc “thèm được...” nói lên niềm khao khát của con người được sống thật với trái tim, tình cảm của mình chứ không phải là một cái máy khô lạnh. Khao khát ấy trào dâng mãnh liệt, phải được diễn tả bằng giọng văn mượt mà, ngôn ngữ giàu chất thơ như vậy mới phù hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa (Trang 55 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)