3.2.1 Khái niệm yếu tố kì ảo
Kì ảo vốn là khái niệm xuất phát từ thời cổ đại. Cách hiểu về kì ảo cũng thay đổi theo thời gian. Theo Từ điển ngôn ngữ Pháp, “kì ảo” là tính từ bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “Phantastitos”, tiếng La tinh “Phantasticus” để chỉ những gì được tạo nên bởi trí tưởng tượng chứ không tồn tại trong thực tế. Trong tiếng Việt, kì ảo là từ Hán VIệt, kì là lạ lùng, ảo là không có thật. Cái kì ảo là cái lạ lùng không có thật, không thể bắt gặp trong thực tế. Trong công trình Dẫn luận về văn chương kì ảo, Todorov cho rằng “Cái kì ảo đó là sự lưỡng lự cảm nhận bởi một con người chỉ biết có các quy luật tự nhiên, đối diện với một hiện tượng bên ngoài mang tính siêu nhiên” [55, tr.34] Có thể thấy, Todorov cho rằng “sự lưỡng lự” của người đọc là trạng thái tồn tại của cái kì ảo.
Ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn trong công trình Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac đã xác định: “Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật. Nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo… Nó có mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực ảo, và tồn tại độc lập không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng” [3, tr.20]. Tồn tại trong thực tế nghệ thuật đặc thù, cái kì ảo tạo nên “sự đứt gãy trong chuỗi liên kết vũ trụ”, tạo ra “sự do dự, phân vân trong lòng độc giả”. Nó là quãng lặng, là sự ngắt mạch, là sự thâm nhập của cái siêu nhiên trong cuộc sống đời thường, là sự xâm lấn của yếu tố phi logic trong thế giới logic. Từ đó nó trở thành lăng kính thẩm xét con người trong cuộc đời, trở thành một phương tiện nghệ thuật được sử dụng rộng rãi.
Nhìn chung, có ba quan niệm về yếu tố kì ảo trong văn học như sau: Thứ nhất, yếu tố kì ảo trong văn học thuộc phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra
nhờ trí tưởng tượng của người nghệ sĩ. Nó phản ánh trình độ hư cấu nghệ thuật ở mức độ cao. Yếu tố kì ảo có thể xuất hiện ở nhiều phương diện trong thế giới nghệ thuật của nhà văn từ chất liệu phản ánh, phương thức phản ánh đến tầng lớp ý nghĩa, từ đó tạo nên hiệu ứng tiếp nhận ở người đọc. Thứ hai, yếu tố kì ảo là phương tiện nghệ thuật để nhà văn bộc lộ quan niệm về đời sống và con người. Thứ ba, những biểu hiện chủ yếu của yếu tố kì ảo trong văn học, đó là không gian, thời gian chứa đựng các yếu tố siêu nhiên, nhân vật kì dị, biến hóa, giấc mơ…
Như vậy, yếu tố kì ảo là toàn bộ những biểu hiện lạ lùng và huyền ảo với tư cách là sản phẩm của trí tưởng tượng trong văn học. Yếu tố kì ảo đã tồn tại trong suốt diễn trình của nền văn học nhân loại. Cái kì ảo trong tác phẩm văn chương dù được cả người đọc và người viết ý thức rõ ràng nhưng nó vẫn đưa người đọc vào một thế giới khác lạ, tạo ra những hiệu quả tâm lý khác nhau: hoặc là hoang mang, sợ hãi; hoặc là ngập ngừng, do dự, hoài nghi, bối rối; hoặc là thăng hoa trong cảm xúc... Tất cả những trạng thái tâm lý ấy nhiều khi xen lẫn, pha trộn vào nhau tạo nên khoái cảm thẩm mĩ ở người đọc. Một trong những vai trò cơ bản của yếu tố kì ảo là góp phần to lớn nhằm xây dựng nên thế giới nhân vật sinh động, tạo sức thu hút, hấp dẫn đối với bạn đọc.
3.2.2 Yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam đương đại
Một cách tổng quan, yếu tố kì ảo đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử văn học nhân loại. Có lẽ, trong các tác phẩm văn học dân gian cổ đại, yếu tố kì ảo đã có mặt, phản ánh nhận thức còn “ngây thơ”, niềm tin lý tưởng của người cổ đại về thế giới. Yếu tố kì ảo thành một dòng chảy liên tục trong dòng chung của lịch sử văn học nhân loại từ thời cổ đại, qua trung đại đến cận đại. Tuy chưa bao giờ đứt đoạn, nhưng tần số xuất hiện, ý nghĩa biểu hiện, quan niệm về cái kì ảo ở mỗi thời kì lại khác nhau. Do đó, yếu tố kì ảo cũng bắt nguồn từ những tiền đề, cơ sở tâm lý, xã hội nhất định. Những yếu tố này có tác động trở lại với quan niệm về cái kì ảo của người cầm bút và diện mạo của nó trong nền văn học ở từng quốc gia.
Trong dòng chảy văn học Việt Nam, từ văn học trung đại, văn học gắn với cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo và thế sự nhưng vẫn có văn chương linh di
chứa đựng những điều kì ảo vẫn tồn tại. Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại gắng với truyện truyền kì. Chúng ta có thể nhắc đến Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên,
Lĩnh Nam chích quái của Vũ Đình cà Kiều Phú, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ,
Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm…
Giai đoạn 30 năm đầu của thế kỉ XX, yếu tố kì ảo lại trầm xuống, nó không được đề cập nhiều trong văn học. Người quan tâm nhiều đến truyện kì ảo chỉ có thể kể đến Tản Đà, khi ông dịch Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh và viết ba tập Giấc mộng con I, Giấc mộng con II và Giấc mộng lớn…
Tuy nhiên, đến giai đoạn 1930-1945, văn học kì ảo lại tiếp tục được khơi dòng trong sự phát triển của văn xuôi lãng mạn do ảnh hưởng của văn hóa Đông – Tây. Hàng loạt tác phẩm ra đời như: Vàng và máu của Thế Lữ, Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lan, Loạn âm (Nguyễn Tuân), Lan rừng, Bóng người trong sương mù (Nhất Linh), Rừng khuya (Lan Khai), Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Tachia Đái Đức Tuấn),… Đặc điểm của văn xuôi có yếu tố kì ảo giai đoạn này là sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố truyền thống (yếu tố kì ảo được tạo ra từ việc chiết lọc những quan niệm về tâm linh và tín ngưỡng trong dân gian) và hiện đại (sử dụng bút pháp của tiểu thuyết hiện đại và phản ánh qua tâm trạng và bối cảnh của con người)
Vào cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, văn học kì ảo bắt đầu hồi sinh trở lại sau một thời gian đứt đoạn, nó trở thành “một nhân tố đột phá của văn xuôi Việt Nam đương đại”. Văn chương xảy ra hiện tượng này bởi “sự ngự trị của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đề cao cái “chân thực, lịch sử cụ thể” như một tiêu chí giá trị rõ ràng, đã loại trừ cái kì ảo” (Đặng Anh Đào) [6]. Việc xuất hiện trở lại của yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại đã cho thấy sự đổi mới thực sự của văn học trên nhiều bình diện. Trước hết, đó là sự mở rộng đề tài phản ánh của văn học. Bởi lẽ, cả một thời gian dài 30 năm từ 1945 đến 1975, nền văn học nước ta phục vụ cho việc tuyên truyền, vận động và cổ vũ cho cuộc kháng chiến vệ quốc. Đề tài được ưu tiên số một lúc bấy giờ là cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân chống lại kẻ thù. Văn học tập trung xây dựng những con người điển hình của thời đại mớ, đó là tình đồng chí, tình quân dân. Những tiếng nói cá nhân, tình cảm
cá nhân được kìm lại. Tính chất bất thường của thời chiến cũng phản ánh đầy đủ vào diện mạo của nền văn học. Các thể loại có quy mô lớn như sử thi, tiểu thuyết dài tập cũng phát triển khá mạnh. Nhưng kể từ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, những vấn đề rộng lớn, những tình cảm lớn thuộc về một thời đã dần nhường chỗ cho những vấn đề về số phận cá nhân. Những tiếng nói riêng đã dần trở thành tâm điểm chú ý của văn học. Đề tài của văn học không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà đã chuyển dần sang địa hạt tâm linh, những trăn trở uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người - đặc biệt là những số phận vừa đi qua cuộc chiến. Những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người không tự lý giải được bằng hình thức suy lý một thời là những nhân tố quyết định hướng các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kì ảo. Yếu tố kì ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu” con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy.
Bên cạnh đó, yếu tố kì ảo cũng cho thấy sự bứt phá của các nhà văn ra khỏi lối viết được xem là “khuôn vàng thước ngọc” một thời. Tác động của các trào lưu văn học thế giới như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn của chúng ta giai đoạn này. Sự xuất hiện ngày một nhiều trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975 chính là dấu hiện đổi mới, những nỗ lực cách tân nghệ thuật không thể phủ nhận của các nhà văn hiện đại giai đoạn từ khoảng sau 1986 đến năm 2000. Hàng loạt các tên tuổi đã khẳng định được vị thế của mình trên văn đàn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Y Ban, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương… Họ thuộc thế hệ nhà văn của thời đại mới, nhạy bén với cái mới, thích phiêu lưu và thử nghiệm.
Có thể thấy, “khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam đương đại là sự kết hợp giữa truyền thống kì ảo phương Đông và những kĩ thuật kì ảo của văn học hiện đại phương Tây, nhằm phản ánh cuộc sống và tâm tư của con người hiện đại. Nó thể hiện các quan niệm của nhà văn về thế giới trong sự đa chiều và con người ở bề sâu của thế giới tâm linh, quan niệm về sự hữu hình hóa cái ác và
giấc mơ về những giá trị Chân – Thiện – Mĩ, cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý… Khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại đã có sự phát triển thêm một bậc so với những hình thức kì ảo truyền thống.[…] Nó trở thành nơi gửi ắm những trăn trở của con người nhân tính, những ước mơ, những khát vọng của con người mà bấy lâu bởi những hoàn cảnh đặc biệt dường như bị lãng quên.” [56, tr.24–25]
Âm thầm và lặng lẽ, Phạm Duy Nghĩa đang từng bước khẳng định dấu ấn của mình trong dòng chảy văn chương có yếu tố kì ảo. Chúng ta dễ dàng thấy chủ hướng viết văn có yếu tố kì ảo trong ngòi bút Phạm Duy Nghĩa, khi chúng ta thấy yếu tố kì ảo xuất hiện thống nhất trong mạch sáng tác của anh, từ những truyện ngắn đầu tiên viết về miền núi đến những truyện ngắn gần đây nhất về những vấn đề nóng của xã hội đương đại. Với Phạm Duy Nghĩa, yếu tố kì ảo chính là thủ pháp, là công cụ hiệu quả để anh truyền tải các thông điệp nghệ thuật.
3.2.3. Yếu tố kì ảo – hiệu ứng nghệ thuật trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa trong hành trình sáng tạo nghệ thuật đã tìm được thủ pháp nghệ thuật riêng của mình. Với bút pháp hiện thực, lãng mạn kết hợp với yếu tố kì ảo, truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa để lại nhiều dấu ấn với bạn đọc, ai đã đọc văn của anh là nhớ mãi. Đọc truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, chúng ta thấy tố kì ảo có vai trò quan trọng. Nhờ yếu tố kì ảo, đề tài và nhân vật của anh trở nên phong phú và giàu ý nghĩa hơn. Việc gắn nhân vật đời thường với những yếu tố hoang đường, đưa nhân vật vào một thế giới nửa thực nửa hư trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa không làm giảm đi chất đời thường của nhân vật, chất hiện thực của đời sống. Ngược lại, nó còn giúp nhà văn thể hiện sâu sắc những nội dung phong phú của đời sống. Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa có vai trò quan trọng, nó mang tính biểu tượng: biểu tượng của cái đẹp, cái chân - thiện – mĩ. Sử dụng yếu tố kì ảo giúp nhà văn gửi gắm thông điệp nhân sinh, làm tăng sức hấp dẫn ly kì của truyện ngắn, đồng thời chúng còn mang những ẩn dụ nghệ thuật khác.
Chúng ta thấy ở giai đoạn sáng tác đầu, yếu tố kì ảo xuất hiện trong các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa như: Cơn mưa hoa mận trắng, Hoa cẩm tú cầu
ứng mệnh, Giọt nước mắt dưới trăng, Trăng trên rừng Tông Qua Mu, Lá Vàng Chải, Trên đảo và đặc biệt là Người đổi mặt… Ở giai đoạn sáng tác sau này, anh sử dụng yếu tố kì ảo dày đặc hơn, chúng ta bắt gặp yếu tố kì ảo ở hầu hết các truyện của anh: Gió xanh, Bệnh tỉnh, Người bay, Con ma trong hội xô xe, Người hùng biết sợ, Chiếc áo second-hand, Màu đỏ Artek, Thành phố biến mất, Anh đi trong nắng huy hoàng…
Yếu tố kì ảo tác động đến nhiều phương diện khác nhau trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, đó là thế giới nghệ thuật của anh với hệ thống nhân vật, không – thời gian nghệ thuật…
Sử dụng yếu tố kì ảo để xây dựng những câu chuyện tình là phương thức được rất nhiều nhà văn thể hiện. Tiêu biểu là Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Đây là một tác phẩm xuất sắc của thể loại truyền kì, trong đó yếu tố kì ảo được sử dụng một cách dày đặc. Những cuộc tình say đắm giữa người và ma, người và tiên, những duyên kì ngộ... luôn là yếu tố hấp dẫn bạn đọc. Trong văn học hiện đại, các nhà văn tiếp tục khai thác yếu tố kì ảo này. Tiếp nối mạch cảm hứng đó, truyện ngắn Hoa cầm tú cầu ứng mệnh của Phạm Duy Nghĩa được xây dựng với mô-típ gặp gỡ giữa hoa và người. Câu chuyện khó tin trong truyện ngắn: người nói chuyện với hoa, hoa biến hoá thành người, số phận bi kịch của con người trong tình yêu được lí giải cụ thể qua cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa cô gái - hoa cẩm tú cầu và Tú. Không gian kì ảo dần mở ra với “một luồng sương trắng từ ngoài cuồn cuộn thốc vào”, cô gái xuất hiện trong “bộ váy áo hơi nhàu nhưng sạch sẽ và thoảng mùi thơm rất nhẹ”, “nụ cười lẳng lơ huyền bí” [28, 99]. Cô gái là hồn hoa cẩm tú cầu, đêm cô đơn tìm đến Tú giãi bày câu chuyện đời mình. Hoa cẩm tú cầu cho ta biết mỗi người khi sinh ra đều được quy chiếu bởi một mệnh hoa cỏ. Loài hoa ấy mang sắc màu, hương vị, đặc tính nào sẽ ứng vào con người như thế. Hoa cẩm tú cầu lí giải về sự lẳng lơ của May: “Cái mệnh của May ứng với hoa cấm tú cầu, mệnh ấy phải qua tay nhiều người nên May luôn thay lòng đổi dạ”. Và “những cô gái bán hoa cũng vậy, tự lòng họ không lả lơi đĩ điếm, mà họ bị chiếu mệnh bởi cấm tú cầu” [28, tr.100]. Câu chuyện tâm tình giữa hoa và người thật hoang đường, kì ảo song
nó lại gợi lên trong lòng chúng ta những nghĩ suy về kiếp mỏng manh, hư thực của con người. Hoá ra, kiếp người và kiếp cỏ cây có sự tương sinh, tương ứng với nhau, thiên nhiên bao bọc và che chở con người song cũng làm con người đau khổ. Ý nghĩa biểu tượng được rút ra qua yếu tố kì ảo này đó là niềm tin vào tính thiện của con người. Theo lời hoa cẩm tú cầu, con người không ai xấu bởi họ vốn thoát thai từ các loài hoa. Sự xuất hiện của hồn hoa cẩm tú cầu không hề tạo cảm giác rùng rợn cho bạn đọc, ngược lại nó còn giúp nhà văn thể hiện một cách sâu sắc và độc đáo những nội dung phong phú của đời sống.