Cao sự thật – tôn vinh sự thật trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa (Trang 42 - 55)

Theo dõi quá trình sáng tác của nhà văn Phạm Duy Nghĩa, chúng ta sẽ thấy anh có một quãng nghỉ. Quãng nghỉ này lại có ý nghĩa quan trọng, để anh nghiền ngẫm và bước tiếp chặng đường phía sau. Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ, Phạm Duy Nghĩa được mời về làm tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Rời xa rừng núi đại ngàn, xa miền Tây Bắc hùng vĩ, Phạm Duy Nghĩa “dan díu với kinh thành”. Đắm mình vào phố thị phồn hoa, Phạm Duy Nghĩa đã có một sự chuyển hướng trong tư tưởng, được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm sau này của anh, như nhà phê bình Văn Giá nhận xét: “Không tự bằng lòng với vị thế truyện ngắn đã được xác lập, nhà văn Phạm Duy Nghĩa đang làm mới chính mình. Tôi gọi đó là chuyển động Phạm Duy Nghĩa” [12]. Phạm Duy Nghĩa đã chuyển động. Cùng với hành trình đi tìm vẻ đẹp trong thiên nhiên và con người, Phạm Duy Nghĩa bước chân trong hành trình đi tìm sự thật, đề cao sự thật, không chấp nhận sự giả dối trong cuộc sống, trong xã hội hiện đại… Tưởng đã chết danh với Cơn mưa hoa mận trắng đầy lãng mạn, bất chợt gần đây Phạm Duy Nghĩa trở lại với một diện mạo văn chương hoàn toàn khác lạ. Tác phẩm của anh tràn ngập những câu hỏi về bản chất đời sống bề bộn hôm nay, về bản chất nhân quần và cá nhân, và về chính văn chương. Nhà văn lột xác, như người uống thuốc mơ vừa tỉnh lại. Đầy sảng khoái, hài hước, chua cay, mạnh mẽ.” (Lê Anh Hoài) [37] Phạm Duy Nghĩa đã tìm được một địa hạt văn chương mới, ở đó, anh được thỏa sức khám phá và sáng tạo, anh được sống đúng với tôn chỉ của mình “Tôi là người luôn trung thành với sự thật. Tôi chỉ viết những gì đã biết, đã trải qua. Không biết mà vẫn viết sẽ không hay, thậm chí rất giả” [11]. Là người luôn trung thành với sự thật, đấu tranh cho sự thật, truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa giai đoạn sau này hướng vào vạch trần sự giả dối, bảo thủ, giáo điều, phản tiến bộ, đồng thời chống bất công, tiêu cực, cái xấu, cái ác trong xã hội để hướng đến cuộc sống công bằng, tốt đẹp hơn.

Điểm độc đáo làm nên phong cách của Phạm Duy Nghĩa khi viết về đề tài này đó là anh không viết khơi khơi lên trang văn một cách sơ sài và thô ráp mà anh như người thợ tài hoa mài giũa vấn đề để nó trở thành những viên ngọc đầy ẩn ý qua những ẩn dụ nghệ thuật, mà theo nhà phê bình Văn Giá thì đó là “lối viết phúng dụ luận đề”.

Như trên chúng tôi đã khẳng định, mỗi nhà văn có một vùng thẩm mỹ riêng, thể hiện thế mạnh trong ngòi bút của mình. Cùng sống và làm việc tại miền núi, cùng viết về miền núi, sau đó về thành thị, cùng làm việc tại tạp chí Văn nghệquân đội nhưng nhà văn Phạm Duy Nghĩa và nhà văn Đỗ Bích Thúy lại có những lựa chọn khác nhau trong vùng thẩm mỹ của mình. Nhà văn Đỗ Bích Thúy là một cây viết nữ, qua những truyện ngắn như Chiếc hộp khảm trai, Sương khói mịt mờ, Đàn bà đẹp, Trong đám đông có một ánh mắt, đặc biệt là tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là, chị cho thấy một bức tranh đời sống phố thị đa dạng, nhưng vẫn ẩn chứa những nốt trầm văn hóa truyền thống đáng quý. Ngòi bút của chị hướng đến những thị dân và tầng lớp lao động, đặc biệt chị luôn đan xen trong tác phẩm những mảng màu văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà Thành. Khác với Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa mang trong mình tôn chỉ tôn trọng sự thật, đấu tranh cho sự thật, nên anh hướng ngòi bút đến những vấn đề nóng, thời sự của xã hội, đến những bất công, tiêu cực để phê phán và đấu tranh cho công bằng, công lý. Đây cũng là sự thống nhất, hợp logic trong phong cách của anh từ giai đoạn trước đến giai đoạn sau này.

2.2.1. Vạch trần sự giả dối, sự bảo thủ, phản tiến bộ, tha hoá và biến chất

Là một nhà văn luôn đi tìm sự thật, khát khao vẻ đẹp trong sự thật của đời sống, Phạm Duy Nghĩa đã thể hiện mạch đề tài trong nhiều truyện ngắn của mình. Anh luôn muốn vạch trần sự giả dối, bảo thủ, để tìm ra sự thật.

Mạch truyện này xuất hiện nhiều trong các sáng tác giai đoạn sau của anh như: Sài thục, Gió xanh, Chiếc áo second-hand, Bệnh tỉnh, Màu đỏ Artek… Tuy nhiên nó cũng được đan xen thể hiện trong các truyện ngắn giai đoạn sáng tác trước trong các truyện ngắn Người nhà ông Luân, Trên đồi lập lòe ánh lửa.... “Từ Sài thục trở đi, Phạm Duy Nghĩa trở nên “đáo để” hơn, trực diện hơn, và cũng rốt ráo

hơn. Như một thức tỉnh về mặt xã hội, anh muốn trình hiện một thứ văn chương biểu tỏ thái độ rõ rệt và mạnh bạo hơn đối với thực tại đời sống” [12].

Truyện ngắn Sài thục được nhà văn Phạm Duy Nghĩa viết năm 2010 và được in báo Văn nghệ năm 2015. Câu chuyện được triển khai trên một tình huống hư cấu về một loại củ có tên là “sài thục” (dùng để làm lương thực cho người, có thể ăn quanh năm) như một linh vật, một bảo chứng về lòng hiếu thảo và mối hận thù cần phải khắc cốt ghi xương trong một gia đình nọ với ba nhân vật: người chồng, người vợ và cô con gái; riêng người vợ đã cố ý chống lại một cách quyết liệt và can đảm cái “khế ước tinh thần” đó. Truyện ngắn lấy điểm nhìn từ nhân vật “tôi” là đứa con gái 17 tuổi trong gia đình. Cả gia đình có truyền thống trồng sài thục và ăn sài thục quanh năm: “Tứ mùa, sài thục là món chính trong bữa ăn của chúng tôi: Sài thục luộc, sài thục nướng, sài thục hấp, sài thục đồ xôi, sài thục làm bánh; lá sài thục thì luộc hoặc ngâm chua rồi nấu canh” [31]. Và quan trọng hơn, theo như lời bố của cô thì sài thục như là linh vật đã cứu giúp ông nội cô sống sót vài ngày trong hẻm núi. Phạm Duy Nghĩa sử dụng yếu tố kì ảo khi xây dựng lên hình tượng sài thục, nhưng những con người với tính cách của họ thì rất thật. Người bố vì lòng tôn thờ tổ tiên hay vì thói ích kỉ muốn kìm kẹp người vợ quanh năm bốn mùa chỉ ăn sài thục, chỉ được trồng sài thục mà không được trồng bất kì cây lương thực nào khác. Một ngày người vợ bắt đầu phản kháng, bà đã chán ăn sài thục, bà muốn trồng những cây lương thực khác, ăn những loại rau khác. Bằng quyền uy của người chồng trong gia đình, người bố không đồng ý, “Ông quy định vào bữa ăn, cả ba người chỉ thực hiện nhiệm vụ ăn, không ai được nói” [31]. Cuộc sống của người vợ như tù giam, khi ông dập tắt mọi sự phản kháng tránh xa sài thục bằng việc sơn toàn bộ ngôi nhà, đồ đạc, thậm chí con chó nuôi trong nhà cũng bằng màu của sài thục – màu đỏ như máu “Mọi thứ chỉ đẹp mắt và yên ổn khi ở trong sự thống nhất”; “Tất cả cần phải thống nhất. Tôi thích trật tự” [31]. Đặc biệt, ông giả dối, cố tạo ra sự bình đẳng trong gia đình khi lấy biểu quyết có trồng sài thục nữa hay không. Cao trào của câu chuyện là bỗng một ngày sài thục trong thung lũng của gia đình ông bị bẻ sạch: “Hàng vạn củ sài thục non mới nhú lên đều bị bẻ gẫy, nằm la liệt trên đất như

những cục thịt hồng hồng. Từ các củ ứa ra một thứ nhựa non nhờn nhợt như máu. Cảnh tượng ấy gợi nghĩ đến một chiến trường trung cổ, sau trận huyết chiến man rợ, đó đây còn vương vãi các dương vật bị kẻ thù cắt xẻo của hàng vạn chiến binh” [31]. Người chồng giận dữ cho rằng người làm việc này là người vợ nên người vợ phải bị trừng phạt “bố tôi đạp cửa đánh rầm và lôi xềnh xệch mẹ tôi vào gian nhà kho. Ngồi gọt củ ở gian ngoài, tôi chỉ nghe thấy tiếng thở khò khè, tiếng lục khục khó hiểu và những tiếng rú giật lên. Hình như bố tôi đang bẻ từng đốt tay của vợ.” Tối hôm đó, người vợ đã trốn đi, trốn thoát khỏi sự trói buộc và giam hãm cả thể xác lẫn tinh thần. Người vợ đã đến một vùng đất mới, với người chăn dê. Phạm Duy Nghĩa bằng sự quan sát trực diện cuộc sống, anh đã miêu tả những góc khuất trong một gia đình, nhưng cũng là mặt trái của xã hội: “Vùng chúng tôi dân ở rất thưa, giết một người cũng như giết một con dê, không ai biết.” Tất cả sự giả dối, bảo thủ, những tục lệ hà khắc, phản tiến bộ của người dân miền núi được anh phơi bày trên trang văn một cách khéo léo. Thông điệp mà nhà văn muốn đưa ra đó là: “Mọi thứ chỉ do con người đặt ra, cũng tự con người phế bỏ”. Mượn câu chuyện của một gia đình, nhưng đó cũng là câu chuyện của xã hội, trên những nương bản vùng núi xa xôi hẻo lánh kia còn rất nhiều những gia đình như thế. Phạm Duy Nghĩa đã nói lên tiếng lòng của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung, họ cần được sống một cuộc sống bỏ đi những định kiến lạc hậu, những tư tưởng giáo điều cởi trói khỏi những ràng buộc, và cần được sống tốt đẹp và tiến bộ hơn.

Nếu như Sài thục mang thông điệp về sự cởi bỏ thói chuyên quyền độc đoán, những trói buộc giáo điều trong 1 gia đình thì truyện ngắn Gió xanh lại gửi gắm niềm tin về sự thật, về cái đẹp trong cuộc sống thực. Gió xanh cũng lấy bối cảnh là một ngôi làng trong thung lũng. Một ngày nọ, cơn gió xanh đi qua làm thay đổi mọi thứ: “Cảnh đẹp đến mức không ai ngủ nổi. Suốt đêm, gió thổi một màu xanh huyền ảo vào vườn tược, chuồng trại, biến mọi thứ nhếch nhác xập xệ thành chốn thần tiên.” [32] Gió xanh đến mang theo những tín hiệu tích cực “trong gió có một cái gì đó khiến người ta xốn xang, náo nức lạ thường” và làm cho con người mắc “bệnh trong sáng”, “Cảnh ở đây quá đẹp, khiến con người ta không nỡ sống hèn”, điển hình và bi

thảm nhất của bệnh trong sáng là Mũ Nan Trắng. Câu chuyện về Mũ Nan Trắng chiếm dung lượng một nửa truyện ngắn. Nhờ được sống trong bầu không khí của gió xanh, một kẻ đa tình chuyên đi sàm sỡ con gái nhà lành liền biến thành một kẻ có liêm sỉ, dám hi sinh mình cho tình yêu cao thượng. Tưởng chừng như cả ngôi làng ấy sẽ biết ơn và ước muốn gió xanh mãi hiện diện như thế, để tâm hồn người chay tịnh, trong sáng, tinh khôi. Thế rồi, người ta cứ sống mãi trong ngọn gió xanh mát lành “Hàng tạ hàng tấn gió nhét đầy thung lũng, và người dân tiếp tục trong sáng, tiếp tục yêu đời. Lễ hội diễn ra như cơm bữa hàng ngày khiến người ta quên đi sự bần hàn, và quên một cái gì đó xa xôi ai cũng biết mà không ai nói tới.” Mọi thứ yên lành quá lại thấy không thật, thấy bất bình thường “Sự trình diễn mãi một màu của không gian khiến họ thấy đơn điệu và phù phiếm”. Xây dựng một tình huống truyện hư cấu, có nhiều yếu tố kì lạ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa muốn chia sẻ thông điệp rằng: con người mải mê chạy theo cái đẹp cao thượng, hào nhoáng mà quên mất đời sống trần tục. Cái đẹp phải được khởi phát từ cuộc sống, từ trong chính những xô bồ, khó khăn của cuộc sống thì mới là cái đẹp bền lâu. Phạm Duy Nghĩa đã bằng nhiều cách khác nhau, khi trực diện khi thông qua ẩn ngữ nghệ thuật để tôn vinh sự thật trong cuộc sống – Sự thật từ trong lòng xã hội, từ trong cuộc sống, đúng với quy luật tự nhiên mới là cái đẹp vĩnh cửu nhất: “Cái gì dù đẹp đến mấy mà trái với quy luật tự nhiên, trước sau cũng tự rút lui hoặc bị đào thải.”. Và ở cuối truyện, gió xanh đã hiện nguyên hình là cái đẹp giả tạo, phản tiến bộ, trái quy luật tự nhiên.

Truyện ngắn Chiếc áo second-hand không lấy bối cảnh là thung lũng miền núi như Người bayGió xanh, mà lấy bối cảnh là cuộc sống đô thị. Nhà văn Phạm Duy Nghĩa cho thấy anh là một người luôn trau dồi kiến thức và thể hiện nó trên trrang văn. Chiếc áo second-hand ngồn ngộn những tri thức về thiền, về linh hồn biến ảo. Truyện ngắn cũng hướng đến việc phơi bày và bóc trần những giả dối, mặt trái của xã hội qua hình ảnh chiếc áo second-hand và linh hồn người đàn ông miền trung nước Ý. Một anh nhà báo sau lớp học thiền có ghé qua một khu chợ, anh mua được một chiếc áo hàng thùng, chiếc áo kẻ màu tím sẫm. Chiếc áo hàng thùng đem đến một sự thay đổi lớn cho anh nhà báo. Bằng con mắt thứ ba có được khi học

thiền, anh nhìn thấy một linh hồn trong nhà mình khi mang chiếc áo về, hỏi ra mới biết chiếc áo là của một anh nông dân miền trung nước Ý. Từ khi có được chiếc áo, anh nhà báo như có thêm sức mạnh, anh được trợ giúp từ linh hồn của người đàn ông kia. Họ móc kèo, linh hồn của Giotto – tên người đàn ông nước Ý sẽ giúp anh nhà báo, ngược lại anh nhà báo sẽ đốt chiếc áo để linh hồn Giotto được trở về quê hương. Như một bảo bối có phép thuật, anh nhà báo lợi dụng linh hồn Giotto để làm bao việc cho mình mà không phải từ sức lực thật của mình: “Tiền bạc tự chui vào túi, quyền lợi tự đặt vào tay, đàn bà thì tôi chẳng tán tỉnh ai mà họ cứ tự dưng tìm đến” [33]. Anh nhà báo còn vượt qua kì thi lớp lí luận cao cấp một cách dễ dàng “nhờ quay cóp”. Hết lần này đến lần khác, anh nhà báo nài nỉ linh hồn Giotto giúp đỡ mà không giữ lời hứa. Dù Giotto có khuyên nhủ: “Mọi việc anh đang theo đuổi hôm nay, sau này anh sẽ thấy chỉ là phù phiếm. Khi rời khỏi trần gian, con người không mang theo được gì. Chỉ có trí tuệ và tình thương là còn mãi. Cách sống khôn ngoan nhất là làm một người tốt. Đây là thông điệp, mà từ thế giới khác, tôi mách bảo cho anh”. Sự kiện quan trọng trong cuộc đời tay nhà báo là đại hội sắp tới. Anh là một trong 8 ứng cử viên được bầu vào cấp ủy. Có 8 người sẽ bầu 7. Anh nhà báo sau những lần suy đi tính lại đầy dối trá, thì vẫn nài nhờ sự giúp đỡ của linh hồn nước Ý cho ăn chắc vụ này. Dù trời nóng, anh ta vẫn đóng hai chiếc áo, chiếc áo tím sẫm với thần may mắn bên trong và chiếc áo trắng, theo quy định của cơ quan bên ngoài. Giây phút công bố số phiếu, anh nhà báo trượt, dù đã giả dối, bon chen. Nhà văn Phạm Duy Nghĩa đã phơi bày trực tiếp những góc khuất, mặt tối, mặt trái trong xã hội và cả những dối trá, lừa lọc của con người, điều này được phát ngôn trực tiếp qua lời của hồn ma trong lớp học thiền: “Họ ép cung, dùng nhục hình... Tôi bị oan... Tôi không giết người... Tôi chết đau đớn cùng cực lắm mọi người ơi...”. Bằng ngòi bút của người làm báo, anh quan sát và đưa lên trang văn một cách thẳng thắn và trực diện cuộc sống xung quanh mình, anh không ngần ngại lấy bối cảnh là tòa báo, lấy nhân vật là những người xung quanh. Tôn chỉ của anh là sự thật – chỉ có sự thật mới được tôn thờ và chiến thắng tất cả.

Bệnh tỉnh của Phạm Duy Nghĩa đề cao sự thật, bóc trần sự giả dối. Trong truyện, anh xây dựng chi tiết nhân vật “đêm nào y cũng ngủ mơ thấy một cảnh lạ lùng”, đó là cuộc thi nói dối. Cuộc thi có “Quy tắc của trò chơi là ai đến dự cũng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa (Trang 42 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)