hàng hoá quốc tế
3.1.1 Hoàn thiện các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đối với các quy định pháp luật về hàng hoá là đối tượng được phép giao dịch của hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài, cần nhanh chóng bổ sung, cập nhật hàng hoá cấm xuất, nhập khẩu, cách phân loại hàng hoá để áp mức thuế suất phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể như tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 đã có những quy định chi tiết về một số điều của Luật quản lý ngoại thương, kèm theo các danh mục hàng hoá cấm xuất, nhập khẩu; danh mục hàng hoá chỉ định thương nhân xuất, nhập khẩu; danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép điều kiện,….Có thể thấy trong Nghị định này hướng dẫn rất cụ thể chi tiết về từng loại danh mục hàng hoá liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu, tuy nhiên việc các hàng hoá được liệt kê như này lại dẫn đến một trường hợp xảy ra cùng một chi cục, cùng một loại mặt hàng nhưng hai cán bộ tiếp nhận khác nhau thì hướng dẫn áp mã phân loại của hàng hoá khác nhau, điều này dẫn đến việc xác định thuế suất khác nhau. Có mặt hàng doanh nghiệp áp mã HS theo hướng dẫn của cán bộ hải quan khi làm thủ tục thông quan (đối với tờ khai luồng vàng và luồng đỏ) nhưng sau đó lại bị bác bỏ bởi các cán bộ hải quan thuộc chi cục hải quan kiểm tra sau thông quan, dẫn đến việc các doanh nghiệp bị xử phạt hành chính dù họ đã áp mã theo đúng hướng dẫn của cơ quan
nhà nước. Thiết nghĩ, việc phân loại hàng hoá đã được quy định thống nhất tại các văn bản pháp luật nhưng thực trạng việc xác định kỹ thuật phân loại hàng hoá phức tạp cần phải ban hành các quy định cụ thể để có thể xác định đầy đủ, chính xác, khách quan hơn trong thời gian tới.
Thứ hai, đối với các quy định pháp luật về chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài, cần làm rõ giá trị pháp lý uỷ quyền trong trường hợp giao dịch được diễn ra giữa một chi nhánh của thương nhân nước ngoài và một doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, đối với các quy định pháp luật về hiệu lực của những giao dịch mua bán với nước ngoài hợp pháp nhưng lại trái với các quy tắc đạo đức. Những hành vi hợp pháp nhưng trái với những chuẩn mực đạo đức công cộng thì không thể công nhận là có giá trị pháp lý. Trong trường hợp này, cần xác định rõ là phải trái với các chuẩn mực đạo đức công cộng chứ không phải là trái với chuẩn mực đạo đức nói chung.
3.1.2 Hoàn thiện các quy định về quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Pháp luật Việt Nam về quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài đã đề cập một góc độ nhất định trong số những nội dung nêu trên như một số dạng thức của lời mời để đi đến đề nghị giao kết hợp đồngvà chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam còn thiếu tính hệ thống, toàn diện trong việc điều chỉnh quan hệ tiền hợp đồng và còn nhiều điểm chưa phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về hợp đồng. Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng hài hoà hoá pháp luật về hợp đồng trên toàn thế giới, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài ở Việt Nam cũng cần làm rõ những vấn đề nêu trên. Để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, cần thực
Một là, quy định về giá trị pháp lý của những đề nghị giao kết hợp đồng. Pháp luật nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Trung Quốc... và Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) đã đề cập đến mối quan hệ giữa lời mời đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và giá trị pháp lý của những lời mời này. Nhìn chung, các nước này quan niệm là cần phải tìm kiếm ý định thực sự của các bên, xem xét ngôn từ biểu đạt thông qua hành vi của từng bên để xác định giá trị pháp lý của lời mời đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Trong điều kiện xu hướng hài hoà hoá và thống nhất hoá pháp luật về hợp đồng trên toàn thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, pháp luật Việt Nam cần đảm bảo sự tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế về lời mời để đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và giá trị pháp lý của những lời mời này
Hai là, quy định về giá trị pháp lý của các thoả thuận đạt được trong quá trình đàm phán hợp đồng: Pháp luật Việt Nam nên được làm rõ theo hướng xác định giá trị của các tài liệu tiền hợp đồng, nghĩa là các tài liệu được soạn thảo trong quá trình thương lượng, đàm phán hợp đồng trước khi hợp đồng đã được giao kết. Theo pháp luật hiện hành, khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ýchí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Tuy nhiên, những quy định này của pháp luật Việt Nam chưa cho phép làm rõ mối quan hệ giữa những tài liệu tiền hợp đồng với hợp đồng đã được giao kết. Việc thừa nhận giá trị của tài liệu được soạn thảo trong quá trình đàm phán, thương lượng có vai trò quan trọng trong nhiều trường hợp. Những tài liệu được soạn thảo trong quá trình đàm phán, thương lượng hợp đồng cần được tính đến trong trường hợp các điều khoản của hợp đồng không rõ ràng, hoặc thiếu một số nội dung làm cho việc xác định ý định của các bên trong hợp đồng trở nên khó khăn
Ba là, quy định về trách nhiệm đối với những hành vi xâm phạm quan hệ tiền hợp đồng: Pháp luật Việt Nam đã thừa nhận nghĩa vụ trung thực, thiện chí trong quan hệ
hợp đồng. Theo đó, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ, không bên nào được lừa dối bên nào. Pháp luật cũng ghi nhận việc nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự, theo đó các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa chỉ rõ các hình thức trách nhiệm đối với việc vi phạm nghĩa vụ trung thực, thiện chí trong quan hệ tiền hợp đồng; trách nhiệm liên quan đến lời hứa hẹn được đưa ra trong quá trình đàm phán hợp đồng.
3.1.3 Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sau khi gia nhập thành viên của Công ước Viên 1980.
Công ước Viên 1980 là một trong những nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Việt Nam đã gia nhập Công ước Viên vào cuối năm 2015, trở thành thành viên thứ 84 của Công ước và Công ước chính thức có sự ràng buộc đối với Việt Nam từ tháng 01/2017. Việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980 đã mang lại những cơ hội lớn. Qua đó có thể thấy, việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cho phù hợp là điều rất quan trọng. Do đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện bổ sung luật liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế,cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định trong 101 điều của CISG và các điều luật hiện hành của Luật thương mại năm 2005 để xác định sự bất tương thích hoặc tương thích để thuận lợi và phù hợp cho việc áp dụng luật đối với các hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài, trong đó có hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế,cụ thể như: Theo Luật thương mại 2005 chỉ công nhận theo hình thức văn bản hoặc bằng hình thức có giá trị pháp lý tương đương. Trong khi đó, CISG công nhận nguyên tắc tự do về hình thức hợp đồng, nghĩa là một hợp đồng mua bán hàng hóa không nhất thiết phải bằng văn bản mà có thể được thành lập bằng lời nói, hành vi và có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng nhân chứng. Đây là một điểm khác
biệt cơ bản giữa CISG và Luật thương mại Việt Nam năm 2005 về hình thức của hợp đồng. Mặc dù sự khác biệt này không cản trở việc Việt Nam tham gia CISG vì Việt Nam có quyền bảo lưu sự khác biệt. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế tối đa sự xung đột pháp luật, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền định đoạt của các chủ thể cần sửa đổi quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sao cho thống nhất.