Tác động đối với các nước thành viên

Một phần của tài liệu 3. NguyenHoangHue_NoiDung (Trang 101 - 104)

7. Bố cục của luận án

3.1.1. Tác động đối với các nước thành viên

Sự ra đời của EWEC đã đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn, thị tứ dọc hành lang đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; mở cửa cho hàng hóa của các địa phương và các nước nằm dọc EWEC thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á và châu Âu. Ngoài ra, EWEC còn là môi trường để thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, đặc biệt là ở Myanmar, Lào và Việt Nam. EWEC cũng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương các nước thành viên.

Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc EWEC (1998 - 2010) đã có tác động tích cực đến các nước thành viên thể hiện trên các lĩnh vực cụ thể sau:

- Giao thông, giao lưu hàng hoá, dịch vụ phát triển sẽ tạo điều kiện cho nhân dân các vùng và địa phương thuộc EWEC phát triển mạnh hơn về kinh tế, văn hoá, đời sống... góp phần tăng cường an ninh mỗi nước và khu vực, tăng cường tinh thần hữu nghị giữa các nước và niềm tin vào mục tiêu phát triển của ASEAN đang hướng tới một cộng đồng kinh tế vào năm 2015 .

- Khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi nước. Các vùng, địa phương của mỗi nước trong EWEC đều có đặc điểm và thế mạnh riêng cho phép khai thác tiềm năng hợp tác, bổ sung cho nhau về tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hoá, kinh tế nhằm mở rộng thị trường, nhất là sản phẩm rừng, biển, di sản văn hoá...

- Xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng khác của mỗi nước. Các tỉnh của Việt Nam trong EWEC có vai trò lớn, tạo thuận lợi cho các tỉnh thuộc hành lang của 3 nước Lào, Thái Lan, Myanmar tiến ra cửa khẩu biển Đông; hợp tác với Việt Nam vận tải quá cảnh hàng hoá, dịch vụ từ các vùng, địa phương sâu trong nội địa ra các nước trên thế giới; các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng là nơi cung cấp sản phẩm hàng hoá, dịch vụ kinh tế biển cho các địa phương thuộc EWEC.

- Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo. Con người là nguồn lực quan trọng nhất của một đất nước và trong trường hợp mọi lợi thế so sánh khác đã được tận dụng, phát huy, thì con người còn trở thành nguồn lực duy nhất của một quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực là một nhân tố mang tính cốt yếu và nền tảng đối với quá trình phát triển, xét trong mọi khía cạnh và mọi tầm vóc của quá trình này. Các địa phương và các nước thuộc EWEC đã tích cực tham gia vào các chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực như: Chiến lược hợp tác Tiểu vùng Mekong về nguồn nhân lực; Kế hoạch Phnom Penh (PPP) trong việc phát triển nguồn nhân lực GMS nhằm mở rộng tối đa phạm vi hoạt động và tạo ra các kỹ năng phát triển cho các cán bộ chính phủ của các nước EWEC và GMS; Hợp tác phát triển giáo dục đào tạo... Kế hoạch PPP đã và đang mang lại kiến thức và kỹ năng cho các viên chức trung và cao cấp nhằm hỗ trợ việc lập và quản lý các chương trình ở cấp quốc gia và tiểu khu vực. Các trường đại học, cao đẳng của các địa phương và các nước thuộc EWEC thường xuyên tổ chức các cuyến giao lưu, học tập, hội thảo và trao đổi giảng viên, sinh viên để học hỏi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết và cùng nhau hợp tác phát triển.

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của các địa phương và các nước thuộc EWEC mà cả với sự phát triển của EWEC. Đúng như khẳng định của ông Sukhdeep Brar, chuyên gia giáo dục cấp cao ADB: “Chất lượng của của các quyết định phát triển và quản lý phát triển quả phụ thuộc nhiều vào khả năng của các công chức để lãnh đạo và quản lý có hiệu quả quá trình phát triển” [113, tr67].

- Góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại. Dự án EWEC không chỉ góp phần phát triển thương mại, đầu tư, du lịch lẫn nhau mà còn có cơ hội thu hút đầu tư trực

tiếp nước ngoài (FDI) từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối với các thị trường quốc tế và với khu vực Đông Á, do đó EWEC sẽ trở thành hành lang hợp tác hữu nghị, cùng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.

- Tạo khả năng tăng cường an ninh khu vực. EWEC ra đời và hoạt động có hiệu quả sẽ tạo thuận lợi mới cho nền kinh tế của 4 nước phát triển, kinh tế phát triển sẽ tạo cho an ninh có điều kiện để củng cố, tăng cường một bước, nhất là cơ sở vật chất và lòng dân. EWEC đi vào hoạt động, đã hình thành một thị trường khu vực liền kề nhau tạo ra cho 4 nước cơ hội để phát triển kinh tế, tăng cường kim ngạch xuất khẩu, nhất là những ngành hàng mà các nước đang có thế mạnh đồng thời các nước cũng có cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài mạnh hơn không chỉ của các nước trong vùng mà của cả các nước lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ...

Mặt khác, EWEC cũng sẽ tạo ra sự tuỳ thuộc lẫn nhau, đan xen lợi ích kinh tế có lợi cho phát triển kinh tế và củng cố lòng tin của mỗi nước. Thông qua việc thu hút các nhà đầu tư của các nước trong khu vực và bằng sự đan xen lợi ích kinh tế dẫn đến đan xen lợi ích an ninh giữa các nước trong vùng, với các đối tác nước ngoài khác, có thể góp phần cải thiện môi trường an ninh biên giới trên hành lang 4 nước và khu vực. Từ đó tạo ra môi trường khu vực ổn định hơn, lợi thế hơn trong quá trình hợp tác và đấu tranh bảo vệ an ninh, góp phần giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế mỗi nước và khu vực.

- Trạng thái mới về an ninh hình thành. EWEC tạo khả năng mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi hơn để bốn nước hợp tác trao đổi thông tin với các quốc gia khác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hướng tới mục tiêu hoà bình, ổn định và phát triển. Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh hoặc liên quan đến an ninh, đòi hỏi phải có sự hợp tác song phương và cả đa phương trong khu vực và toàn cầu mới có thể giải quyết được. EWEC ra đời và đi vào hoạt động làm nảy sinh trạng thái mới về an ninh quốc gia mỗi nước và khu vực. Để khai thác tối đa những lợi ích do việc mở hành lang khu vực thì tất yếu các nước cũng phải mở rộng thị trường nội địa của mình để các nhà kinh doanh, đầu tư nước ngoài vào làm ăn và tham gia cạnh tranh bình đẳng trên nền tảng những nguyên tắc mà EWEC và các hiệp định đã ký giữa

ASEAN với các nước khác. Do đó, những vấn đề mới có thể sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện mục tiêu của EWEC như: những vấn đề về an ninh văn hoá, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong một số khu, vùng nhất định nào đó có thể bị trở thành "vùng lõm" do các nước chuẩn bị chưa đầy đủ, không kiểm soát được hoặc có sai lầm gây ra, nhất là ba nước Lào, Việt Nam và Myanmar.

Một phần của tài liệu 3. NguyenHoangHue_NoiDung (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(196 trang)
w