1.2.1. Khái niệm pháp luật về giải thể doanh nghiệp
Để đảm bảo doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, lành mạnh qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan thì việc có sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật là cần thiết. Do đó, các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp đã được quan tâm và quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Pháp luật về giải thể doanh nghiệp bao gồm một hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết việc giải thể doanh nghiệp. Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết việc giải thể doanh nghiệp là quan hệ giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và doanh nghiệp, quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác trong kinh doanh, quan hệ giữa doanh nghiệp và chủ nợ, quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động, quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đây, pháp luật về giải thể doanh nghiệp được quy định tương ứng với từng loại hình cụ thể: đối với doanh nghiệp Nhà nước, việc giải thể được quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995 và Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003; đối với các doanh nghiệp; còn đối với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì các quy định về giải thể doanh nghiệp được ghi nhận tại Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999; Luật doanh nghiệp 2005 và hiện nay là Luật Doanh nghiệp 2014 tại Chương IX.
1.2.2. Vai trò của pháp luật về giải thể doanh nghiệp
Giải thể là quy luật mang tính tất yếu trong nền kinh tế thị trường, và nó cũng có những ý nghĩa nhất định đối với kinh tế – xã hội. Các quy định
của Luật Doanh nghiệp về giải thể doanh nghiệp được ban hành không chỉ để đào thải các doanh nghiệp yếu kém mà còn nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng về cán cân thanh toán thị trường. Điều này được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
– Pháp luật về giải thể doanh nghiệp là công cụ bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ:
Bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ trước tiên là bảo vệ các quyền về tài sản của các chủ nợ. Khi doanh nghiệp mắc nợ không trả được nợ cho các chủ nợ thì khi doanh nghiệp giải thể phải để bán toàn bộ tài sản còn lại của doanh nghiệp để trả cho các chủ nợ.
- Pháp luật giải thể doanh nghiệp góp phần vào bảo vệ lợi ích của người lao động:
Việc doanh nghiệp bị giải thể thì chính những người lao động trong doanh nghiệp sẽ phải chịu hậu quả trực tiếp, họ sẽ bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống. Sự bảo vệ của pháp luật giải thể đối với người làm công thể hiện ở chỗ họ có quyền được ưu tiên thanh toán nợ lương trước các khoản nợ khác của doanh nghiệp, nợ thuế trước khi cơ quan ra quyết định giải thể doanh nghiệp và xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
- Pháp luật giải thể doanh nghiệp góp phần bảo vệ trật tự trong xã hội: Khi doanh nghiệp bị giải thể thì chủ nợ nào cũng muốn lấy được càng nhiều càng tốt tài sản còn lại của doanh nghiệp bị giải thể. Như vậy nếu không có Luật để đưa vấn đề phân chia tài sản của doanh nghiệp theo một trật tự nhất định, nhằm bảo đảm sự công bằng và khách quan mà cứ để “mạnh ai người ấy lấy” một cách vô tổ chức thì sẽ gây ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự, gây ra mâu thuẫn giữa chủ nợ với con nợ, giữa chủ nợ với nhau. Để có thể giải quyết công bằng, thỏa đáng mối quan hệ về lợi ích giữa chủ nợ và con nợ và giữa các chủ nợ với nhau, pháp luật về giải thể quy định cụ thể thứ tự ưu
tiên thanh toán góp phần giải quyết mâu thuẫn, hạn chế những căng thẳng có thể có giữa họ với nhau, nhờ đó đảm bảo được trật tự của xã hội.
- Pháp luật giải thể góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, tái tạo tổ chức lại doanh nghiệp:
Giải thể doanh nghiệp bao giờ cũng kéo theo những hậu quả về kinh tế xã hội nhất định, nhưng không phải trong trường hợp nào giải thể doanh nghiệp cũng mang lại những tiêu cực. Giải thể doanh nghiệp là một biện pháp giúp cơ cấu lại nền kinh tế, giúp đào thải tự nhiên đối với doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ góp phần duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Qua đó góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế. Hơn nữa, pháp luật về giải thể doanh nghiệp còn là công cụ răn đe buộc các nhà kinh doanh luôn luôn phải năng động sáng tạo nhưng không được mạo hiểm và liều lĩnh.
Ta thấy việc quy định này là hết sức cần thiết bởi nó không chỉ tạo cơ sở pháp lí để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan. Qua đó, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, tái tạo tổ chức lại doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng.
1.2.3.Các nội dung điều chỉnh pháp luật về điều kiện giải thể doanh nghiệp
Một doanh nghiệp, từ khi ra đời cho đến khi chấm dứt hoạt động, luôn có mối quan hệ với Nhà nước. Quan hệ mang tính tất yếu này thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước về Doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích chung cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của chính công ty và người thứ ba. Để đảm bảo mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, mục đích quản lý Nhà nước, mục đích điều chỉnh của pháp luật, Nhà nước quy định trình tự, thủ tục, điều kiện giải thể doanh nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, pháp luật điều chỉnh về điều kiện giải thể doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp
2014 và các văn bản có liên quan khác. Các nội dung cơ bản của pháp luật điều chỉnh pháp luật về điều kiện giải thể.
Thứ nhất, điều kiện về tình trạng của doanh nghiệp được phép giải thể:
Giải thể doanh nghiệp là sự kiện pháp lý làm chấm dứt tư cách pháp nhân, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể, ảnh hưởng đến sự vận hành của thị trường, của nền kinh tế nên doanh nghiệp muốn được giải thể thì phải đáp ứng điều kiện về tình trạng của doanh nghiệp mới được giải thể. Pháp luật về doanh nghiệp quy định về tình trạng của doanh nghiệp được phép giải thể trong 02 trường hợp sau:
- (i) Doanh nghiệp giải thể tự nguyện: đây là việc giải thể mà do chính doanh nghiệp quyết định trong quá trình tiến hành hoạt động của mình khi thấy rằng việc tồn tại của doanh nghiệp là không còn cần thiết, hoặc doanh nghiệp không còn đủ khả năng duy trì hoạt động. Đây là trường hợp giải thể pháp luật cho phép xuất phát từ quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ, mà quyền chấm dứt doanh nghiệp là một phần của quyền tự do kinh doanh. Cụ thể: Doanh nghiệp mặc dù đang hoạt động nhưng theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với Công ty cổ phần thống nhất quyết định giải thể doanh nghiệp; hoặc, hết thời hạn hoạt động theo Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
- (ii) Doanh nghiệp giải thể bắt buộc: là trường hợp giải thể do cơ quan Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải tiến hành giải thể. Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải giải thể khi doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện để một doanh nghiệp tồn tại và hoạt động theo quy định của pháp luật, cụ thể: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một trong những hậu quả khi doanh nghiệp giải thể đó là việc phải giải quyết xong các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, cụ thể là đối với các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp; người thứ ba (trật tự công, người lao động, chủ nợ...). Điều này, xuất phát từ quyền được bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân. Pháp luật các nước cũng như pháp luật Việt Nam quy định điều kiện về thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ khác, cụ thể:
- (i) Doanh nghiệp đã thanh toán hết các khoản nợ
- (ii) Doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài sản khác.
- (iii) Doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Các quy định về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến việc giải thể doanh nghiệp.
Có thể nói đây là điều kiện tiên quyết để cho phép hoặc bắt buộc một doanh nghiệp giải thể. Bởi lẽ, nếu không giải quyết được vấn đề này thì quyền lợi của người thứ ba sẽ bị xâm phạm.
Thứ ba, điều kiện về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Pháp luật các nước cũng như Việt Nam đều quy định trình tự thủ tục giải thể là bắt buộc. Đây là vấn đề quan trọng xác định lộ trình cụ thể để đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan. Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp bao gồm: thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp, thanh lý tài sản, thông báo quyết định giải thể doanh nghiệp…..Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực đặc thù như: doanh nghiệp bảo hiểm, Ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng….. thì bên cạnh việc áp dụng các quy định mang tính chất chung như trên thì việc giải thể còn áp dụng các quy định mang tính đặc thù nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc giải thể các doanh nghiệp này.
Tiểu kết Chương 1
Doanh nghiệp là một chủ thể kinh doanh quan trọng và không thể thiếu trong nền kinh tế hiện nay khi thực hiện các hoạt động kinh doanh để tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho các nhu cầu của toàn xã hội. Trong quá trình hoạt động, có những doanh nghiệp có nhu cầu muốn chấm dứt hoạt động; cũng có những doanh nghiệp bắt buộc phải chấm dứt hoạt động và giải thể doanh nghiệp là một trong những cách thức để doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, giúp doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách lành mạnh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác thì cần có một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh về điều kiện giải thể doanh nghiệp. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định điều chỉnh về điều kiện giải thể doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các quy định đó bên cạnh giúp đạt được các mục đích nêu trên thì còn là công cụ giúp Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý đối với việc hoạt động của doanh nghiệp.
Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ