Khái niệm
Theo Điều 28, Luật Thương mại Việt Nam 2005 có định nghĩa về xuất khẩu và nhập khẩu như sau:
“Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.
“Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.
Đặc điểm
- Hoạt động xuất, nhập khẩu được điều chỉnh bằng các Hiệp định, thỏa thuận thương mại khu vực
Trong môi trường của một Cộng đồng kinh tế, bên cạnh hiệp định về tự do hóa đầu tư, các quốc gia sẽ cùng nhau ký các thỏa thuận, hiệp định liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ, trong đó tập trung và việc cắt giảm, xóa bỏ các rào cản về thuế, rào cản kỹ thuật, rào cản về thủ tục hải quan trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia thành viên, tạo điều kiện thuận lợi để tạo ra một thị trường chung, thống nhất cho việc tự do di chuyển hàng hóa giữa các quốc gia trong Cộng đồng.
- Hoạt động xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên được thúc đẩy bằng việc đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất nhập khẩu
Cộng đồng kinh tế là một khu vực kinh tế gồm nhiều các quốc gia sẽ tạo nên một thị trường chung rộng lớn cho hoạt động, xuất nhập khẩu của từng quốc gia thành viên.
Bằng việc điều chỉnh hoạt động xuất, nhập khẩu bằng Hiệp định thương mại khu vực, tạo nên tính minh bạch và công bằng giữa các quốc gia càng trong Cộng đồng kinh tế, sẽ là điều kiện thuận để phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia nội khối. Các ngành sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu yêu cầu cần phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng như sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia thành viên trong bối cảnh hàng hóa từ nước ngoài sẽ dễ dàng thâm nhập vào thị trường trong nước hơn. Bên cạnh đó, nhờ có sự gia tăng nhanh chóng, thuận lợi và đa dạng các ngành của FDI mà hoạt động sản xuất trong nước cũng sẽ được tiếp cận với nhiều ngành nghề khác nhau, tạo nên sự đa dạng hóa sản phẩm.
Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu - Hình thành, phát triển của các liên kết kinh tế quốc tế
Như đã trình bày ở phần trên về việc hình thành liên kết kinh tế quốc tế nói chung và cộng đồng kinh tế nói riêng hiện nay là xu thế tất yếu trong tình hình thế giới hiện nay, nó sẽ giúp gia tăng mối liên hệ, gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên cũng như các khu vực trên thế giới, từ đó sẽ làm gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế giữa các quốc gia với nhau, giữa quốc gia với các khu vực kinh tế khác, mở rộng thị trường tiêu thụ và thị trường sản xuất hàng hóa thông qua quá trình tự do hóa thương mại, tự do hóa tài chính, và tự do hóa đầu tư với các chính sách ưu đãi trong nội bộ các nước thành viên.
- Nguồn nhân lực
Nhân lực luôn được coi là một trong những nhân tố quan trọng quyết định việc thành công hay thất bại trong bất kỳ một lĩnh vực, hoạt động nào. Trong xu thế hình thành liên kết kinh tế quốc tế như hiện nay thì tình hình nguồn nhân lực ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu ở các điểm sau:
i. Nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ là điều kiện thuận lợi để thu hút việc đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có sử dụng nhiều lao động như công nghiệp chế biến chế tạo (linh kiện điện tử, may mặc, hàng thủ công…)
ii. Xu hướng phân công lao động đang chuyển từ chiều dọc sang chiều ngang, tức là lao động của một quốc gia sẽ tham gia vào một công đoạn nào đó trong quá trình sản xuất và sản xuất trên phạm vi toàn cầu thành một mạng lưới, trong đó mỗi quốc gia là một mắt xích. Trước đây các nước đang phát triển chỉ là nơi cung cấp nguyên, vật liệu cho các nước phát triển thì ngày nay với tình hình phân công lao động mới, các nước đang phát triển có thể tham gia vào một khâu của quá trình sản xuất, và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các công ty xuyên quốc gia (TNCs), và các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các công ty, doanh nghiệp nước ngoài khi mà họ di chuyển phần lớn quá trình sản xuất đơn giản và lắp ráp sang nước đang phát triển để tận dụng được nguồn nhân lực tại chính các quốc gia này.
- Sự phát triển của khoa học, công nghệ
Việc phát triển của khoa học công nghệ tại mỗi quốc gia cũng như việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến từ nước phát triển sang nước đang và kém phát triển có thể được xem là làm thay đổi tình hình, phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi một quốc gia. Lao động thủ công, đơn giản được thay thế bằng lao động tự động, hiện đại sẽ hỗ trợ tối đa cho sản xuất, sản xuất được nhiều hơn và chất lượng hơn, thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu máy móc, công nghệ.
Ngày nay, phát triển của khoa học, công nghệ không chỉ có tác động trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất thông thường mà còn ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán quốc tế, vận tải quốc tế… tạo nên mạng lưới thương mại toàn cầu đã và đang có những ảnh hưởng tích cực tới hoạt động xuất nhập khẩu của tất cả các quốc gia trên thế giới.
- Các nhân tố khác
Ngoài các nhân tố được kể ra cụ thể ở phía trên, các nhân tố liên quan tới môi trường chính trị, kinh tế (bao gồm các chính sách và quy định của nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư…), cơ sở hạ tầng (đường xá, bến bãi, hệ thống vận tải, thông tin…) cũng là một trong những nhân tố quan trọng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia.