Phần 2 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
2.3. Tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước
2.3.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam một số nhà khoa học thú y đã có những nghiên cứu tổng kết về bệnh sinh sản trên đàn lợn nái. Bệnh sinh sản có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sinh sản của lợn nái, nó không chỉ làm giảm sức sinh sản của lợn nái mà còn có thể làm cho nái mất khả năng sinh sản, chậm sinh hay làm giảm khả năng sống sót của lợn con.
Theo Nguyễn Xuân Bình (2000) [2], bệnh viêm tử cung xảy ra ở những thời gian khác nhau, nhưng thường xảy ra nhiều nhất vào thời gian sau khi đẻ từ 1 - 10 ngày.
Theo Trần Tiến Dũng và cs (2002) [7], bệnh viêm tử cung ở thể viêm cơ, viêm tương mạc thì không nên tiến hành thụt rửa bằng các chất sát trùng với thể tích lớn. Vì khi bị tổn thương nặng cơ tử cung co bóp yếu, các chất
bẩn không được đẩy ra ngoài lưu trong đó làm cho bệnh nặng thêm. Các tác giả đề nghị nên dùng oxytocin kết hợp PGF2α hoặc kết hợp với kháng sinh điều trị toàn thân và cục bộ. Sát nhau trên lợn nái ít xảy ra, nhưng nếu lợn nái bị sát nhau sẽ đưa đến viêm nhiễm trùng và gây viêm tử cung. Điều kiện môi trường thay đổi đột ngột như thời tiết môi trường quá nóng hay quá lạnh trong thời gian đẻ cũng dễ đưa đến viêm tử cung.
Theo Nguyễn Văn Điền (2015) [9], đối với lợn nái viêm tử cung nhẹ, điều trị bằng cách đặt viên thuốc kháng sinh oxytetracyclin vào âm đạo từ 5 - 7 ngày. Tiêm amoxi 15% 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 48 giờ. Đây là dạng viêm có kết quả điều trị khỏi bệnh cao.
2.3.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Hiện nay, ngành chăn nuôi lợn trên thế giới đang rất phát triển. Các nước không ngừng đầu tư cải tạo chất lượng đàn giống và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề hạn chế bệnh sinh sản là một vấn đề tất yếu cần phải giải quyết, đặc biệt là bệnh viêm đường sinh dục. Đã có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về bệnh viêm đường sinh dục và đã đưa ra các kết luận giúp cho người chăn nuôi lợn nái sinh sản hạn chế được bệnh này.
Tuy vậy, tỷ lệ mắc bệnh viêm đường sinh dục trên đàn lợn nái sinh sản vẫn rất cao. Theo Bilken (1994) [1], viêm tử cung thường xảy ra trong lúc sinh do nhiễm vi khuẩn E. coli gây dung huyết và các vi khuẩn gram dương. Các vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung có nguồn gốc từ nước tiểu, các tác giả đã phân lập vi khuẩn từ mẫu nước tiểu lợn nái sắp sinh thường có chứa các vi khuẩn E. coli, Staphylococcus aureus, Streptococcus spp. Tuy nhiên, các nghiên cứu của các tác giả khác lại ghi nhận các vi khuẩn gây nhiễm trùng tử cung là các vi khuẩn cơ hội thuộc nhóm vi sinh vật hiếu khí có mặt ở nền chuồng, lúc lợn nái sinh cổ tử cung mở, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Do đó, theo Smith B.B và cs (1995) [23] và theo Taylor D.J (1995) [22], tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thân thể lợn nái là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa nhiễm trùng sau khi sinh. Khi mổ khám những lợn vô sinh,
các tác giả đã xác định được nguyên nhân do cơ quan sinh sản là 52,5%, lợn nái đẻ lứa đầu là 32,1%, lợn nái cơ bản có những biến đổi bệnh lý: viêm vòi tử cung có mủ.
Các tính trạng về sinh sản được đánh giá trên từng ổ lợn bao gồm: Số lợn con đẻ ra còn sống/ổ, số lợn con cai sữa và khối lượng toàn ổ vào khoảng 21 ngày tuổi của thời kỳ tiết sữa. Theo Frank Aherne trường Đại học Alberta, Maynrd G.Hogberg trường Đại học Michigan, Koregay trường Đại học Bang và viện nghiên cứu bách khoa Virginia cho rằng: Cho lợn con ăn thức ăn sớm từ khi 7 - 10 ngày tuổi để cai sữa sớm cho lợn con thì rất có lợi, mục đích cho lợn con ăn thức ăn sơ sinh là để duy trì mức tăng trưởng sau khi ăn được 3 - 4 tuần tuổi khi lượng sữa mẹ bắt đầu giảm, thức ăn với lợn con cai sữa sau 21 ngày tuổi có tác dụng kích thích hệ tiêu hoá phát triển làm tăng khả năng sản sinh enzym tiêu hoá, axit HCl trong dạ dày và chuẩn bị cho lợn con sau khi cai sữa quen với khẩu phần ăn, có protein từ hạt ngũ cốc. Trong thực tế thức ăn dễ tiêu hoá, hợp khẩu vị, có tác dụng làm cho lợn con cai sữa sớm khi được 24 - 28 ngày tuổi lớn nhanh, nặng cân, tiêu hoá tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong 1 - 2 tuần đầu cai sữa.