Nguyên nhân khách quan
Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý vẫn còn nhiều bất cập và chưa thuận lợi trong việc xử lý tài sản bảo đảm để giúp ngân hàng sớm thu hồi nợ vay đối với những món cho vay trực tiếp.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN và Hội sở chính chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.
Nhiều biện pháp xử lý chẳng hạn như xử lý nợ xấu còn mang nặng tính hành chính, chưa tạo sự linh hoạt gắn liền với thị trường. Tín dụng chính sách nên dẫn đến việc cho vay với những đối tượng ưu tiên có sẵn, ngân sách cứ rót xuống nếu không thu hồi được nợ thì cùng lắm là bị khiển trách, kỷ luật, chứ không có chế tài pháp lý xử lý như với những NHTM khác dẫn đến tồn tài nhiều khoản nợ xấu khó xử lý.
Môi trường kinh tế
Những nguyên nhân tác động tới người vay, làm họ mất khả năng thanh toán cho Ngân hàng; như thiên tai, dịch bệnh, hoặc những thay đổi vượt quá tầm kiểm soát của người vay lẫn người cho vay. Những thay đổi này thường xảy ra, tác động tới người vay, tạo thuận lợi hoặc khó khăn cho người vay. Giá cả các mặt hàng luôn biến động, thị trường tiêu thụ thiếu tính chủ động, mối quan hệ giữa người nghèo vay vốn để sản xuất và môi trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thiếu các trung tâm mua bán, trợ giúp người nghèo.
Thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chưa sâu rộng ở nông thôn. Do vậy, thông thường người nghèo vay vốn chỉ sản xuất những sản phẩm mà họ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, họ chưa đủ các điều kiện để đặt ra vấn đề sản xuất những sản phẩm nào mà thị trường cần. Đây là những nguyên nhân mà cả ngân hàng và người vay vốn chưa thể tiên lượng được. Trong những trường hợp khác nhau, người vay có thể bị tổn thất, không có khả năng trả nợ, một số ít vẫn có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, khi tác động của những nguyên nhân bất khả kháng đối với người vay là nặng nề, khả năng trả nợ của họ bị suy giảm và rất kém dẫn đến rủi ro tín dụng. Nguyên nhân chủ quan
Từ khách hàng vay vốn
- Khách hàng thiếu kiến thức, kỹ năng trong sử dụng vốn vay: Đối tượng thụ hưởng
nguồn vốn tín dụng chính sách là hộ nghèo, hộ chính sách, các hộ gia đình sinh sống ở các vùng, miền đặc biệt khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa. Trình độ dân trí còn ở mức thấp, yếu kém trong dự đoán các vấn đề đầu tư vốn cho sản xuất, kinh doanh, sức khoẻ yếu, yếu kém trong quản lý và chi tiêu trong gia đình. Tập quán sinh hoạt còn mang tính tự cung tự cấp, cuộc sống không ổn định, phần lớn là thiếu kiến thức, chưa biết tính toán trong sản xuất, kinh doanh và chưa quen với quan hệ tín dụng.
- Khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích: Với mục tiêu cho vay vốn để giải quyết việc làm, kinh doanh sản xuất thoát nghèo nên lãi suất ưu đãi và hướng đến các chương trình cho vay như trồng trọt, chăn nuôi, mua nông cụ, …Tuy nhiên có nhiều trường hợp trong hồ sơ vay vốn đề nghị vay vốn sản xuất lại dùng để kinh doanh, đề nghị vay vốn mua nông cụ thì lại dùng để chăn nuôi…dẫn đến những rủi ro ngoài ý muốn. Chưa kể đến những trường hợp vì lãi suất cho vay hấp dẫn của NHCSXH nên cố tình cung cấp thông tin thiếu chính xác về gia cảnh để được vay ưu đãi hoặc đứng tên vay hộ cho những cá nhân, tổ chức không thuộc diện vay ưu đãi để hưởng chênh lệch lãi suất.
- Khách hàng không có thiện chí trả nợ: Vì đối tượng vay vốn của NHCSXH là những đối tượng chính sách nên lãi suất cho vay thấp và các biện pháp xử lý nợ xấu cũng “mềm”
Chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV
Phương thức cho vay của PGD NHCSXH là trực tiếp hoặc uỷ thác bán phần thông qua các tổ chức tín dụng, tổ chức CT-XH. Hoạt động tín dụng thông qua Tổ TK&VV được hình thành theo thôn, khối phố.
Các cấp hội, đoàn thể ở xã, thị trấn và Tổ trưởng Tổ TK&VV là cầu nối trung gian giữa ngân hàng với hộ vay trong việc quản lý cho vay và thu hồi nợ. Một số cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ TK&VV chưa thấy được quyền lợi và trách nhiệm của việc ký kết hợp đồng uỷ thác nên không coi trọng việc quản lý giám sát hoạt động của tổ, chưa thực hiện đúng quy ước về thu nợ, thu tiết kiệm. Có nơi việc thành lập tổ chỉ bầu Tổ trưởng trên danh nghĩa, không quan tâm đôn đốc tổ viên còn lại dẫn đến không ai nhắc nhở nợ và hộ vay không thực hiện trả nợ. Mặt khác, cán bộ hội chưa thật sự quan tâm giám sát theo dõi các khoản nợ, nhất là các khoản nợ tồn đọng, nợ khó đòi, nợ quá hạn, nợ chiếm dụng xâm tiêu. Chất lượng hoạt động của tổ không tốt, ảnh hưởng không nhỏ đến rủi ro tín dụng. Tổ hoạt động kém; không sinh hoạt tổ theo định kỳ, bình xét cho vay không công khai, dân chủ, thành viên trong tổ không có tinh thần tương trợ, không giúp đỡ nhau trong việc dự kiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả hơn, vừa có thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình, sớm thoát nghèo vừa có đủ khả năng để trả nợ vốn vay. Các thành viên trong Tổ TK&VV chưa kiên quyết trong việc bình xét cho vay tại tổ, chưa giám sát việc sử dụng vốn vay, chưa tạo ra sức ép của tổ đối với cá biệt hộ vay vốn có nợ quá hạn, nợ chây ỳ, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến rủi ro tín dụng
Quản lý của các đơn vị nhận uỷ thác
Thực hiện văn bản thoả thuận về việc uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa NHCSXH và các tổ chức CT-XH, vai trò quản lý và điều hành của các cấp Hội là cực kỳ quan trọng, có tác động rất lớn đến việc hạn chế thấp nhất rủi ro tín dụng.
Nơi nào có sự chỉ đạo việc thành lập, củng cố hoạt động của Tổ TK&VV, đúng quy trình, duy trì sinh hoạt tổ định kỳ, bình xét cho vay công khai, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn vay của hộ vay vốn, có sự phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ hộ nghèo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vốn vay hiệu quả và xử lý dứt điểm các trường hợp phát sinh nợ xấu, nơi đó tiềm ẩn rủi ro tín dụng thấp. Ngược lại, ở những nơi các cấp hội nhận uỷ thác cho vay, không có sự kiểm tra, kiểm soát và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, Chính quyền địa phương để chỉ đạo hoạt động của Tổ TK&VV, nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả kém, nguyên nhân rủi ro tín dụng là rất cao.
Một bộ phận cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận thức chưa đầy đủ, chưa xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu sâu sát nhân dân địa phương để nắm bắt tình hình nợ của từng hộ vay; không kịp thời và kiên quyết trong công tác xử lý nợ chây ỳ, xâm tiêu, nợ tồn đọng... thậm chí đôi lúc còn bế tắc, không có giải pháp hữu hiệu để thu hồi nợ. Mặt khác, cán bộ xã, phường chưa nhiệt tình trong công tác phối hợp với Ngân hàng trong việc xử lý nợ, thêm vào đó, lại thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến công tác phối kết hợp trong việc triển khai cho vay và thu hồi nợ.
Khi cho vay vốn các tổ chức địa phương chưa có sự lồng ghép với nội dung tập huấn những kiến thức về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăn nuôi trồng trọt dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn vay thấp.
Từ phía ngân hàng
- Lỏng lẻo trong công tác kiểm tra nội bộ:
Hiện nay tại tất cả các điểm giao dịch đều có kiểm tra nội bộ. Tuy nhiên tổ kiểm tra nội bộ lại trực thuộc Phòng giao dịch, dưới sự chỉ đạo điều hành của chính giám đốc PGD nên việc kiểm tra nội bộ trong thời gian qua tại phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng chưa thật sự phát huy. Công tác kiểm tra nội bộ không thể hiện được tính độc lập và khách quan, chưa cảnh báo và phản ánh đầy đủ các rủi ro tín dụng của ngân hàng. Trong trường hợp rủi ro tín dụng phát sinh, tổ kiểm tra nội bộ có thể vì cả nể hoặc chịu áp lực của giám đốc chi nhánh mà không báo cáo trực tiếp lên cấp cao hơn. Báo cáo kiểm tra nội bộ chỉ mang tính hìn thức, rủi ro tín dụng chưa được phản ánh một cách trung thực.
- Rủi ro phát sinh từ chính sách tín dụng của ngân hàng:
Việc chỉ đạo của hệ thống chưa mang tính định hướng chưa đi trước đón đầu sự biến động của thị trường.
Chính sách tín dụng qua mỗi năm chưa nhất quán. Bên cạnh đó chính sách khách hàng của ngân hàng trong thời gian qua cũng chưa sát thực tế, chưa gạn lọc khách hàng cho PGD.
Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ:
Tuổi đời của cán bộ ngân hàng bình quân là 28 tuổi, đây là lực lượng trẻ, đầy nhiệt huyết, tuy nhiên lòng yêu ngành, yêu nghề chưa cao. Sự bố trí nhân sự không hợp lý cũng sẽ dẫn đến mốc ngoặc, bè phái gây nên rủi ro tín dụng ví dụ như bố trí cán bộ tín dụng và lãnh đạo phụ trách tín dụng có mối quan hệ ruột thịt.
Sự chèn ép, áp đặt của lãnh đạo cộng với sự thiếu chính kiến của cán bộ tín dụng cũng tạo nên nhiều rủi ro cho ngân hàng đặc biệt là trong công tác tín dụng.
Thiếu sự kiểm tra, giám sát sau khi cho vay:
Việc thẩm định khoản vay tại phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được thực hiện tương đối chặt chẽ theo các quy trình, biểu mẫu cụ thể. đối với những khoản vay lớn, phức tạp có sự thẩm định của cả hội đồng tín dụng, tuy nhiên sau khi cho vay thì việc kiểm tra sử dụng vốn vay là trách nhiệm của cán bộ tín dụng. Với khối lượng công việc hiện nay, đa số công tác kiểm tra sử dụng vốn vay đều được cán bộ tín dụng thực hiện đối phó, hình thức, không xuống thực tế khách hàng. Trong khi đó việc kiểm tra, quản lý sau khi cho vay là một trong những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng.